Bạn Bùi Khánh Duyên của Gotafarm, từ Thái Bình vào TP.HCM dự khóa học. Ảnh: Trần Quỳnh.
Các bạn trẻ khởi nghiệp từ nông sản, công việc chính là chế biến thực phẩm thì HACCP Codex V5-2020 như “lá bùa” công hiệu để giải hầu hết các bài toán khó.
Mới đây, lớp học về HACCP Codex 2020 với nhiều thông tin cập nhật được Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức 8 tại TPHCM, cùng lúc với một đợt học tập trung cho các bạn khởi nghiệp ở Hà Nội với các đề tài khác. Học viên ghi tên học khá đông vì biết sẽ được phân tích các vướng mắc và khó khăn để đảm bảo thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm tốt. Chủ đề khóa học tuy có vẻ khô khan – “Nhận thức cơ bản hệ thống quản lý ATTP theo HACCP Codex V5-2020 & Lập hồ sơ Tự công bố thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP” nhưng vẫn thu hút khá đông học viên khi phải tổ chức tiếp một khóa nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài các doanh nghiệp đã có tiêu chuẩn HACCP – cử học viên để ôn luyện và cập nhật – có khá nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu nghiên cứu về tiêu chuẩn này. Trong số các học viên, tôi chú ý có một bạn ở tỉnh Thái Bình tìm mọi cách vào tận nơi để học. Đó là bạn Bùi Khánh Duyên của Gotafarm. Tôi hỏi ngay chị Vũ Kim Anh, “bà chủ” chương trình khởi nghiệp trong nông nghiệp và được thông tin thêm: Duyên dự thi Sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp do BSA tổ chức từ năm 2019 và đến nay vẫn tiếp tục các hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp với nông sản, nhất là thảo dược. Duyên rất chú trọng việc học tập để nắm chắc các lĩnh vực mình hoạt động như đã đi học một khóa chuyên về dược để bổ sung đúng cách kiến thức về thuốc.
Cô gái này có đặc điểm là làm gì cũng tìm tòi, học hỏi đến mức chuyên sâu nhất có thể. Ví dụ, làm những món lá xông từ thảo được, cô đi học về dược nên bây giờ, tuy xưởng cũng đã xây, Duyên vẫn vượt khó đường xa, vô học về HACCP. Thế nên khi nghe Duyên đi học, tôi thấy rất vui mà không ngạc nhiên.
“Thảo mắm” cũng vậy, Thảo chạy show theo lớp ở Hà Nội về tiếp thị thương mại xong lại bay về Sài Gòn theo lớp này.
Theo dõi lớp học, tôi thấy cô giáo Phương Thảo giảng rất cặn kẽ, về sơ đồ mặt bằng và các lối di chuyển của con người, nguyên liệu, rác thải. Hiện tại, trên thực tế một số doanh nghiệp nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng nhà xưởng chưa tuân thủ theo nguyên tắc 1 chiều từ đầu vào đến đầu ra, dẫn đến rủi ro nhiễm chéo trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, còn cập nhật thông tin về các thông tư, quy định hiện hành trong kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm đầu ra (vi sinh, kim loại nặng, độc tố vi nấm, bảo vệ thực vật…).
Tôi nhớ, chuyên gia Phương Thảo từng lưu ý: Việc thẩm định các biện pháp kiểm soát, thu thập bằng chứng phải luôn thực hiện đúng cách và khả năng kiểm soát mối nguy nhằm đạt kết quả cụ thể. Tại lớp học, Duyên thực tình chia sẻ: Nhà xưởng của cô đã được xây dựng lâu rồi, từ quy mô nhỏ mở rộng dần theo kiểu làm đến đâu, xây đến đó; chưa được trang bị các kiến thức, chưa được tư vấn khi thiết kế nhà xưởng cho đúng tiêu chuẩn.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn luôn luôn được làm mới, cần cập nhật. Như điểm mới trong tiêu chuẩn HACCP lần này, doanh nghiệp cần quan tâm là phân chia khu vực theo các mức độ nghiêm ngặt về vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm chéo.
Vậy lúc nào phải kiểm tra nhà xưởng? Trả lời: Phải kiểm tra nhà xưởng định kỳ để phát hiện sự xâm nhập của côn trùng; phải bảo dưỡng, làm vệ sinh, kiểm soát động vật gây hại và phải đảm bảo đèn diệt côn trùng để chúng không nhiễm vào thực phẩm.
sp thao duoc cua BKD

Sản phẩm thảo dược của Gotafarm. Ảnh: Trần Quỳnh.

Quá trình xử lý động vật gây hại phải được thực hiện bởi người có năng lực và đảm bảo không làm nhiễm bẩn thực phẩm. Nguyên nhân phải được điều tra và có hành động tương ứng và lưu hồ sơ các hoạt động liên quan. Người có vết thương hở, không tiếp xúc thực phẩm hoặc vết thương phải được che bằng băng chống nước (màu tương phản với thực phẩm, có thể phát hiện bởi máy dò kim loại hoặc X-ray), khi cần thiết có thể đeo thêm găng tay.
Chuyên gia Phương Thảo lưu ý trong các bước xây dựng HACCP, sơ đồ quy trình sản xuất phải chỉ ra tất cả đầu vào, bao gồm cả nguyên liệu và vật dụng tiếp xúc với thực phẩm, nguồn nước và không khí nếu có liên quan. Phần thẩm tra sơ đồ quy trình sản xuất phải được thực hiện bởi một người hoặc những người có đủ kiến thức về hoạt động điều hành sản xuất; việc thẩm tra trong thời gian nhà máy đang vận hành sản xuất. Phần mô tả sản phẩm, bất kỳ giới hạn nào liên quan đến sản phẩm thực phẩm đã được thiết lập như mối nguy phải được xem xét và cân nhắc trong kế hoạch HACCP, như giới hạn phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu vi sinh theo luật định, dư lượng thuốc thú y tối đa cho phép, thời gian và nhiệt độ xử lý nhiệt do cơ quan có thẩm quyền quy định…
Được biết, sau khóa học này, chương trình sẽ tiếp tục mở các khóa học về Ghi nhãn sản phẩm thị trường Mỹ, khóa học về ISO 22000… theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
Trần Quỳnh – Ngọc Diễm