Các doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị kịch bản mới: các ca nhiễm Covid gia tăng có thể làm chậm quy trình sản xuất khi Trung Quốc dần chuyển dịch khỏi chiến lược phòng chống Covid nghiêm ngặt trước đây.
Hôm 7-12, Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp phòng dịch được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới mà nước này đeo đuổi trong gần ba năm qua – gồm phong tỏa triệt để và xét nghiệm diện rộng. Người nhiễm không có triệu chứng và những ai có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà thay vì các cơ sở tập trung của chính phủ và cấm thực hiện phong tỏa hàng loạt.
Trong khi dân chúng hoan nghênh các biện pháp nới lỏng thì các doanh nghiệp lại thận trọng. Bởi họ lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm.
CEO Fabien Gaussorgues của hãng sản xuất đồ điện tử gia dụng Agilian Technology gần Thẩm Quyến cho biết: “Chúng tôi sẽ phải thực hiện một số thay đổi trong nhà máy phòng khi dịch lây lan. Đây sẽ là một khó khăn vì chúng tôi không thể kiểm soát các ca bệnh”.
Gaussorgues cho biết các nhân viên của nhà máy sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh hàng ngày. Nhưng ông lại lo rằng nhà máy có thể bị đóng cửa người do xuất hiện các ca dương tính. “Chúng tôi đang chờ các thông báo của chính quyền về cách xử lý trong trường hợp này”, Gaussorgues nói với Nikkei Asia.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ trang trí Giáng sinh và các mặt hàng lễ hội khác lo ngại sự lây lan của virus sẽ làm chậm quá trình sản xuất. “Bạn không thể cho phép những người bị nhiễm bệnh làm việc. Tốc độ lây lan rất nhanh, theo cấp số nhân”, theo lời Richard Chan, một doanh nhân Hồng Kông điều hành một nhà máy ở phía nam Đông Quản.
Theo dữ liệu chính thức, các đợt đóng cửa nhà máy do Covid đã làm gián đoạn sản xuất, với hoạt động của nhà máy Trung Quốc chậm lại và xuống mức thấp nhất trong bảy tháng qua trong tháng 11-2022.
Hệ thống khép kín “ba tại chỗ” – kiểu như “ăn, ở và làm việc tại nhà máy” phần nào phát huy tác dụng trong việc duy trì sản xuất, nhưng cách này đã bào mòn sức chịu đựng của công nhân.
Thành phố Trịnh Châu – nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do hãng Foxconn điều hành – đã áp dụng mô thức sản xuất khép kín như thế này từ tháng 10. Tình trạng thiếu lương thực và chậm trả lương thưởng khiến ngòi nổ bất ổn luôn chực chờ. Hiện nhà máy ở Trịnh Châu đã không còn xét nghiệm PCR hàng ngày nữa. Tuy vậy, các nhà máy của Foxconn ở các địa phương khác tại Trung Quốc vẫn đang duy trì “ba tại chỗ”.
Sản xuất, động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chủ yếu dựa vào người di cư từ các vùng nông thôn đổ xô đến các trung tâm đô thị như Quảng Châu để làm việc. Đưa hoạt động sản xuất trở lại sẽ là chìa khóa để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng hành trình này sẽ dài và chậm ngay cả khi các biện pháp phòng chống Covid được nới lỏng.
“Việc nới lỏng các hạn chế này, như chúng ta đang thấy hiện nay, có thể dẫn đến một số căng thẳng trong thời gian tới khi số ca nhiễm tăng vọt, làm gián đoạn sản xuất. Nhưng nếu chúng ta xem xét triển vọng trong vài tháng tối, tình hình ổn động và chuỗi cung ứng logistics hoạt động bình thường trở lại sẽ là tin vui cho các nhà sản xuất. Sản lượng sẽ cao hơn và dễ dự đoán hơn”, nhà kinh tế Xu Tianchen thuộc Economist Intelligence Unit nói với Nikkei Asia.
Theo thời gian, một số chuyên gia nhận định, các hoạt động sản xuất khép kín kiểu “ba tại chỗ” sẽ trở nên kém khả thi và mô hình này sẽ dần biến mất.
Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, gồm đóng cửa các nhà máy trong nhiều tuần hoặc buộc nhân viên phải ở lại tại chỗ, đã khiến nhiều công nhân nhập cư ngần ngại ở lại quê nhà, không đến các khu công nghiệp tìm việc.
Các chủ doanh nghiệp hoan nghênh các động thái mới nhất của chính quyền, gọi đây là một bước đi đúng hướng.
Michael Lai, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất trang trí cửa sổ Nicedrape, cho biết: “Các biện pháp phòng dịch cứng nhắc đã khiến chuỗi cung ứng và hậu cần gặp rất nhiều rắc rối. Chính sách phòng dịch mới có nghĩa rằng chúng tôi không phải đột ngột dừng sản xuất. Tôi hy vọng sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ chia công nhân thành hai đội, các hoạt động sản xuất sẽ không bị chồng chéo”.
Chủ một hãng may túi xách, bao gồm cả các thương hiệu xa xỉ, cho biết sẽ có cách tiếp cận linh hoạt hơn.
“Chắc chắn sẽ có người bị nhiễm. Chúng tôi cần chuẩn bị cho tình huống công nhân bị nhiễm bệnh và sẽ ở nhà trong vài ngày. Chuyện gì đến thì sẽ đến thôi”, ông chủ này nói.
Ricky Hồ / BSA
Xuất khẩu lúa mì của Nga tăng mạnh, lạm phát lương thực toàn cầu bớt căng thẳng