Tiêu điểm:

Đại siêu thị Aeon đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng siêu ứng dụng

Tăng tốc và phát triển trên nền tảng công nghệ số là chủ đề lớn nhất trong kế hoạch quản lý trung hạn đến năm 2025 của tập đoàn siêu thị Aeon. Theo Nikkei Asia, gã khổng lồ trong ngành bán lẻ Nhật Bản sẽ đầu tư 400 – 450 tỷ yen, khoảng 4 tỷ USD, vào cơ sở hạ tầng công nghệ để tăng doanh số bán hàng trực tuyến lên 1.000 tỷ yen, tức hơn 10 lần so với doanh thu năm tài chính kết thúc tháng 3 vừa rồi.
Tại Nhật Bản, tập đoàn Rakuten và LINE đang dẫn đầu trong việc tạo ra hệ sinh thái kinh tế trực tuyến cung cấp nhiều loại dịch vụ; vừa thu thập, phân tích dữ liệu, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh. Với sự gia nhập của Aeon, tập đoàn đang sở hữu mạng lưới cửa hàng vật lý, cuộc chiến giành quyền lực sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Aeon đang có ý định xây dựng siêu ứng dụng, làm nền tảng chính cho mọi dịch vụ mà tập đoàn cung cấp. Dịch vụ thanh toán qua smartphone sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 9 này và sẽ được tích hợp với các tiện ích mua sắm trực tuyến hiện có. Với tên Aeon Pay, khi người dùng đăng ký thẻ tín dụng do Dịch vụ Tài chính AEON xử lý, mã QR sẽ được cấp để thanh toán. Aeon đang nghiên cứu tiền điện tử “Waon” làm phương thức thanh toán, nhưng họ cũng sẽ chuẩn bị thanh toán qua điện thoại thông minh như một tùy chọn, không yêu cầu thanh toán trước và dễ sử dụng để mua sắm hàng hoá có giá cao.
Cho đến nay, Aeon có nhiều ứng dụng khác nhau do các công ty con cung cấp như Công ty TNHH bán lẻ Aeon, cửa hàng tổng hợp (GMS) và công ty vận hành trung tâm mua sắm Aeon Mall. Các nền tảng này cung cấp các dịch vụ mua sắm trực tuyến, mua thực phẩm tươi sống từ các cửa hàng gần khu khách hàng sống, và các dịch vụ thông báo cho bạn thông tin giảm giá tại các cửa hàng.
Aeon sẽ cung cấp một ứng dụng mới tích hợp tất cả các chức năng này và áp dụng thanh toán qua điện thoại thông minh. Hệ thống tích điểm, vốn được thiết kế riêng biệt cho tín dụng và tiền điện tử, cũng sẽ được thống nhất.
Người tiêu dùng sẽ có thể sử dụng nhiều dịch vụ với một ID chung mà không cần phải tải xuống hoặc cho chạy các ứng dụng riêng lẻ. Cho đến nay, có hơn 50 loại ứng dụng khác nhau được cung cấp bởi Tập đoàn Aeon, bao gồm bán lẻ, tài chính và rạp chiếu phim. Trong tương lai, Aeon cũng sẽ xem xét hợp tác với các dịch vụ bên ngoài như ứng dụng ăn uống và gọi xe.
Với việc tích hợp ứng dụng, Aeon sẽ có thể thu thập và phân tích dữ liệu mua hàng của người tiêu dùng một cách hiệu quả. Tổng cộng có 1,4 tỷ người ghé thăm các cửa hàng Aeon trong một năm, 46 triệu chủ thẻ và tổng số 88 triệu thẻ Waon đã được phát hành. Tuy nhiên, dữ liệu trên các nền tảng khác nhau đã không được chia sẻ giữa các đơn vị trong cùng hệ sinh thái, tạo nên nguồn dữ liệu lớn và từ đó Aeon có thể quản lý tập trung và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thích hợp với thị hiếu của từng người.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện vẫn đang ở mức 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng, không đổi so với hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.811,7 USD/ounce, tăng 1,5 USD, tương đương 0,08% so với chốt phiên trước. Giá vàng được hỗ trợ sau khi thông tin mới công bố cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
2/ Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra khủng hoảng trên toàn khu vực miền Nam và chưa có tiền lệ, đặc biệt là với các ngành chế biến nông, thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần này, chỉ trong 3 tháng đã có 10.000 doanh nghiệp đồng bằng rời khỏi thị trường. Trong đó, từ tháng 6 đến tháng 8-2021, đã có gần 90% doanh nghiệp trên địa bàn tạm ngưng hoạt động; doanh thu quý 2 giảm chỉ còn từ 40-50%. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20-30% công suất và chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng nhưng có một số đơn vị đã chấp nhận bỏ cuộc.
3/ Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thanh long của Trung Quốc giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu thanh long từ Việt Nam đạt 280,16 ngàn tấn, trị giá 255,87 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,1% về trị giá. Đây là điều đáng lo ngại, bởi nhiều năm qua, thanh long luôn được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và nằm trong nhóm xuất khẩu tỷ USD, trong đó, thị trường tiềm năng là Trung Quốc chiếm tới 80% thị phần. Tuy nhiên, loại trái cây xuất khẩu chủ lực này lại đang phải đối diện với sức ép rất lớn kể cả về chất lượng cũng như năng suất và giá thành. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, việc thu hoạch khó khăn trong khi Trung Quốc lại đang siết chặt kiểm dịch, đóng một số cửa khẩu tiểu ngạch, khiến việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn.
Thanh long gặp khó do thị trường Trung Quốc giảm nhập. Ảnh: Bill Company
4/ Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay từ 6,5% xuống 4,7%, năm 2022 cũng từ 7,3% xuống 7%. Được biết, do chỉ số kinh tế suy yếu, dịch bệnh trầm trọng và tiêm chủng vaccine chậm nên đây là lần thứ ba Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, từ mức 7,8% đưa ra hồi đầu năm, lần lượt xuống còn 6,7%; 6,5% và hiện là 4,7%. Theo Standard Chartered, nếu các ca nhiễm Covid-19 không được kiểm soát trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục suy giảm. Hơn thế nữa, dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm từ nay đến cuối năm, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch.
6/ Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng thêm vốn cho Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng. Với khoản đầu tư mới, LG Display sẽ nâng tổng số vốn đầu tư lên 4,65 tỷ USD, và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại địa phương này. Đây là lần thứ hai trong năm nay, LG Display Việt Nam Hải Phòng được bổ sung vốn. Trước đó, hồi tháng 2, doanh nghiệp này đã được rót thêm 750 triệu USD. Với sự đầu tư mới này, LG Display sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6-10,1 triệu sản phẩm lên thành 13-14 triệu sản phẩm một tháng. Doanh thu xuất khẩu dự kiến tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD một năm, nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD và tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
6/ Theo tin Microsoft vừa công bố, Windows 11 sẽ chính thức ra mắt vào ngày 5/10 tới. Vậy là sau 6 năm kể từ thời điểm Windows 10 được sử dụng, Microsoft sắp chính thức cho ra mắt sản phẩm kế nhiệm với nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới. Theo công bố, bản Windows 11 miễn phí sẽ bắt đầu được cập nhật trên các máy tính đang chạy Windows 10 đủ điều kiện và các máy tính được tích hợp sẵn Windows 11 cũng sẽ bắt đầu được bán trên thị trường. Windows 11 hứa hẹn mang đến một trải nghiệm Windows hoàn toàn mới, giúp người dùng dễ dàng truy cập những tiện ích mà họ yêu thích. Microsoft dự kiến đến giữa năm 2022, tất cả các thiết bị đủ điều kiện sẽ nhận được bản cập nhật Windows 11 miễn phí.
7/ Theo một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory và tổ chức dân sự LobbyControl, 612 tập đoàn, công ty và hiệp hội đã chi hơn 97 triệu euro (114 triệu USD) hằng năm để vận động hành lang về các chính sách kinh tế kỹ thuật số của EU. Theo đó, Google, công ty con hàng đầu của Tập đoàn Alphabet, Facebook và Tập đoàn Microsoft là ba “ông lớn” chi tiền vận động hành lang nhiều nhất ở châu Âu nhằm chống lại những quy định mới nghiêm ngặt hạn chế sức mạnh của “các gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Theo nghiên cứu, số tiền vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ này vượt trên cả các lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, tài chính và hóa chất. Được biết, việc vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ tập trung vào 2 dự thảo luật gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số.
8/ Forrest Li, đồng sáng lập, kiêm CEO Sea vừa trở thành người giàu nhất Singapore với khối tài sản trị giá gần 20 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, Li hiện sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 19,8 tỷ USD. Theo đó, cổ phiếu Sea từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh giúp Li đạt được thành quả trên. Được biết, Sea, công ty giá trị nhất Đông Nam Á, đã chuyển sang mảng fintech để tăng trưởng hơn nữa, bên cạnh game và thương mại điện tử. Đồng thời, hãng công nghệ này phát triển ra ngoài Đông Nam Á. Sea đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore vào tháng 12 và mua lại Ngân hàng PT của Indonesia Kesejahteraan Ekonomi, hay còn được gọi là ngân hàng BKE. Thành công của Sea được tạo dựng nhờ game Free Fire đã vượt hơn 1 tỷ lượt tải xuống trên Google Play. Doanh nghiệp này cũng được thúc đẩy bởi nền tảng thương mại điện tử Shopee.
Forrest Li, đồng sáng lập của Sea. Ảnh: Bloomberg
9/ Sản phẩm nước uống kiềm ION, nhãn hiệu Fujiwa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật đã tạo ra cơn bão tại thị trường Australia. Đây là lần đầu tiên 4 container, tương đương 160.000 chai nước kiềm ION, được Việt Nam xuất khẩu sang Australia. Số hàng đã được tiêu thụ gần hết chỉ trong thời gian ngắn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu đồ uống không cồn từ Việt Nam sang Australia không những tăng trưởng lên đến 59% so với cùng kỳ mà còn cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu chung của Australia từ thế giới đối với ngành hàng này. Đáng lưu ý, tổng kim ngạch đạt hơn 9,5 triệu USD, không kể cà phê đóng lon.
10/ Theo báo cáo hàng năm về chuyển đổi số của Facebook và Bain & Co vừa công bố, lượng người tiêu dùng kỹ thuật số năm nay của Đông Nam Á dự kiến đạt 350 triệu, tăng trưởng đáng kể so với 280 triệu vào năm 2019, tức thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện. Dự báo đến năm 2026, lượng người tiêu dùng kỹ thuật số của khu vực sẽ đạt khoảng 380 triệu người, gấp 1,4 lần so với 2019. Vào cuối năm nay, báo cáo dự báo mỗi quốc gia trong số này sẽ có từ 70% dân số trưởng thành là người tiêu dùng kỹ thuật số. Nghiên cứu cũng cho thấy hàng tạp hóa trực tuyến là phân khúc phát triển nhanh nhất, với phần lớn người tiêu dùng có kế hoạch duy trì hoặc tăng chi tiêu trực tuyến tại nhà của họ cho mặt hàng này, cùng với những sản phẩm khác. Ngoài ra, chi tiêu trực tuyến cho mỗi người trong toàn khu vực vào năm 2020 là 238 USD, vượt xa các dự báo trước đó và dự kiến sẽ tăng lên 381 USD vào cuối năm 2021.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA