Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Thời gian gầy đây, Hội DN HVNCLC lên tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về Hiệp định thương mại CPTPP. Việc này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định, những cơ hội và thách thức khi Việt Nam là thành viên của CPTPP. Bên lề những sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, diễn giả là bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phóng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cơ hội và những thách thức dành cho doanh nghiệp Việt.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thách thức trong CPTPP là cạnh tranh về tận dụng cơ hội chứ không phải thách thức cạnh tranh để tồn tại, tại sao vậy?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Trong CPTPP thì cùng với việc các nước thành viên mở cửa thị trường với Việt Nam, chúng ta cũng phải mở cửa đối với họ. Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp cảm thấy thách thức cạnh tranh trong chính thị trường nội địa với những đối thủ từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhìn về góc độ sâu hơn, với những thị trường trong CPTPP mới mở cửa lần đầu như Canada, Mexico hay Peru, họ có cơ cấu sản xuất cũng như xuất khẩu không trùng (giống) với Việt Nam. Những sản phẩm của họ chúng ta không có thế mạnh để cạnh tranh ở thị trường trong nước. Vì thế, khi Việt Nam mở cửa cho những đối tác này, cơ bản nó không làm thay đổi tính cạnh tranh về những sản phẩm đang tồn tại của doanh nghiệp Việt.

Còn đối với những thành viên khác của CPTPP, Việt Nam đã mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại trước đây, nên thị trường giữa Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP hay các doanh nghiệp đã làm quen với việc mở cửa. Trên thực tế cũng chứng minh Việt Nam đang điều chỉnh rất tốt và cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác trên chính thị trường Việt Nam.

Chính vì thế, tôi cho rằng thách thức cạnh tranh là có nhưng không đến mức quá lo ngại. Trong khi đó, cơ hội CPTPP mở ra cho chúng ta, đặc biệt là cơ hội về thị trường của 3 quốc gia mới (Canada, Mexico và Peru), cùng với đó là việc các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ ngay thuế quan cho Việt Nam từ 78% đến 92% số dòng thuế cho toàn bộ sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, thì đây là cơ hội cực kỳ lớn.

Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, vậy việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định này như thế nào, nhất là vấn đề về thuế quan?

-Như chúng ta đã biết, trong những hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký kết thì tỷ lệ tận dụng được cơ hội về mặt thuế quan của Việt Nam hiện nay chỉ mới đạt trên 30% và không đều giữa các hiệp định thương mại. Điều đó cho thấy rằng, còn 2/3 những cơ hội của Việt Nam trong những FTA đang còn bỏ ngỏ.

Đây cũng chính là thách thức trong việc làm sao để doanh nghiệp tận dụng triệt để những cơ hội về thuế. Chúng ta nói nhiều về việc tham gia các hiệp định tự do mang đến nhiều cơ hội trên thị trường nhưng trên thực tế, việc tận dụng còn khó khăn.

Ngoài ra, có một câu chuyện nữa thể hiện sự thách thức từ những cơ hội về thể chế mà CPTPP mang lại. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với những đòi hỏi thay đổi về yêu cầu thể chế, về minh bạch và những quy chuẩn cho vận hành cho nền kinh tế thị trường. Đây là cơ hội, đồng thời là sức ép và gợi ý về tiêu chuẩn để doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu làm tốt điều này thì đây sẽ là làn sóng cải cách mạnh thứ 2 về kinh tế thị trường cho Việt Nam sau WTO.

Ngay cả trong WTO thì sau 10 năm tham gia, Việt Nam vẫn còn những nuối tiếc đang phải đối mặt. Đó là những câu hỏi đặt ra cho Việt Nam trong lần cải cách thể chế lần thứ 2 này ở CPTPP. Hi vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học từ quá khứ để tận dụng tốt những cơ hội trong CPTPP thời gian tới.

Đâu là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt ít tận dụng được những cơ hội từ các FTA?

-Về mặt chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến câu chuyện về quy tắc xuất xứ. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để hưởng ưu đãi về thuế quan. Quy tắc xuất xứ không dễ để thay đổi trong thời gian ngắn, nó cần có sự thay đổi từ việc tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất như thế nào để đạt được yêu cầu. Thế nên nếu doanh nghiệp chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động củ thể để thay đổi thách thức thì khó có thể thay đổi và tận dụng được những ưu đãi.

Còn đối với nguyên nhân khách quan, có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt sử dụng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia không nằm trong hiệp định thương mại tự do có liên quan đến Việt Nam. Chính việc sử dụng lượng nguyên liệu ngoài các FTA quá lớn trong tổng nguồn nguyên liệu dẫn đến việc doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

Để khắc phục được câu chuyện này, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ các quy định về quy tắc xuất xứ cũng như cơ hội thuế quan dành cho các loại hàng hóa. Dù hàng hóa có thế mạnh hay không thì với cơ hội về thuế quan, doanh nghiệp có thể thay đổi sản xuất và định hướng lại sản phẩm để tận dụng các cơ hội thay vì cứ nhất định phải tạo ra những sản phẩm quen thuộc do Việt Nam sản xuất từ trước đây. Việc thay đổi phải kèm theo hành động củ thể về mô hình, cách thức sản xuất, nguồn nguyên liệu.

Để khắc phục nguyên nhân chủ quan trong việc sử dụng nguyên, phụ liệu từ các nước không thuộc hiệp định thương mại, Việt Nam cần đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ và các hoạt động khác phục vụ cho việc sản xuất. Bản thân CPTPP cũng tạo ra cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển. Nó tạo ra môi trường đầu tư tốt, mở ra những cơ hội về thị trường để thu hút các nhà đầu tư. Đây không chỉ là điều kiện để giúp các doanh nghiệp hướng tới những ưu đại về thuế quan mà còn giúp Việt Nam tự chủ hơn trong sản xuất hàng hóa thời gian tới.

So với những hiệp định thương mại khác, CPTPP có những rào cản khắt khe như thế nào?

-CPTPP cũng như những hiệp định thương mại tự do khác đều hướng tới mục tiêu tự do thương mại, có nghĩa là giảm rào cản. Cho nên sẽ không có chuyện trong CPTPP đặt ra những rào cản cao hơn đối với hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước thành viên và ngược lại. Tuy nhiên trong CPTPP, không có những cam kết củ thể trong việc hạn chế ban hành các quy định mang tính rào cản phi thuế quan của các nước, mà chỉ nhấn mạnh những câu chuyện trong việc ban hành phi thuế quan có căn cứ, minh bạch và có tham vấn trước.

Vì thế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, muốn tận dụng cơ hội thị trường trong CPTPP thì chắc chắn không có chuyện những rào cản sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tốt hơn để doanh nghiệp có thể trao đổi, có được những thông tin minh bạch hơn về các rào cản.

Vậy thì đối với các rào cản về kỹ thuật sẽ như thế nào?

-Trong CPTPP có kam kết rất quan trọng là các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết trong WTO về các rào cản thương mại. Các quốc gia thành viên vẫn có quyền ban hành các biện pháp về hàng rào kỹ thuật hay hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn phải chịu các rào cản. Tuy nhiên, hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tốt hơn trong việc tìm hiểu rõ ràng hơn các rào cản. Một điểm nữa là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thuế quan chỉ là một phần, còn các yêu cầu khác về kỹ thuật trên thực tế có thể gây cản trở cho việc xuất khẩu hàng hóa. Những rào cản này đôi khi không thể vượt qua, vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chú ý đến vấn đề phi thuế quan.

Quay lại với thị trường Việt Nam, hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng ràng buộc Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành các quy định, văn bản liên quan. Chúng ta phải minh bạch hơn, có căn cứ hơn và phải có tham vấn với các đối tượng có liên quan trong việc ban hành những quy định mới. Lâu nay trong nhập khẩu, câu chuyện về kiểm tra chuyên ngành chính là kiểm tra những điều kiện về hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó là câu chuyện đang làm cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, với CPTPP, đây được xem là sức ép để Việt Nam có những cải cách hành chính, có những thay đổi theo hướng tích cực hơn trong việc áp dụng các rào cản này. Hi vọng với việc thực hiện những cam kết với CPTPP về tính minh bạch và những yếu tố có liên quan trong thương mại về rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ thì hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Rào cản vẫn luôn tồn tại, các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan. Nhưng nếu không có nỗ lực trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn thì doanh nghiệp sẽ rất khó để tận dụng cơ hội về thị trường từ CPTPP.

CPTPP được xem là sức ép để Việt Nam có những cải cách hành chính, có những thay đổi theo hướng tích cực hơn trong việc áp dụng các rào cản này.

Anh Tuấn