Bằng kiến thức về sản xuất, công nghệ và sự hiểu biết thị trường, nhà sản xuất sẽ có được vũ khí riêng để bước vào cuộc chiến hội nhập, trên nền tảng chính các tiêu chuẩn mà thế giới công nhận.
Tham gia chấm 117 bài thi về “ý tưởng chuỗi giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số” do uỷ ban Dân tộc tổ chức, tôi nhận được nhiều thông tin hay về khát vọng thay đổi qua các dự án biết khai thác lợi thế nguồn tài nguyên bản địa (dược liệu, rau quả miền núi…) và ứng dụng những phương pháp chế biến truyền thống, lại có ít nhiều của công nghệ mới, phương pháp mới.
Cũng như các dự án khởi nghiệp của các vùng miền, các bạn trẻ yếu ở hai điểm: am hiểu thị trường và tính toán tài chính. Nhưng tôi ngạc nhiên, hầu hết các dự án đều bày tỏ nhận thức rõ rệt về vai trò của tiêu chuẩn khi bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh. Nhiều bài thi viết rằng, sẽ chú ý làm theo tiêu chuẩn VietG.A.P hay ít nhất có nhắc đến hai từ “tiêu chuẩn”.
Khó “ló” khôn!
Sáng nay (20/11/2018), ở Hà Nội, chúng tôi có cuộc trò chuyện trên VTV về tiêu chuẩn LocalG.A.P. Cùng tham dự là chị Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn. LocalG.A.P là một tiêu chuẩn mới, một công trình “sáng tạo” từ hợp tác giữa tổ chức GlobalG.A.P (GG) và hội DN.HVNCLC.
Lâu nay ta hay nghe GlobalG.A.P mà chưa từng nghe đến tên gọi này. GlobalG.A.P được xây dựng năm 1998, thời kỳ khủng hoảng về an toàn thực phẩm ở châu Âu liên tục xảy ra. Sau nhiều năm, GG nhận thấy, việc áp dụng cho các nước đang phát triển có nhiều thách thức, nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự khác biệt khá lớn giữa nông nghiệp của châu Âu và những nước đang phát triển (như ở Việt Nam, đi xe đạp điện hay xe gắn máy phân khối thấp mà còn phải sắm một cái “nồi cơm điện” (mũ bảo hiểm) như khi đi mô tô thật là phiền toái và tốn kém).
Điều dễ nhận thấy, chỉ những trang trại có quy mô sản xuất lớn, hệ thống quản lý tốt mới đủ năng lực tham gia chương trình GG. Nói một cách khác, những nước như Việt Nam, khi sản xuất quy mô nhỏ lẻ còn chiếm hơn 70%, sẽ có hơn 70% nông dân bị “bỏ lại phía sau”. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhiều nơi bắt đầu nói về việc làm sao để sản xuất nhỏ có thể tham gia vào thị trường, thậm chí là thị trường quốc tế, LocalG.A.P là giải pháp thiết thực, vừa tầm cho nông nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác của tiêu chuẩn là thừa nhận từ phía nhà bán lẻ. LocalG.A.P là chương trình chuyển tiếp từ năng lực sản xuất nội địa đến năng lực sản xuất toàn cầu của GG, khi được nhà bán lẻ quốc tế chấp nhận, sẽ là chiếc cầu để đưa nhà sản xuất “yếu thế” đến với người tiêu dùng, mở ra cơ hội để họ đi vào thị trường thế giới.
Chảy về biển lớn…
Trong một cuộc trò chuyện với cô khách hàng người Mỹ, chuyên cung cấp sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam cho Walmart, có một điều cô ấy nói: “khi sản xuất nông nghiệp mở rông thành quy mô lớn xảy ra ở Mỹ từ nhiều năm trước, những nông dân sản xuất nhỏ đã phải chia tay với mảnh đất của mình và từ giã nghề nông đã được truyền lại qua nhiều thế hệ” đã làm tôi phải suy nghĩ.
Cô ấy nói, cảm thấy đau lòng về điều này. Nhiều lúc tôi tự hỏi, vì sao những người trẻ nông thôn đổ về thành thị ngày càng nhiều? Phải chăng họ không thấy được “cánh cửa” cho những người sản xuất như họ. Bảo vệ người sản xuất nhỏ phải chăng cũng như giữ gìn những thôn làng với các giá trị truyền thống và văn hoá bản địa?
Một bạn rất trẻ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang xây dựng chuỗi cà phê rang xay. Bạn ấy mua cà phê nguyên liệu từ trang trại cà phê của cha mình và những người bạn của ông. Vị chuyên gia Hà Lan sau khi thăm mô hình trên về đã phải thốt lên: “Người cha thật can đảm khi dám đầu tư tiền cho cậu con trang bị máy móc tốt và một xưởng chế biến khang trang”.
Nhưng anh con trai vẫn đang loay hoay trong việc xác định chuẩn nào cho chuỗi của mình? Làm sao người tiêu dùng và nhà bán lẻ nhận biết sản phẩm cà phê tử tế của anh bạn trẻ trong vô vàn loại cà phê sạch đang tung tẩy trên thị trường hiện nay? Làm sao để những người bạn của cha anh tin tưởng để tiếp tục giúp đỡ công việc tử tế mà anh bạn trẻ đang làm?Ai sẽcông nhận cho những nỗ lực ấy?
Chị Kim Thanh vừa kể câu chuyện tuần rồi có gặp một bạn trẻ quản lý dự án xây dựng năng lực sản xuất cho nhóm lúa gạo và trái cây ở một số tỉnh miền Tây theo tiêu chuẩn GG. Chương trình này nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ một ngân hàng lớn ở Đức. Sau khi đánh giá mức độ khả thi, ban quản lý dự án nhận ra, chỉ có hai trong tổng số hơn mười hợp tác xã có đủ năng lực thực hiện chương trình GG. Vấn đề đặt ra ở đây, hơn tám hợp tác xã còn lại sẽ không tránh khỏi việc cảm thấy “mất động lực cho những cố gắng mà họ đã đeo đuổi trong nhiều năm”!
Vì những trăn trở đó, chương trình LocalG.A.P được đề xuất như một giải pháp để ghi nhận quá trình đi đến năng lực sản xuất tốt toàn cầu. Sau một vài năm, khi năng lực sản xuất được cải thiện, con đường đến GG để hội nhập với thị trường quốc tế sẽ nhẹ nhàng và ít nhọc nhằn hơn. Điều cốt lõi của chuẩn này là “những cố gắng tử tế sẽ được ghi nhận để tạo động lực cho nhà sản xuất”.
Điều cuối cùng muốn nói ở đây là sự cố gắng này sẽ được nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết như thế nào. Sự tham gia của hội DN.HVNCLC vào tiêu chuẩn LocalG.A.P sẽ đem lại giá trị: sự tiếp cận và ghi nhận thường xuyên ý kiến, phán quyết của người tiêu dùng về sản phẩm qua các hoạt đông của hội và cuộc khảo sát bình chọn danh hiệu HVNCLC hàng năm.
Vai trò mới của hội khi thiết kế chương trình thứ hai: Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, là xây dựng một nền tảng định lượng về tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm, mà từ tiêu chuẩn đã được công bố, người tiêu dùng hay bất cứ ai cũng có thể kiểm soát được chất lượng, quy trình làm ra sản phẩm.
Công bố tiêu chuẩn LocalG.A.P, nhà sản xuất sẽ tìm một hướng đi riêng để không bị hoà lẫn vào thị trường đang tràn ngập hàng nhập. Như vậy, bằng kiến thức về sản xuất, công nghệ và sự hiểu biết thị trường, nhà sản xuất có được vũ khí riêng để bước vào cuộc chiến hội nhập, trên nền tảng chính các tiêu chuẩn mà thế giới công nhận.
Đó thực sự là định lượng và số hoá lòng tin của người tiêu dùng.
Kim Hạnh – Kim Thanh