Chuyên gia Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4”

Tại chung kết, có nhiều dự án đổi mới, sáng tạo, hình thành những mô hình kinh doanh tương đối hấp dẫn. Nhiều dự án đã nâng cấp, làm mới những sản phẩm rất bình thường thành những sản phẩm có sức hút.

Đây là chia sẻ của chuyên gia Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4”, do Trung tâm BSA tổ chức vừa kết thúc vào cuối tháng 10 vừa qua.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng: Những sản phẩm tài nguyên bản địa về nông nghiệp là những sản phẩm không dễ gì đổi mới sáng tạo nếu không có phương pháp. So với năm ngoái thì các dự án năm nay có sự tiến bộ rõ rệt về sự đổi mới sáng tạo.

Tại chung kết, có nhiều hướng đổi mới sáng tạo, có nhiều sản phẩm mới được ra đời dựa trên những sản phẩm truyền thống. Chúng ta vừa thấy một đề tài nói về sản phẩm chuối được nâng lên thành chủng loại mới đó là một loại bánh cuộn trái cây. Đây là ý tưởng sản phẩm rất tốt. Ngoài ra còn có những loại sản phẩm khác kể cả sản phẩm hiện thực và sản phẩm dịch vụ vô hình.

Ngay cả với những khái niệm dịch vụ cộng đồng, miệt vườn thành hệ sinh thái du lịch C2T cũng là khái niệm mới. Góc độ đổi mới thứ 2 là có những dự án tạo ra thị trường mới cho chính sản phẩm của họ bằng cách định vị lại sản phẩm. Chẳng hạn củ ấu là sản phẩm bình thường, con người ăn hàng ngày, nhất là người nghèo nhưng bây giờ, nó được biến thành một loại sữa dành cho giới công sở, giới trẻ. Chuyên gia Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Nói về việc ứng dụng công nghệ mới, ông Trần Anh Tuấn nhận định rằng, có những mô hình kinh doanh rất mới, họ kết hợp những khái niệm mới của cách mạng 4.0 như là kinh tế chia sẻ, dạng như hệ sinh thái du lịch C2T là thí dụ. Nói về đi sâu và sử dụng công nghệ có tính ứng dụng cao thì hệ thống xử lý nước biển thông minh hay hệ thống lọc nước sông, hồ, ao thành nước sinh hoạt… là điển hình. Có những dự án đổi mới, sáng kiến, tạo ra những mô hình kinh doanh tương đối mới và hấp dẫn.

Có những bạn lại đổi mới về cách thức hay sản phẩm truyền thống. Điều này rất hay ở chỗ các bạn có thể nâng cấp, cải cách lại những sản phẩm rất bình thường thành những sản phẩm hấp dẫn cho thị trường.

Với cách nhìn đối với đổi mới sáng tạo, đây là sự thành công của các bạn trẻ và cũng là quá trình được nhiều người tư vấn cũng như ban tổ chức đã theo đuổi và giúp đỡ các bạn khởi nghiệp trong thời gian qua. Vì thế chất lượng cuộc thi lần này cao hơn lần trước rất nhiều và hi vọng các bạn có nhiều điều kiện để thành công hơn sau cuộc thi này.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn cùng các thành viên Hội đồng giám khảo họp đánh giá, lựa chọn những dự án xuất sắc để trao giải tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4

Các chủ dự án nắm được nhu cầu của địa phương mình, vậy nên vấn đề còn lại là làm thế nào để giúp được các bạn đó những phương pháp tư duy, những phương pháp sáng tạo theo hướng hiện đại. Chúng ta vừa kết hợp phương pháp đổi mới sáng tạo với ứng dụng công nghệ. Công nghệ ở đây không chỉ thuần túy là công nghệ kỹ thuật mà chúng tôi thường hay nói về công nghệ marketing, công nghệ về truyền thông, công nghệ về đổi mới sáng tạo, công nghệ về quản lý.

Có những mô hình đòi hỏi trình độ quản lý cao để có thể phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta phải cung cấp cho những bạn trẻ mới khởi nghiệp này một tư duy tốt và một phương pháp đổi mới sáng tạo tốt. Giống như chúng ta chắp cánh để các chủ dự án bay cao và bền vững hơn trong bước đường phát triển của doanh nghiệp họ.

Giám khảo Trần Anh Tuấn cùng giám khảo Phan Văn Minh và ông Vũ Việt Dũng – đại diệp tập đoàn cà phê Trung Nguyên trao giải nhì cá nhân cho 2 dự án “Bảo tồn nhân rộng phát triển thương mại hóa Sa Sâm Việt tại tỉnh Bến Tre” và “Trái cây cuộn nhãn hiệu Tư Bông – Đồng Tháp”

“Qua cuộc thi này, có thể thấy rõ rằng các bạn trẻ có đam mê, tuy nhiên để biến các dự án của các bạn thành những doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài thì Ban tổ chức cuộc thi cũng phải có bước hỗ trợ. Từ việc phát hiện ra tài năng, phát hiện ra ý tưởng, thì chúng ta phải ươm mầm, nuôi dưỡng hay đào tạo về phương pháp lý luận, tư duy mới thậm chí dạy cách áp dụng các mô hình kinh doanh mới” – chuyên gia Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Sau mỗi cuộc thi như vậy, chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng, nâng cấp mô hình kinh doanh đó để đảm bảo 2, 3 năm đầu tiên các dự án tồn tại được. Sau đó mới mời thêm các nhà đầu tư thiên thần vào để giúp các dự án đi xa hơn. Hoặc chúng ta cần phải kết nối kinh doanh cho các dự án để đảm bảo được đầu ra và thị trường… Đây mới là môi trường nuôi dưỡng khởi nghiệp thành công chứ không chỉ dừng lại ở cuộc thi.


Nhờ tập huấn kỹ

So với các kỳ trước thì vòng chung kết năm nay, Ban tổ chức mà trực tiếp là các chuyên gia đã dành nhiều thời gian huấn luyện riêng cho từng dự án củ thể, để giúp cho các chủ dự án làm sát hơn đề tài của mình.

Trong đó tập trung nhiều vào các yếu tố khác biệt hoặc xây dựng mô hình kinh doanh mang tính hoàn thiện hơn, giúp cho các bạn nhìn ra được giá trị cung cấp cho thị trường là gì, cũng như giúp cho các bạn hiểu được làm thế nào để thương mại hóa và hiện thực hóa giấc mơ một cách rõ ràng.

Chính vì vậy, phần trình bày của các dự án chi tiết, rõ ràng và hoàn thiện hơn và nó đã giúp cho Ban giám khảo nhìn ra được tính hiện thực hóa của dự án nhiều hơn so với vòng bán kết.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn chụp hình lưu niệm cùng Phan Văn Tuân, Bắc Kạn – chủ dự án “Chăn nuôi gà ta thả đồi gắn với chuỗi giá trị sản phẩm”

Anh Tuấn – BSA