Ngày 7/8/2019, tại TPHCM, câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC cùng tập đoàn Mentally Fit Global (MFG) tổ chức hội thảo “Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới”. Tại đây, nhiều chuyên gia đã có những chia sẻ, nhận định về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong doanh nghiệp gia đình.

Hiện nay, việc chuyển giao người kế nghiệp tại các doanh nghiệp gia đình đang là vấn đề khiến thế hệ tạo lập doanh nghiệp (F1) đau đầu, bởi quá trình chuyển giao luôn có những xung đột, mâu thuẫn. Làm sao để chuyển giao thành công cho các thế hệ F2, F3… có rất nhiều câu hỏi và bài toán được đặt ra trong quá trình chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ kế cận.

Ông Alain Goudsmet nói các thế hệ F2 cần có quãng “nghỉ ngơi”

Ông Alain Goudsmet, Nhà sáng lập & Chủ tịch của Tập đoàn Mentally Fit Global, cho hay, các doanh nghiệp gia đình luôn gặp nhiều thách thức nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng số hiện nay.

“Các thế hệ kế cận cần phải quan tâm khái niệm “pitstop”, tức là những “điểm nghỉ”, thay vì chỉ biết lao vào công việc như thế hệ sáng lập”, ông Alain Goudsmet nói.

Một trong những vấn đề được đạt ra là việc kết nối các ưu tiên dài hạn và ngắn hạn có thể là thách thức với nhiều doanh nghiệp gia đình. Do đó, muốn trao quyền kiểm soát cho thế hệ tương lai, doanh nghiệp gia đình cần giải quyết vấn đề kết nối.

Bà Nicole Scoble-Williams, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc về mô hình công việc trong tương lai của Tập đoàn Deloitte, trình bày một báo cáo cho biết, 41% những người kế nghiệp tin rằng họ đủ sức, phù hợp với việc kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình. Nhưng liệu những tham vọng và cách làm của người kế nghiệp có đạt được sự đồng thuận của thế hệ F1 không, đó là một câu chuyện dài.

Bà Nicole Scoble-Williams tại hội thảo

Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp gia đình có xu hướng trở thành doanh nghiệp ngại rủi ro và không muốn đổi mới, ngay cả khi họ có nguồn lực để thực hiện. Do doanh nghiệp gia đình lo ngại về kết quả tiêu cực và giảm tài sản, sự thịnh vượng của gia đình mình…

“Thế hệ sau giải thích với thế hệ đầu rằng, có những ý tưởng này kia, và có những số liệu chứng minh, đó là những bằng chứng rõ ràng để có thể thuyết phục các thế hệ đi trước, đây là điều quan trọng với các doanh nghiệp gia đình để có thể đạt được những thỏa thuận chung giữa hai thế hệ”, bà Nicole Scoble-Williams cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, “nếu như con cái của những người kế thừa trong doanh nghiệp gia đình sống ở nước ngoài quá lâu, họ bị tây hóa, sự trao đổi giữa ông, cha, con sẽ khó khăn. Do đó, nên để con cái có những khoảng thời gian để hiểu hơn những câu chuyện trong gia đình họ, những lý do về việc xây dựng và vận hành doanh nghiệp gia đình theo cách như thế. Theo cách đó, thế hệ thứ nhất thấy sẽ tự tin hơn khi chuyển giao cho thế hệ thiếp theo”.

Bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, Đại học Fulbright Việt Nam là mô hình thích hợp để các thế hệ F2 không cần đi du học vẫn có được những kiến thức và kinh nghiệm để điều hành doanh nghiệp gia đình

Còn theo ông Hoe Shin Koh – Giám đốc điều hành kênh phân phối thông qua đối tác Manulife Việt Nam, lại nói đến những bất cập và điểm sáng trong việc chuyển giao ở doanh nghiệp gia đình. Trong đó, thế hệ F2 học ở những tập đoàn đa quốc gia về quy trình, hệ thống, hợp đồng. Trong khi, doanh nghiệp gia đình, giữa cha và con nhiều khi chỉ là những thỏa thuận miệng. Doanh nghiệp gia đình nhiều khi phân chia vai trò, trách nhiệm và gianh giới chưa được rõ ràng, tất cả mọi thứ có vẻ như còn mập mờ.

“Nên tôi nghĩ doanh nghiệp gia đình cần học hỏi từ những tập đoàn đa quốc gia”, ông Hoe Shin Koh nhấn mạnh.

Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 40% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình. Thống kê cho thấy, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Đây là những con số rất ấn tượng, cho thấy tiềm năng và sức ảnh hưởng lớn của những doanh nghiệp gia đình. Nếu có những kế hoạch chuyển giao thành công, đó là nền tảng không nhỏ giúp nền kinh tế VN có những bước phát triển lớn trên trường quốc tế.

Bài Trần Quỳnh, ảnh: Anh Tuấn