Là giáo viên và cũng là phụ huynh, tôi thấy cái đáng sợ nhất của người làm thầy, làm cha mẹ không phải là con em mình không đạt điểm cao nhất nhì trong lớp, hay không có khả năng học tốt các môn giáo khoa bằng bạn bằng bè.
Cái đáng sợ nhất là đứa trẻ thiếu mối quan tâm, hứng thú mạnh mẽ và năng lực tập trung cao độ để làm điều gì đó cho đến nơi đến chốn và tận tâm.
Trong trải nghiệm dạy học của mình, tôi ít gặp vấn đề với các học sinh học kém do năng lực trí tuệ, mà chủ yếu đau đầu với chuyện các em không thể tập trung trong một thời gian dài, không biến đam mê nhất thời thành sở thích và niềm say mê lâu lài. Khi thiếu say mê và tập trung, cho dù thông minh, các em không thể đi đến được chặng đường gặt hái được thành tựu và đa phần bỏ cuộc giữa chừng.
Nhu cầu thoả mãn các đòi hỏi của con người cũng trở nên ngày càng phong phú. Nó tạo ra vô vàn cơ hội để các ngành nghề mới ra đời với tính chất chuyên biệt hoá, cá nhân hoá ngày càng cao.
Vì vậy, khác biệt, độc đáo và “chỉ mình làm được” trở thành tiêu chí quan trọng trong nghề nghiệp hơn là “người khác làm gì mình làm nấy”. Chính vì vậy, trên thực tế đã hình thành trào lưu trước đó chưa từng thấy là biến niềm say mê, sở thích của bản thân thành nghề nghiệp.Và khi đẩy nghề nghiệp đó lên tới đỉnh cao, các cá nhân trở thành người xuất chúng.
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Marie Kondo, một chuyên gia về sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc của Nhật Bản là ví dụ.
Cho dù tốt nghiệp đại học nữ sinh Tokyo, sự nghiệp chói sáng của cô lại gắn liền với thú vui “kỳ quái” (theo cách gọi của mẹ cô) hồi nhỏ. Đó là ngay từ lúc nhỏ Kondo đã rất thích lau chùi, sắp xếp đồ đạc trong nhà.
Cô bé Kondo làm điều đó với sự say mê cao độ khiến cho gia đình và bạn bè vô cùng ngạc nhiên. Từ khi còn là học sinh trường mầm non, Kondo đã thích đọc tạp chí dành cho người nội trợ và khi là học sinh tiểu học, trung học cơ sở thì luôn “có mặt” trong tổ trực nhật. Vào năm cuối cùng của bậc học trung học cơ sở (tương đương lớp 9), Kondo đọc được cuốn sách dạy về kỹ thuật “ném bỏ” đồ đạc của một tác giả người Nhật, và cô có cảm giác mình được khai sáng.
Từ đó, cô chú tâm nghiên cứu về kỹ thuật, nghệ thuật dọn dẹp, sắp xếp, bài trí đồ vật trong nhà một cách có hệ thống. Khi thấy xã hội có nhu cầu rất lớn về dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, cô đã biến thú vui của mình thành “công việc” và thành công vang dội.
Các cuốn sách cô viết trở thành sách bán chạy, được xuất bản ở trên 30 nước trên thế giới. Kondo bỗng nhiên trở thành ngôi sao trên cả các show truyền hình, và được đón nhận nồng nhiệt không thua kém các ngôi sao giải trí đại chúng.
Câu chuyện của Marie Kondo là một ví dụ sinh động và thuyết phục trong muôn ngàn ví dụ trên thế giới chứng minh rằng, để thành công có rất nhiều con đường, chứ không phải chỉ có một con đường duy nhất mà ai cũng phải đi qua.
Muốn đi được trên con đường ấy, đầu tiên và quan trọng nhất người ta phải có sự say mê và tập trung cao độ. Hai thứ ấy không tự nhiên mà có, mà nó phải được nuôi dưỡng và khuyến khích từ thời thơ ấu. Phụ huynh đừng sợ con không giành điểm cao nhất lớp hay không vào được trường có thứ hạng cao nhất, mà hãy sợ con không làm cái gì đó với sự say mê và tập trung cao nhất.
Nguyễn Quốc Vương