Dường như “đến hẹn là lên”, dịp cuối năm, hàng loạt các hoạt động làm giả sản phẩm, nhái lại sản phẩm của doanh nghiệp lại diễn ra rầm rộ, công khai trên các nền tảng mạng xã hội.
Suốt nhiều tháng qua, ông Đỗ Xuân Hùng, giám đốc công ty TNHH ĐT TM DV Thiên Phú Lộc đi tìm một địa chỉ bán yến trên mạng, bởi họ làm giả, làm nhái sản phẩm yến sào Cung Đình của doanh nghiệp ông, bán với giá rẻ mạt cho người tiêu dùng.
Ông Hùng cho biết, hiện một lạng yến sào của công ty bán với giá từ 5-6 triệu đồng/lạng, nhưng những đối tượng làm giả bán rất rẻ, chỉ 800.000 đồng/lạng, còn khuyến mãi mua 3 tặng 1.
“Có lẽ với giá như vậy, chất lượng sản phẩm chỉ làm bằng mủ trôm mà thôi. Người tiêu dùng quá ham rẻ hay họ không biết giá trị thật từ yến sào mà mua thì chịu thiệt”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, các đối tượng này lấy toàn bộ hình ảnh sản phẩm, công ty của mình đưa lên mạng để bán sản phẩm.
“Khi chúng tôi liên hệ theo số điện thoại thì họ tháo xuống, nhưng hôm sau lại lập ra một trang khác tương tự như thế để tiếp tục bán hàng cho đến thời điểm này. Tôi có đặt hàng thử và phía bưu điện cho biết hàng gửi từ bưu điện quận 9. Họ lấy địa chỉ ở khu công nghệ cao nhưng tới thì chỉ là địa chỉ ma”, ông Hùng kể.
Họ bán hàng theo kiểu chỉ trên online, khách đặt hàng và họ giao hàng. Họ lên đơn hàng, ra bưu cục gửi cho khách.
Theo ông Hùng, các dòng sản phẩm yến sào Cung Đình do công ty Thiên Phú Lộc sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 – 2018, cũng như nhiều tiêu chuẩn khác. Với nhà máy sản xuất hiện đại, khép kín ở Củ Chi, hàng năm cho ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, như: tổ yến tinh chế, tổ yến thô sạch cùng nhiều dòng nước yến mang nhãn hiệu Yến Sào Cung Đình.
“Các đối tượng làm giả, làm nhái cũng cam kết y chang về chứng nhận, sản phẩm như thế”, ông Hùng khẳng định.
Đặc biệt, ông Hùng cho biết thêm, trong quá trình tìm hiểu còn biết thêm, những đối tượng này còn làm giả giấy chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao để dễ dàng trong việc chiếm lòng tin của người tiêu dùng, bán hàng trong dịp gần Tết này.
Thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng sau khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng liền tìm đến doanh nghiệp, lúc này thì đã “tiền mất tật mang” khi biết mình mua phải hàng giả.
Bàn về vấn đề này, trong một cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây, với chủ đề: “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức, hàng loạt các vấn đề đã được các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp đặt ra.
Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã ký ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thực tế trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực sản xuất để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa chất lượng với giá cả phù hợp thì lại bị số lượng lớn hàng giả hàng lậu cạnh tranh, các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm lừa dối người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC chia sẻ, cứ vào cao điểm mua sắm cuối năm thì hàng giả lại xuất hiện.
“Hàng giả được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, thản nhiên và cả trơ trẽn… Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp hội viên rất bức xúc vì thiệt hại lớn, do không bán được hàng, bị mất uy tín, thương hiệu và khả năng cao hơn là donh nghiệp phá sản. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu động lực sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước”, bà nói.
Trước thực trạng này, bà nhấn mạnh: “Quan trọng là việc đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng giả; truyền thông tốt để người tiêu dùng tẩy chay, lên án hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nhưng hoạt động buôn lậu không có chiều hướng giảm, trong đó hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đa dạng từ thời trang, đến thực phẩm, mỹ phẩm…
Còn ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, các đối tượng hiện nay lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhất là khẩu trang, thiết bị y tế, thực phẩm,mỹ phẩm…