Một đĩa cơm gà ở tiệm Boon Toong Kee ở khu East Coast, Singapore. Ảnh: Bloomberg

Đĩa cơm gà, một trong những đặc sản của quốc đảo Singapore, đang sẵn sàng lên giá sau lệnh hạn chế xuất khẩu của nước láng giềng Malaysia.

Món ăn phổ biến này được tìm thấy ở hầu hết các điểm ăn uống ở Singapore, từ các khu món ăn đường phố (hawker food) đến các nhà hàng cao cấp. Malaysia cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu thịt gà từ 1-6 tới. Động thái này sẽ gây tổn hại đến Singapore vốn nhập đến 1/3 lượng gà sống từ Malaysia.

Nhà kinh tế Lee Ju Ye thuộc ngân hàng Maybank Investment Banking Group nói rằng, lệnh cấm xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục đẩy giá thịt gà, loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất của Singapore, vốn đã tăng 5,7% vào tháng 4. Lạm phát lương thực sẽ vẫn tăng ở mức 4-6%, so với mức tăng trung bình 1,5% trong 5 năm qua.

Các loại thực phẩm chiếm 21% trong rổ giá tiêu dùng của Singapore, nhưng thịt chỉ chiếm 0,1%. Vì thế, tác động của lệnh cấm từ Malaysia là không đáng kể – theo lời bà Selena Ling, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu & Chiến lược Ngân khố thuộc ngân hàng OCBC.

“Nếu lệnh cấm dai dẳng và đáng lo ngại hơn, phản ánh tình trạng bảo hộ ngày càng nhiều hơn của các quốc gia đối với mối lo về an ninh lương thực và lạm phát, thì đây có thể là một kịch bản mất mát đối với tất cả mọi người” bà Ling nói.

Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cho biết hầu hết gà từ Malaysia được nhập khẩu dưới dạng động vật sống, sau đó giết mổ và giữ trong kho mát. Nguồn cung thịt gà tươi có thể bị gián đoạn tạm thời, nhưng nguồn thịt gà đông lạnh vẫn dồi dào. SFA khuyến cáo người tiêu dùng “nên cởi mở với lựa chọn mới” và chỉ mua những gì thật sự cần thiết.

Năm 2021, Singapore nhập 34% lượng thịt gà từ Malaysia, trong khi đó nguồn cung từ Brazil chiếm 48%, Mỹ 10% và các nước khác 8%.

Malaysia cấm xuất khẩu gà sau khi người tiêu dùng trong nước phàn nàn chuyện giá gà leo thang và nguồn cung nhỏ giọt. Ảnh: AFP

Trong khi đó, người tiêu dùng Malaysia phàn nàn giá thịt gà ngày càng gia tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt. Một số nhà bán lẻ phải bán hàng nhỏ giọt để duy trì nguồn hàng. Theo các công ty lớn trong ngành chăn nuôi gà, các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung bao gồm chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh và điều kiện thời tiết.

Những vấn đề này đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Malaysia nêu ra trong cuộc họp với chính phú Singapore hôm 23-5.

Ngoài việc ngừng xuất khẩu tới 3,6 triệu con gà mỗi tháng bắt đầu từ tháng 6, Malaysia cho biết sẽ tăng nguồn dự trữ thịt gà và tối ưu hóa các cơ sở bảo quản lạnh hiện có của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm và các cơ quan khác.

Nhà chức trách cũng sẽ đơn giản hóa quy trình yêu cầu trợ cấp cho các nhà sản xuất gà và công nhận các lò giết mổ ở nước ngoài để tăng sản lượng cung cấp thịt gà của đất nước. Giấy phép nhập khẩu gà nguyên con và gà cắt miếng đã bị bãi bỏ, một động thái nhằm tăng nguồn cung thực phẩm.

Hiện Singapore vẫn chưa rõ đến khi nào nguồn cung từ Malaysia sẽ được nối lại. Còn Malaysia chỉ nói rằng lệnh cấm sẽ kéo dài cho đến khi giá cả và sản xuất trong nước ổn định.

Ông Ameer Ali Mydin, giám đốc điều hành của chuỗi đại siêu thị và cửa hàng bán lẻ Mydin tại Malaysia, cho biết trục trặc nguồn cung đã diễn ra thực sự từ đầu năm đến nay. Ông nói với CNA rằng đơn đặt hàng hàng tuần của chuỗi – thường lên tới khoảng 100 tấn cho tất cả các cửa hàng – đã giảm xuống còn 40 tấn. Các nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng nói rằng họ nhận được hàng ít hơn thường lệ.

Ricky Hồ / BSA

Bún dưa hấu là sản phẩm Việt duy nhất tại gian sáng tạo của Thaifex 2022