Tiêu điểm
Đài Loan thực hiện 5 biện pháp mới để phòng chống dịch
Năm biện pháp mới được công bố được công bố trong tuần này và bắt đầu có hiệu lực từ 30-8 nhằm đối phó với chủng Delta có tốc độ lan nhanh, công phá mạnh – theo Taiwan News.
Các biện pháp này gồm: xét nghiệm nhanh, theo dõi chặt chẽ sân bay, kiểm tra hàng thực phẩm nhập khẩu, giám sát hệ thống nước thải và xét nghiệm các mẫu máu tại ngân hàng huyết học – theo trang Taiwan News.
Kể từ ngày 30-8, các bộ test kit nhanh miễn phí sẽ được phát cho dân cưu tại các phòng khám địa phương từ ngày 30-8 khi mọi nghĩ rằng mình có thể bị phơi nhiễm với virus. Người dân có thể tự thực hiện xét nghiệm tại nhà và tiến hành xét nghiệm PCR nếu kết quả xét nghiệm nhanh là dương tính.
Nhân viên nhóm nguy cơ cao tại bốn sân bay quốc tế ở Đào Viên, Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng buộc phải thực hiện test nhanh mỗi tuần, cũng từ ngày 30-8. Chính quyền nói biện pháp này nhằm tăng cường bảo vệ phòng thủ biên giới trước dịch Covid-19. Đài Loan sẽ không mở cửa bầu trời đón các chuyến bay thương mại thường kỳ cho đến khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng mong muốn.
Trong khuôn khổ của kiểm soát biên giới, bao bì các loại thịt, hàng thủy sản và trái cây nhập từ nước ngoài sẽ được kiểm tra và xét nghiệm mẫu thường xuyên để phát hiện nguy cơ nguồn bệnh.
Trung tâm kiểm soát dịch trung ương (CECC) nói sẽ nâng số điểm giám sát hệ thống nước thải lên gấp đôi, từ 11 thành 22 điểm nhằm sớm đưa ra các cảnh báo. Trước đó, một vài nơi trong 11 điểm giám sát nước thải báo cáo có sự xuất hiện của virus Covid trong các mẫu nước thải được kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tiến hành thực hiện các xét nghiệm huyết thanh học với 5.000 mẫu chọn ngẫu nhiên từ các đơn vị máu lưu trữ tại các ngân hàng huyết học được hiến tặng từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua. Kết quả này sẽ được sử dụng làm thông số tham khảo để đánh giá sự lây nhiễm của Covid-19 trong cộng đồng.
Đài Loan chỉ ghi nhận hai ca nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày 26-8, trong khi đó ngày hôm 25 là không có. Đầu tuần, hòn đảo cũng chính thức sử dụng vaccine ngừa Covid do hãng dược nội địa Medigen sản xuất. Một loại vaccine xịt sâu trong mũi cũng đang được phát triển.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,35 – 57,05 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.789,5 USD/ounce, giảm 13,5 USD, tương đương 0,75% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Xuất khẩu tôm, điểm sáng của ngành thủy sản
3/ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang giảm mạnh xuống còn 385 USD một tấn (loại 5% tấm), mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD một tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Sang tháng 8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, đặc biệt trong phiên ngày 19/8, gạo loại 5% tấm đã xuống 385 USD một tấn, giảm 100 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã giảm xuống mức thấp do nhu cầu thị trường suy yếu. Ngược lại xu hướng với giá gạo Việt và Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 387-400 USD một tấn (tăng 5-7 USD/tấn so với một tuần trước), nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
4/ Trước tình trạng lượng điều thô nhập khẩu tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% là Campuchia, đang làm dấy lên nghi vấn trốn thuế của không ít doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh liên quan để đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia. Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan các tỉnh tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trên tổng số lô hàng nhập khẩu của tháng liền kề trước đó để kiểm tra thực tế hàng hóa. Theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu nhiều nhất đến từ Campuchia với với 1 triệu tấn, kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, tăng đến 422% về lượng và tăng tới hơn 587% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020, chiếm đến gần 60% về lượng và 65% về kim ngạch nhập khẩu điều cả nước trong cùng thời điểm.
5/ Đại diện lâm thời Mỹ và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ. Theo đó, trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ sẽ nằm trên khu đất có diện tích 3,2 ha ở quận Cầu Giấy và quy mô xây dựng 39.000 m2, với tổng ngân sách 1,2 tỷ USD và thời hạn thuê đất là 99 năm. Việc ký kết thỏa thuận thuê đất xây dựng khu Đại sứ quán Mỹ mới này có thể được coi như biểu trưng cho dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Hiện nay, quá trình lựa chọn và quy hoạch địa điểm đã hoàn thành, dự án đang trong quá trình thiết kế nhằm kết hợp chặt chẽ các yếu tố về kiến trúc, an toàn và yêu cầu về quy mô để tạo ra một không gian làm việc đảm bảo an ninh, hiện đại và bền vững cho các cơ quan và nhân viên của Chính phủ Mỹ.
6/ Theo một khảo sát mới nhất do Visa tiến hành, các công nghệ mới đã thúc đẩy Việt Nam tiến gần đến một xã hội không tiền mặt khi thanh toán thông minh đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là dành cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Theo kết quả khảo sát, có 77% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát đều bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ các ngân hàng số; trong đó, có tới 31% người tiêu dùng đã sử dụng những dịch vụ này. Động lực thúc đẩy áp dụng các hình thức thanh toán số xuất phát từ sự tiện lợi. Ngoài ra, cũng có ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường như: thanh toán sinh trắc học là quét vân tay, nhận dạng giọng nói…; với có tới 83% người tiêu dùng trong nước đã biết đến những phương thức thanh toán này và đa số cũng đều từng có những trải nghiệm.
7/ Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết sẽ thực hiện các bước để tái khởi động các chương trình cho thuê giàn khoan dầu khí vào tuần tới và dự định sẽ tổ chức một cuộc đấu thầu cho thuê giàn khoan tại Vịnh Mexico sớm nhất vào tháng 10. Động thái này đã được đưa ra hai tháng sau khi Bộ Nội vụ Mỹ cho biết sẽ tuân thủ một phán quyết sơ bộ được đưa ra ngày 15/6 của một thẩm phán liên bang, trong đó yêu cầu Chính phủ Mỹ chấm dứt đợt ngừng cho thuê giàn khoan dầu khí trên đất liền và trên biển kéo dài suốt nhiều tháng qua. Yêu cầu này được coi là một “đòn giáng” đối với những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch.
8/ Theo báo cáo từ Deloitte, nếu các nước Đông Nam Á bắt đầu áp dụng các biện pháp để kiểm soát biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, thì khu vực này sẽ có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế 12.500 tỷ USD trong 50 năm tới, ngược lại có thể gây nên tổn thất 28.000 tỷ USD. Theo nghiên cứu khoa học, nếu các nước không áp dụng hành động thì đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ có thể từ 30 độ C trở lên khiến mực nước biển tăng, thu hoạch lương thực giảm, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và các thách thức khác. Mặc dù các nền kinh tế Đông Nam Á đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề này, nhưng do môi trường địa lý và kinh tế đặc thù của các nước, nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia vẫn đang ở trong những giai đoạn khác nhau.
9/ Theo dữ liệu từ Cơ quan Giám sát Hạn hán Hoa Kỳ, nắng nóng khắc nghiệt đang “thiêu đốt” hầu hết các vùng Bắc Dakota, Nam Dakota, Minnesota, Iowa và Nebraska của Hoa Kỳ, đặc biệt là Bắc Dakota và Minnesota đang trải qua độ ẩm mặt đất thấp gần kỷ lục. Kết quả là nhiều cây trồng trong mùa xuân này đang héo úa. Theo đó, điều này cũng đã khiến Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phải giảm quy mô kỳ vọng đối với sản lượng cây trồng của Mỹ vào năm 2021, khiến hàng tồn kho trong nước Mỹ giảm dần. Trong báo cáo cung cầu hàng tháng mới nhất của USDA, cơ quan này chốt số lượng tồn kho dự trữ cuối kỳ đối với ngô, lúa mì và đậu tương, tất cả đều ở mức thấp nhất kể từ năm 2013. Đáng chú ý, khoảng 63% sản lượng lúa mì vụ xuân của Hoa Kỳ ở trong tình trạng kém hoặc rất kém, trong khi đó con số này ở thời điểm năm ngoái chỉ ở mức 6%.
10/ Hôm 25-8, chính phủ Trung Quốc đã mở lại bến chính ở cảng Ninh Ba-Chu Sơn, đông đúc thứ ba thế giới, sau thời gian phải đóng cửa nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Được biết, việc đóng cửa bến này đã gây nên tình trạng ùn tắc hàng hoá ở nhiều nơi khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu vốn đã bị trì hoãn kéo dài do tác động của đại dịch. Trong thời gian bến đóng cửa, các tàu phải chuyển sang các cảng khác của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng áp lực lên mạng lưới vận tải đường thuỷ toàn cầu trong khi nhu cầu hàng hoá ở phương Tây tăng vọt giữa đại dịch. Theo Lloyd’s List, trong năm 2020, cảng Ninh Ba-Chu Sơn đã giải quyết gần 1,2 tỷ tấn hàng hoá, với việc là cảng bận rộn thứ 3 trên toàn cầu xét về số chuyến hàng container trong năm 2020 và cũng là cảng bận rộn thứ 2 ở Trung Quốc sau Thượng Hải.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA