(Cafe news) – Ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, hơn 1/3 diện tích cà phê của tỉnh ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi, gần hết chu kỳ kinh doanh, cho năng suất kém cần phải trồng tái canh.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
Ngành hàng cà phê của tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp, đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đời sống đồng bào các dân tộc ở các vùng trồng cà phê của tỉnh đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm nhanh, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa có phát triển cây cà phê. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các vùng trồng cà phê được đầu tư xây dựng từ nguồn xuất khẩu cà phê như điện, đường, trường, trạm…phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc, bộ mặt nông thôn mới ngày một khang trang. Cây cà phê giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, hơn 1/3 diện tích cà phê của tỉnh ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi, gần hết chu kỳ kinh doanh, cho năng suất kém cần phải trồng tái canh. Nhiều diện tích không theo quy hoạch dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất, hiệu quả thấp. Nhiều chủ thể sản xuất chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả.
Khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê trên địa bàn tỉnh còn yếu dẫn đến bị tổn thất và chất lượng nhiều sản phẩm ở mức thấp. Phần lớn diện tích cà phê sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa theo quy trình sản xuất an toàn, ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cà phê. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất cà phê của tỉnh còn thấp, năng suất lao động chưa cao; sự liên kết giữa các tác nhân trong ngành hàng, sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất còn hạn chế, làm gia tăng rủi ro cho từng nhóm tác nhân trong ngành hàng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 10% diện tích cà phê sản xuất tương đối tập trung thành vùng chuyên canh, số diện tích cà phê còn lại 90% là do người dân tự trồng, chăm sóc, quản lý…
* Vậy tỉnh đã có những giải pháp nào để phát triển cà phê bền vững, thưa ông?
– Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của Đắk Lắk là tập trung tái cơ cấu lại ngành hàng cà phê vối phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, doanh nghiệp. Đồng thời, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tỉnh hỗ trợ kinh phí thành lập, đào tạo nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên minh sản xuất cà phê bền vững, làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho người sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong ngành hàng cà phê. Đồng thời, khuyến khích người trồng cà phê tham gia “Hội người sản xuất cà phê”, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, thuận lợi cho đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, liên kết liên doanh sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Tỉnh cũng đào tạo, chuyển giao cho người sản xuất và tổ chức nông dân quy trình sản xuất cà phê bền vững, kỹ thuật trồng tái canh, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật thu hái, bảo quản, quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê hữu cơ, thành lập mới thêm 40 hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên minh sản xuất cà phê bền vững….
Đặc biệt, Đắk Lắk đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất cà phê, nhất là nhanh chóng phổ biến, hỗ trợ áp dụng các quy trình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc sản xuất cà phê có chứng nhận tiêu tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến cà phê sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tỉnh cũng đầu tư phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có từ 75 đến 80% diện tích cà phê được chủ động nước tưới, có 10.000 ha được tưới nước theo công nghệ tưới nước tiết kiệm. Đến năm 2025, Đắk Lắk cơ bản hoàn thành việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột Coffee” ở 17 nước đang xin đăng ký và đến năm 2030 mở rộng các nước tiêu thụ cà phê khác trên thế giới… Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020, diện tích cà phê chỉ còn 180.000 ha, sản lượng bình quân 450.000 tấn cà phê nhân/năm.
Đến năm 2030, diện tích ổn định từ 170.000 ha – 180.000 ha, sản lượng bình quân đạt 550.000 tấn cà phê nhân/ha, năng suất đạt từ 2,5 đến 2,8 tấn cà phê nhân/ha. Từ 80- 85% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy, bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật; tất cả các cơ sở chế biến cà phê xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỷ lệ cà phê chế biến sâu đạt từ 10 đến 15% sản lượng mỗi niên vụ.
Từ năm 2030, tỷ lệ cà phê chế biến sâu tăng lên từ 25 – 30% sản lượng cà phê mỗi niên vụ, kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân từ 700 – 800 triệu USD/năm.
Quang Huy (TTXVN)