Đông đảo phóng viên và đại diện doanh nghiệp tham dự buổi họp báo chuẩn bị cho Lễ công bố HVNCLC 2022.

Trong hơn 2 tháng, từ tháng 11/2021 đến 1/2022, Hội DNHVNCLC đã khảo sát trên toàn quốc với hơn 100 phỏng vấn viên cùng với 30 quản lý, giám sát vùng. Qua cuộc khảo sát, bên cạnh những con số thống kê cụ thể, Hội cũng đã ghi nhận được nhiều xu hướng mới đáng chú ý, từ thị trường và người tiêu dùng.

Kết quả thu nhận:

– 13.648 phiếu khảo sát; trong đó: có hơn 7.000 phiếu khảo sát người tiêu dùng (NTD) qua Online thuộc 60 tỉnh/ thành trên cả nước.

– 1.981 điểm bán tại tại 4 tỉnh/ thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ) là những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ).

– Kết quả: có 2.830 doanh nghiệp được nhắc tên trong tất cả các nhóm sản phẩm, với gần 30.000 lượt bầu chọn.

– 689 doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ NTD bầu chọn thuộc 49 tỉnh/thành; trong đó có 87 doanh nghiệp mới đạt lần đầu và 95 doanh nghiệp tạm rời khỏi danh sách bình chọn năm 2020.

– Đặc biệt, có 36 doanh nghiệp được NTD bình chọn liên tiếp 26 năm.

– Nhóm doanh nghiệp mới đạt lần đầu (mới nổi) tập trung hơn nhóm doanh nghiệp thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (đạt Ocoop 5*, khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất)

– Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bầu chọn cao nhất (8,9%) là nước chấm – gia vị; kế đến là ngành thực phẩm khô – đồ ăn liền (7,7%); ngành đạt tỷ lệ bầu chọn thấp nhất là dụng cụ làm đẹp (0,3%).

So với kết quả khảo sát cuối năm 2020, kết quả khảo sát năm cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành (thuộc top 5 hoặc top 10) có thứ hạng về thứ tự gần tương ứng với kết quả bình chọn 2020, tuy nhiên những doanh nghiệp thuộc tầng 2 (sau top 10) thì có sự xáo trộn đáng kể về thứ hạng theo tỷ lệ ghi nhận bình chọn.

Các xu hướng phía sau những con số

Đứt gãy chuỗi cung ứng: Số lượng cửa hàng bán giảm nhiều so với trước thời điểm bùng phát dịch, một số khu vực (địa bàn khảo sát) nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa (do tình hình dịch bệnh) ngay tại thời điểm khảo sát, mặc dù đây là thời gian đã áp dụng các biện pháp thích ứng linh hoạt công tác phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”.

Mức độ phân phối sản phẩm, và mức độ mua của NTD đều giảm (mua có kế hoạch): Giỏ hàng của NTD nhiều khi có tăng về khối lượng nhưng ít về số lượng (món mua) – chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cũng chỉ thường lựa chọn sản phẩm của một vài cty, hay thương hiệu nhất định. Tần suất mua của NTD cũng giảm, và chi tiêu hạn chế.

Thị trường vẫn còn quá khó khăn, người bán ế ẩm; hàng hóa của doanh nghiệp vẫn bị tồn đọng (tồn kho); một số DN thuộc các mặt hàng bán chạy lại chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất cầm chừng hiện vẫn còn khá phổ biến.

NTD ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe: NTD sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng và an toàn đối với sức khỏe đang là một xu hướng nổi bật hiện nay.

Ngoài xu hướng lựa chọn sản phẩm an toàn đối với sức khỏe thì NTD cũng rất mong đợi có được sự thuận tiện trong tiêu dùng ngay từ việc tiếp cận sản phẩm. Trong thời điểm dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì sản phẩm của các công ty có uy tín, sự thuận tiện trong tiếp cận được NTD quan tâm hơn là điều dễ hiểu.

Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh hệ thống các kênh phân phối hiện đại, các kênh phân phối truyền thống vẫn giữ sức hút đối với NTD. Các kênh phân phối chợ hay tiệm tạp hóa dù không còn giữ vai trò chủ đạo (có tính chất thống lĩnh thị trường như trước đây), nhất là ở các đô thị nhưng vẫn giữ một vị trí nhất định đối với NTD khi chọn nơi mua sản phẩm (tiệm tạp hóa, hay chợ vẫn chiếm tỷ trọng trên dưới 40% tùy loại sản phẩm). Có thể nói, mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay. NTD thận trọng hơn khi lựa chọn nơi mua thực phẩm, đồ uống: mức độ tập trung lựa chọn các điểm mua được coi là có uy tín và an tâm hơn.

Sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội vàng cho cả người bán lẫn người mua. Mua sắm trực tuyến đã và đang thay đổi tâm lý cũng như thói quen mua sắm của NTD, mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến gần như không còn ranh giới với nhóm NTD trẻ. Xu hướng này thể hiện rõ hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh covid 19.

NTD thường dựa vào nhiều nguồn để tham khảo thông tin về sản phẩm: Trong đó sự trải nghiệm của chính NTD, hay các nguồn thông tin trên không gian mạng, từ người thân/ bạn bè, hoặc từ người bán được NTD tham khảo nhiều, dù các kênh thông tin này có hoán đổi vị trí khi NTD tham khảo TT về sản phẩm các ngành hàng cũng như ở những thời điểm khác nhau. Báo in/ tạp chí hay người am hiểu/ chuyên gia vẫn là những nguồn thông tin tham khảo quan trọng đối với NTD khi chọn mua các sản phẩm phi thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm lâu bền.

Ghi nhận từ người bán thuộc các hệ thống bán lẻ cho thấy, có trên dưới 40% doanh nghiệp được đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa sạng chủng loại. Đặc biệt có trên 30% doanh nghiệp được người bán đánh giá có sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua.

Đối với các hoạt động từ doanh nghiệp: Có tới 1/3 doanh nghiệp được người bán lẻ đánh giá vẫn duy trì các hoạt động chăm sóc khách hàng, châm hàng thường xuyên hoặc thực hiện các chương trình khuyến mãi/giảm giá trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 bùng phát. Đây là nỗ lực đáng trân quý của cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp được bình chọn HVNCLC nói riêng.