Theo quy định của EU khi Việt Nam tham gia hiệp định EVFTA, trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định, chúng ta được lựa chọn giữa ưu đãi thuế quan phổ cập – GSP và thuế theo cam kết EVFTA, và khi lựa chọn mức thuế nào thì áp dụng cơ chế về quy tắc xuất xứ đối với loại hình đó. Nhưng kể từ ngày 1/1/2023 Việt Nam chỉ áp dụng 1 cơ chế – cụ thể là theo cơ chế quy tắc xuất xứ theo EVFTA, nghĩa là hiện nay Việt Nam đang áp dụng là cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu C/O form EUR.1. Tuy nhiên, về mức thuế doanh nghiệp vẫn được phép lựa chọn, trong vòng 5 năm tiếp theo doanh nghiệp được phép lựa chọn mức thuế nào ưu đãi hơn thì sử dụng mức đó, nhưng cơ chế về quy tắc xuất xứ là theo Hiệp định EVFTA chứ không áp dụng theo cơ chế GSP nữa.
Đó là nội dung quan trọng được các chuyên gia đưa ra, chia sẻ tại Hội nghị “Phổ biến thông tin, hướng dẫn về áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ sau khi GSP hết hiệu lực”. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, tổ chức cuối tuần qua.
Nhiều nội dung đã được diễn giả chia sẻ tại hội nghị, như điểm khác biệt về quy tắc xuất xứ GSP và EVFTA; cập nhật cách hiểu về tiêu chí xuất xứ tại EVFTA: Vải không dệt, hàng dệt may không có công đoạn xuyên kim,…Một số tình huống và hồ sơ cấp C/O EUR.1
Cụ thể như đối với mặt hàng gỗ thì chúng ta phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của gỗ theo quy định, hoặc là đối với thủy sản cũng vậy.
Theo ông Trần Ngọc Bình – Trưởng phòng Quản lý XNK, Khu vực TPHCM, Cục XNK Bộ Công Thương, GSP mà châu Âu đưa ra cho Việt Nam là lớn nhất, có tác động lớn nhất trong các FTA hiện nay.
“Đây là chế độ Châu Âu đơn phương ban hành cho Việt Nam và chỉ có một chiều mà không có chiều ngược lại. Trong đó, các định lượng, tiêu chuẩn để hàng hóa Việt Nam vào EU là do họ ban hành”, ông Bình nói.
Ông Trần Ngọc Bình – Trưởng phòng Quản lý XNK, Khu vực TPHCM, Cục XNK Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội nghị
Ông Bình cho biết thêm, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020 có quý định, cho phép GSP của EU dành cho Việt Nam tiếp tục được thực thi song song với EVFTA sau 2 năm nữa. Theo quy định trên, ngày 1/8/2020 là ngày cuối cùng Việt Nam được hưởng GSP, tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên họ cho Việt Nam thêm 6 tháng nữa, và đến hết ngày 31/12/2020 là hết GSP của EU cho Việt Nam.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hải – Trưởng phòng Hỗ trợ và giám sát hoạt động đầu tư BQL các KCX – CN TP.HCM phân tích, diễn biến thị trường hàng hóa trong thời gian gần đây trên thế giới đang phức tạp, nguồn cung, giá cả có nhiều biến động, nhất là thị trường Châu Âu.
Bà Bình nói, “thị trường đang chậm, do đó nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU dự báo không cao như trước. Vì thế, bên cạnh yêu cầu về chất lượng hàng hóa thì yêu cầu về giá cả cạnh tranh hiện nay cũng rất đáng quan tâm, bức thiết.
Cũng theo bà Bình, một số doanh nghiệp Việt Nam than phiền rằng, nhiều đối tác EU đã yêu cầu cắt giảm giá cả hàng hóa từ 30%, đây là điều hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp Việt, vì hầu hết doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều hạn chế về vốn kinh doanh, vốn phục hồi, chuyển đổi cơ cấu công nghệ cũng như giữ chân người lao động….
Do vậy, việc nắm bắt các quy định bao gồm cả các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ cũng như theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng, doanh nghiệp sẽ tìm được cơ chế ưu đãi tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn, để qua đó chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra theo các chuyên gia, không chỉ là câu chuyện về quy tắc xuất xứ mà còn là các quy định về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về lao động… là những điều mà doanh nghiệp Việt cần quan tâm.
Bà Phạm Thị Hải – Trưởng phòng Hỗ trợ và giám sát hoạt động đầu tư BQL các KCX – CN TP.HCM
Bài, ảnh: T. Quỳnh