Chợ vải Dubai – nơi trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vải qua cổng Dubai. Ảnh: UAELAD.

Với vị thế là cửa ngõ đi thẳng vào thị trường 3 tỷ dân gồm Trung Đông, châu Phi và châu Âu, Dubai hay UAE là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa được khai thác một cách có hiệu quả.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu giữa 2 bên đã tăng tới 35 lần trong 12 năm qua từ con số 140 triệu USD năm 2006 lên mức hơn 5,6 tỷ USD vào năm 2017.

Đặc biệt, đối với thị trường UAE gần như Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu, năm 2017 Việt Nam xuất sang UAE trên 5 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE chỉ khoảng 6 triệu USD.

Việt Nam xuất sang UAE khoảng 20 mặt hàng, vài năm gần đây có máy móc, linh kiện điện tử và rau quả bên cạnh những sản phẩm nông sản truyền thống như hạt tiêu, chè, hạt điều, cà phê, gạo…

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Á Phi (Bộ Công thương), hiện nay, Dubai là một trong những thị trường trọng tâm của Đề án thúc đẩy phát triển thương mại khu vực Trung Đông và châu Phi của Chính phủ Việt Nam.

Dù tiềm năng tăng trưởng tốt như vậy nhưng theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại TP.HCM (ITPC), cả Việt Nam lẫn Dubai – UAE vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nhau.

Trong những năm gần đây, các nước thuộc UAE không hề xuất hiện trong các chương trình xúc tiến của của ITPC, chỉ gần đây, ITPC mới tổ chức được 2 đoàn đến UAE vào tháng 3/2018 (gồm 20 doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Dubai) và cuối tháng 10/2018 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dẫn đoàn hơn 30 doanh nghiệp sang Dubai để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư.

“UAE và Dubai là một thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam và việc Dubai – TP. HCM vẫn chưa ngồi lại với nhau, hợp tác đúng tiềm năng của mỗi bên là do hạn chế của các cơ quan xúc tiến thương mại”, bà Phi Vân nhìn nhận.

Kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang UAE khá khiêm tốn, chỉ chiếm gần 300 triệu USD trong hơn 5 tỷ USD của cả nước. Về đầu tư, dù TP.HCM thu hút hơn 8.000 dự án FDI cùng tổng vốn trên 45 tỷ USD, song UAE chỉ đứng vị trí 43/100 nước với tổng vốn gần 10 triệu USD cho 11 dự án, một con số vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng của 2 nước.

Có mặt trong Diễn đàn Giao lưu thương mại Việt Nam – Dubai/UAEngày 12/11, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VICC TP.HCM cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bàn Phi Vân khi nhìn nhận lại quá trình phát triển thương mại giữa Việt Nam và UAE.

Theo ông Liêm, những bất cập trong các số liệu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE qua các năm: có năm tăng 100% tuy nhiên có năm lại giảm 12% như 2016. Năm 2017, xuất khẩu rau quả tăng ngoạn mục, sản lượng tiêu xuất khẩu cũng tăng song đơn giá lại thấp hơn so với kỳ vọng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang UAE giảm 0,7% so với năm 2017, nhập khẩu cũng giảm.

Chia sẻ tại diễn đàn này, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết, mặc dù công ty ông đã có nhiều năm xuất khẩu nông sản sang Dubai, UAE và các nước Trung Đông, song ông vẫn chưa chính thức tiếp xúc Dubai Export hay T-HUB – nền tảng online hỗ trợ doanh nghiệp các nước xuất khẩu qua Dubai của UAE – để nhận sự hỗ trợ tốt nhất từ các tổ chức này.

Đó là lý do, khiến ông Nam cùng các đồng sự vẫn còn nhiều băn khoăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Dubai như: làm sao để giảm chi phí kho bãi và nhân công? Có thể mang nhân công phổ thông từ Việt Nam sang Dubai để giảm chi phí hay không? Làm thế nào để có thể được Dubai hỗ trợ tài chính khi nhập và lưu hàng tại đây?…

Theo các chuyên gia nhìn nhận, nguyên nhân của thực trạng trên bắt nguồn từ sự nhìn nhận chưa thấu đáo của cả các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp về thị trường Dubai và UAE.

Nếu xét riêng lẻ, Dubai với 2,78 triệu dân và UAE với khoảng 9,6 triệu dân là những thị trường không quá lớn về số lượng người tiêu dùng (chỉ riêng TP. HCM đã có 8,44 triệu dân), nhưng nếu xét tổng thể, với vị thế là cửa ngõ vào thị trường Trung Đông, châu Phi sau đó là châu Âu với tổng cộng khoảng 3 tỷ người, chiếm 62% dân số của thế giới, như lời giới thiệu của Dubai Export, thì Dubai và UAE lại là một thị trường khổng lồ.

Theo TS. Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường thuộc Dubai Export, các doanh nghiệp Việt Nam muốn quá trình xuất khẩu của mình vào Dubai – UAE thuận lợi thì nên kết hợp giữa offline và online.

Đầu tiên, doanh nghiệp Việt nên sang Dubai gặp gỡ Dubai Exports, tổ chức này sẽ “cầm tay chỉ việc” cho các doanh nghiệp phải bán hàng cho ai, bán như thế nào, làm thế nào để được miễn các loại thuế, khu vực nào được miễn phí kho bãi hoặc giá thấp… Vì mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng khác nhau nên Dubai Exports sẽ đưa ra một kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp.

Sau đó, doanh nghiệp Việt nên mở một quầy giới thiệu sản phẩm ở một khu chợ tương ứng với các ngành hàng mà mình muốn bán, nếu có thể, hãy mở thêm chi nhánh công ty hoặc văn phòng đại diện tại Dubai để được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác như về thuế, về hỗ trợ tài chính.

Tiếp đến, doanh nghiệp Việt nên đăng ký gian hàng trên nền tảng giao thương online T-HUB. Cũng như Dubai Export, T-HUB cũng sẽ “cầm tay chỉ việc” cho các doanh nghiệp Việt: doanh nghiệp Việt chỉ cần chọn người mua (trong những người mua mà T-HUB gợi ý) và đảm bảo chất lượng sản phẩm, tất cả công việc còn lại như các thủ tục hành chính, logistics hoặc ngay cả hỗ trợ tài chính, T-HUB sẽ lo.

Theo TheLeader.vn