Tham gia những cộng đồng doanh nhân khu vực sẽ được những thông tin bất ngờ, mà nếu không có cộng đồng đó, chúng ta sẽ hành động sai.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit tại tại Lễ công bố HVNCLC 2019 mới đây.
“Tức là nếu chúng ta không tham gia trong cộng đồng đó thì làm sao biết được những thông tin quan trọng như thế”, ông Viên phân tích.
Hay thông tin Mỹ, Nhật Bản đang đưa ra hàng rào kỹ thuật để kiểm tra tất cả những loại thực phẩm được sấy khô, chiên… có hàm lượng chất gây hại cao.
“Tại sao các doanh nghiệp HVNCLC chúng ta không tham gia những group để làm việc với nhau, học hỏi về bán hàng, marketing… “
Ông Viên cho rằng, nên làm từ những thị trường gần với Việt Nam trước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc…
Còn ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May cho rằng, mỗi thị trường khác nhau phải đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng. Để đạt được điều này, trong việc sản xuất doanh nghiệp phải tạo được sự chuẩn mực hóa, để sao cho sản phẩm mười cái giống nhau hết và liên quan với nhau như các bộ phận trong cơ thể.
Vị CEO trẻ tuổi này kể, vừa qua có đưa gạo Cỏ May vào thị trường Mỹ, và đến thời điểm này hàng không đủ để bán. Ông Thiện kể về quá trình vào Mỹ như sau. Tại Cỏ May có bộ phận quản lý tiêu chuẩn, trước khi đi Mỹ đã nghiên cứu kỹ thị trường và test tất cả những mẫu gạo mà Cỏ May đang có để xem về hơn 200 chỉ tiêu vào Mỹ.
“Từ đó biết được những chỉ tiêu không an toàn, nếu không an toàn tôi sẽ không bán, vì bán không được thì sau này rất khó vào”, ông Thiện nói.
Nói về việc đạt được các tiêu chuẩn của thế giới, CEO Phạm Minh Thiện cho hay, nếu nhà máy, dây chuyền có sự tự động hóa cao thì việc đáp ứng các đòi hỏi về tiêu chuẩn của thế giới không khó.
Phút “đắng lòng” của Bí thư tỉnh Đồng Tháp
Có mặt tại Lễ công bố HVNCLC 2019 với chủ đề: Số hóa – chuẩn hóa – chinh phục thị trường, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long mấy hôm nay đang ngồi trên đống lửa vì giá lúa gạo xuống thê thảm. Tôi đi thăm HTX và bà con nông dân, khi vào huyện ủy họ đãi cơm bằng gạo của Campuchia. Người Đồng Tháp nói ăn gạo Capuchia chất lượng hơn. Thật đắng lòng khi bà con trồng lúa của mình đang lao đao không có đầu ra thì mình lại ăn gạo của Campuchia.
Trở lại câu chuyện số hóa, ông Hoan cho hay, vừa qua được đi Singapore học về cách quản trị bằng công nghệ số trong cơ quan Chính phủ, trường ĐH, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Chính phủ Singapore đã chuẩn bị cho chương trình số hóa cách đây 10 năm. Vào các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp hay trường ĐH, trên những bức tường người ta đều ghi những từ khóa như Big data, AI, IoT… để nhắc nhở mọi người rằng, họ đang sống trong thời kỳ của số hóa…
Singapore có khẩu hiệu là không để ai bị bỏ quên trong hành trình kỹ thuật số. Họ thành lập trung tâm cho người già hay người buôn bán ngoài vỉa hè để họ biết cách tiếp cận công nghệ số. Và dù người đó không kinh doanh, nhưng công nghệ số có thể tối ưu hóa cuộc sống của họ…
Trần Quỳnh