Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu mít các loại (gồm mít tươi, đông lạnh, sấy khô) gộp lại khoảng 12,53 triệu USD, tăng 21,6% so với 15 ngày cuối tháng 3/2021 và tăng 62,7% so cùng thời gian này năm ngoái.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4/2021, kim ngạch xuất khẩu mít các loại đạt 54,11 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu mít tươi tăng 26,4%, mít sấy khô tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch mít tươi đạt 47,48 triệu USD trong khi mít sấy là 6,06 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu mít đông lạnh giảm 11,5% (khoảng 572.000 USD).

Giá xuất khẩu bình quân mít các loại trong 15 ngày đầu tháng 4/2021 là 456,1 USD/tấn, tăng 10,9% so với 15 ngày cuối tháng 3/2021, so với 15 ngày đầu tháng 4/2020 giảm 5,5%. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến ngày 15/4/2021, giá xuất khẩu bình quân mít các loại chỉ khoảng 398,3 USD/tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân mít tươi đạt 361,2 USD/tấn, giảm 13,6%.

Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân mít sấy khô và mít đông lạnh tăng lần lượt 9,5% và 9,7%, lên mức 1.959,7 USD/tấn và 7.695,8 USD/tấn.

Giá mít Thái ngày 17/5 vừa qua tại tỉnh Tiền Giang, tỉnh Long An, tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… “tụt áp” còn 11.000 đồng/kg. Chủ vườn từng  bán mít làm giàu khuyên đừng trồng mít Thái nữa, diện tích quá nhiều rồi, không khéo lây nhiễm xơ đen… Người mới trồng thì nói “liệu có tin người đã ăn dày, no nê được không?”.

Thương lái cắt mít Thái tại vườn sáng 17/5 ở Tiền Giang, nói giá loại Một là 11.000 đồng/kg, loại Nhì là 7.000 đồng/kg, giá mít loại Ba là 3.000 đồng/kg, giảm mỗi loại 2000 đồng/kg.

Trung Quốc cũng sẽ trồng 180.000 ha mít ở đại lục phát triển sản phẩm chế biến như bột mít, trong khi diện tích mít Thái tại Việt Nam chỉ khoảng 30% dự án đầy tham vọng của Trung quốc. Cuộc đua mở rộng diện tích – không có cửa chế biến – dẫn nông dân Việt Nam đi tới đâu?

Việt Nam trông chờ vào sự tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Số liệu của Hải Quan cũng cho thấy trong nửa đầu tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất – chỉ đạt khoảng 127,48 triệu USD, giảm 12,4% so với 15 ngày đầu tháng 3/2021 và giảm 0,3% so với 15 ngày đầu tháng 4/2020. Tuy nhiên, theo cơ quan Hải Quan, lũy kế từ đầu năm nay đến 15/4/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020 (739,71 triệu USD).

Dự báo thời gian tới, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu thanh long, xoài sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do nước này bước vào vụ thu hoạch, bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11.

Năm nay, xoài Trung Quốc về các chợ tại TP.HCM khá sớm. Theo thông lệ hàng năm, cuối tháng 6, khi xoài Việt Nam hết mùa thì xoài Trung Quốc nhập khẩu mới xuất hiện.

Ông Miao RenLai, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng lâu nay thương lái Trung Quốc qua Việt Nam thu mua nông thủy sản chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ. Họ tự đi tìm nguồn hàng và khi không có lợi sẽ ngừng mua vô, giá sẽ giảm. Trong khi đó nhà nhập khẩu Trung Quốc không biết rõ thị trường Việt Nam, nhà xuất khẩu Việt Nam lại không liên hệ được các đối tác nhập khẩu Trung Quốc có năng lực. Do đó, các nhà cung cấp địa phương cần tìm được những nhà mua hàng (B2B) có tiềm lực thật sự.

Nói vậy, nhưng Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua, đang kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực – RCEP (gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) được ký kết vào ngày 15/11/2020. RCEP liên quan đến 2,2 tỷ dân, gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới, là hiệp định không chỉ liên quan đến các luồng trao đổi mậu dịch mà còn bao gồm cả các dịch vụ từ ngân hàng tới viễn thông hay chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài. Họ sẽ tìm nguồn hàng có chất lượng chuẩn mực, có lợi hơn để mua vào vì việc mua bán của họ không chỉ để tiêu dùng mà còn mua đi bán lại cho nước thứ ba.

BSA – Văn phòng Cần Thơ

Bắc Giang chuẩn bị 3 kịch bản để tiêu thụ 180.000 tấn vải vào vụ