Công ty cổ phần Pacific Foods xuất vải thiều đi châu Âu theo EVFTA. Ảnh: TL
Các mặt hàng đang được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất sang châu Âu là điện thoại, máy tính, giày dép, dệt may, nông sản…
Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu có được ghi xuất xứ Việt Nam? Sầu riêng Thái Lan, xoài Đài Loan… được trồng và thu hoạch ở Việt Nam thì ghi xuất xứ Việt Nam hay xuất xứ Thái Lan?

Nhiều vấn đề thú vị liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế đã được các chuyên gia giải đáp tại Hội nghị chuyên đề “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16-11.

“Trái ngọt” từ hiệp định

Hơn một năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hà Lan đạt 6,02 tỉ USD, trong đó có 1,04 tỉ USD đã được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) để hưởng ưu đãi thuế quan; Đức đạt 5,83 tỉ USD; Bỉ đạt 2,87 tỉ USD; Pháp 2,52 tỉ USD… Các mặt hàng đang được cấp chứng nhận xuất xứ nhiều nhất là điện thoại, máy tính và linh kiện máy tính, giày dép, dệt may, sắt thép, nông sản…

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, cho biết: Thị trường đang xuất khẩu có nhiều lô hàng được cấp chứng nhận xuất xứ nhất là Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan. Đây đều là những thị trường có các cảng biển nhập khẩu và là điểm trung chuyển, trung tâm phân phối của châu Âu nên từ đây lan tỏa ra các thị trường khác tại châu Âu.

“Tuy tỉ lệ xuất khẩu được cấp chứng nhận xuất xứ từ đầu năm đến nay sang EU đạt 20,37% nhưng không có nghĩa là gần 80% kim ngạch còn lại không được cấp chứng nhận xuất xứ hoặc chịu mức thuế quan cao. Bởi còn nhiều yếu tố khác chưa được tính toán đến như số lượng các công ty tự cấp chứng nhận xuất xứ khi đơn hàng có giá trị dưới 6.000 euro, hoặc xin cấp chứng nhận sau khi đã tiến hành xuất khẩu…” – bà Hiền nói.

Sầu riêng Thái trồng ở Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế

Chia sẻ sâu hơn về việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, giúp các công ty thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu dịch COVID-19, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết: Một số mặt hàng bắt buộc phải có xuất xứ thuần túy mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Những mặt hàng này chủ yếu là các sản phẩm nông sản như cây trồng, rau củ, hoa quả, vật nuôi, trứng, sữa, mật ong…

Theo đó, từ khâu đầu tiên của quy trình sản xuất đến khi thu hoạch diễn ra tại một lãnh thổ làm ra sản phẩm thì đó là nơi xuất xứ của sản phẩm đó. Một nhóm khác cũng là nông sản nhưng không cần phải có xuất xứ thuần túy, như kẹo chocolate.

Lấy dẫn chứng, bà Hiền cho biết chocolate có xuất xứ từ Bỉ, Thụy Sĩ luôn được giới thiệu là ngon nhất thế giới. Thành phần chính của chocolate là ca cao. Thế nhưng nước Bỉ, Thụy Sĩ không trồng cây ca cao nào. Trong khi đó, ca cao lại được trồng rất nhiều ở châu Phi. “Chúng ta đi Bỉ hay Thụy Sĩ mua chocolate Bỉ, Thụy Sĩ là chocolate có xuất xứ Bỉ, Thụy Sĩ chứ không ai nói là chocolate có xuất xứ châu Phi” – bà Hiền giải thích.
Bà Hiền cũng cho hay trong xuất xứ hàng hóa và trong một số cam kết đối với từng mặt hàng cụ thể, các nước có thể có quy định đối với các mặt hàng gia công, chế biến. Chẳng hạn, nguyên liệu có thể ở một nơi rất xa, có xuất xứ không hoàn toàn tại nơi sản xuất. Như trong trường hợp trên, tại Bỉ, Thụy Sĩ, chocolate được chế biến từ hạt của cây cối rồi chuyển thành đồ ăn, là kẹo chocolate.
“Nơi diễn ra quá trình nấu chảy các hạt ca cao và tạo ra kẹo chocolate thì nơi đó được gọi là nơi xuất xứ hàng hóa, khi nguyên liệu đầu vào đã biến đổi hoàn toàn bản chất và chuyển thành sản phẩm đầu ra” – bà Hiền nói.
Ngoài mặt hàng nông sản chế biến còn có nhiều mặt hàng công nghiệp có trải qua quá trình gia công chế biến cũng áp dụng theo nguyên tắc tương tự như vậy. Theo quy định của EVFTA, cây trồng, sản phẩm của cây trồng được trồng, thu hoạch tại nước thành viên thì có xuất xứ tại nước thành viên đó.
Ví dụ, giống xoài Đài Loan, Thái Lan nhưng trồng, thu hoạch, chế biến… tại Việt Nam thì được coi là xuất xứ thuần túy Việt Nam. Nghĩa là từ công đoạn gieo trồng đến công đoạn thu hoạch hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam.
“Xét về xuất xứ hàng hóa thì nếu nó được trồng và thu hoạch hoàn toàn trên đất Việt Nam thì nó có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Những loại nông sản cơ bản như thế này khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan” – bà Hiền chia sẻ.
Điện thoại Samsung có xuất xứ Việt Nam

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam, khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu có được ghi xuất xứ Việt Nam không? Bà Trịnh Thị Thu Hiền trả lời: Đây là hàng hóa không có xuất xứ thuần túy nhưng có sự chuyển đổi cơ bản từ các linh kiện và nguyên liệu để thành sản phẩm cuối cùng như thiết bị đầu cuối, mao mạch, tai nghe, phím đệm… Theo quy định của EVFTA, điện thoại di động Samsung được coi là có xuất xứ Việt Nam khi đáp ứng chuyển đổi cơ bản từ linh kiện, nguyên liệu sang sản phẩm cuối cùng; mã HS đầu vào và sản phẩm đầu ra khác nhau ở một số cấp độ; phải vượt qua công đoạn gia công chế biến đơn giản, không phải là lắp ráp đơn giản mà phải sử dụng máy móc hoặc công nhân kỹ thuật cao… “Như vậy, điện thoại Samsung có xuất xứ Việt Nam và vẫn đang được cấp chứng nhận xuất xứ” – bà Hiền nhấn mạnh.
Theo PLO