Đoàn khách quốc tế thưởng thức cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017.

(Cafe news)- Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp (DN) đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta, tổng diện tích hơn 15.612 ha, sản lượng đăng ký 48.690 tấn/năm.

Thời gian qua, Hiệp hội thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp quyền sử dụng CDĐL thông qua hệ thống quản lý nội bộ, hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại sản phẩm có CDĐL. Theo đó, qua kiểm tra nội bộ 10 DN được sử dụng CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột cho thấy, hầu hết các đơn vị đã tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê theo đúng quy định của sản phẩm được cấp CDĐL.

Cụ thể, về chăm sóc, các công đoạn cắt tỉa, vệ sinh vườn cây, sử dụng phân bón, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật được nông dân thực hiện đúng kỹ thuật và ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nông hộ; các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều trong doanh mục cho phép, hạn chế dùng phân bón hóa học. Ở công đoạn thu hoạch, hầu hết sản lượng cà phê thu hoạch đạt tỷ lệ chín 80 – 85% và được sấy khô hoặc phơi trên sân xi măng; riêng các DN chế biến ướt, tỷ lệ quả chín khi thu hái đạt tối thiểu 90%.

Máy chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. Ảnh: Ksor Cương

Theo phân hạng chất lượng, tất cả sản lượng cà phê qua chế biến đều bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm có CDĐL: hạt có màu, mùi đặc trưng của cà phê nhân Robusta, tỷ lệ hạt đạt trên sàn 13, 16, 18 đạt 90%, độ ẩm dưới 12,5%.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” trên sản phẩm cà phê rang xay, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã ban hành 2 bộ công cụ quản lý “Tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm cà phê rang xay Buôn Ma Thuột” và “Quy chế sử dụng logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê rang xay”. Hiện có 15 DN, hợp tác xã được sử dụng logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm rang xay với 16 dòng sản phẩm. Riêng trong năm 2017, sản lượng cà phê rang xay có CDĐL đạt 14,5 tấn, trong đó, sản lượng đã được thương mại hơn 7 tấn.

Đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, địa phương đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được 12 quốc gia đồng ý bảo hộ dưới dạng CDĐL, tên gọi xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể, gồm: Canada, Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Luxambua, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nga là tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Riêng tại lãnh thổ Liên minh châu Âu, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2018, “Buôn Ma Thuột Coffee” được bảo hộ dưới hình thức CDĐL. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) đang hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký và vận hành trong thực tế theo những quy định của EU.

Theo bà Lê Thị Thành, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ, quảng bá CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột, thời gian tới sẽ mở rộng cấp quyền sử dụng CDĐL cho các tổ chức nông dân sản xuất cà phê trong vùng địa danh gắn với tổ chức lại sản xuất, liên kết với DN bao tiêu sản phẩm;  thực hiện các yêu cầu về hệ thống quản lý CDĐL ở cơ sở, kiểm soát quy trình canh tác, chất lượng sản phẩm; vận hành hệ thống truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, công cụ quản lý, mã hóa sản phẩm và xây dựng chiến lược thị trường phục vụ thương mại hóa sản phẩm cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột.

Theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm cà phê rang xay Buôn Ma Thuột, các sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật khắt khe về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, độc tố vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh vật, phụ gia thực phẩm, bao bì, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

Dak Lak online