Chiều 24/11, vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn – năm 2019 mới diễn ra nhưng từ ngày 23, gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đã trưng bày sản phẩm, biến không gian Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM thành một “phiên chợ” độc đáo, sôi động và nhiều màu sắc.

Tại phần trưng bày, 29 dự án lọt vào chung kết đã biểu thị sức mạnh với những sản phẩm và cách trưng bày ấn tượng. Kèm theo đó là các hoạt động giới thiệu sản phẩm dành cho khách tham quan hay khảo sát nhu cầu, sở thích của khách hàng…

Đặc biệt, nhiều sản phẩm của thanh niên đồng bào dân tộc như khô dế ăn liền ở Sơn La, Tung Lò Mò của An Giang… đều gây được sự tò mò và thích thú cho khách sau hàng khi dùng thử.

Ngoài sản phẩm của các dự án tham gia chung kết còn có nhiều sản phẩm của các dự án đã tham gia các mùa thi trước. Trong đó phải kể đến nhiều sản phẩm nông nghiệp độc đáo như Sa Sâm Việt của Phù Tường Nguyên Dũng (Bến Tre) – đoạt giải nhì mùa thi 2018; Hoa Sen sấy khô Ecolotus của Ngô Chí Công (Đồng Tháp) – dự án đoạt giải 3 năm 2017; Phân và dịch trùn quế của Lê Minh Vương (Ninh Thuận), người đoạt giải nhì mùa thi đầu tiên năm 2015; Các sản phẩm sản xuất từ quả tầm bóp như nước ép, mứt… của Nguyễn Thị Nga, dự án tham gia cuộc thi năm 2017 cũng đã tạo được sự thu hút của khách tham quan và một số chuyên gia…

Một không gian khác cũng gây được ấn tượng và thích thú cho những người có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM là khu vực trưng bày, hướng dẫn dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong của các nghệ nhân các dân tộc đến từ An Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận…

Nghệ nhân dân tộc Chăm ở Ninh Thuận trình diễn dệt khăn rằn.

Hai cô cháu Sơn nữ Hằng Amuikeo đến từ Lạng Sơn mang các sản phẩm của đồng bào dân tộc mình giới thiệu đến người dân TP.HCM.

Sùng Y Xía (Hòa Bình), thí sinh đoạt giải nhì mùa thi 2018 trình diễn và hướng dẫn khách tham quan cách vẽ sáp ong, nét đặc sắc của đồng bào H’Mong.

Nghệ nhân dân tộc Chăm ở An Giang trình diễn cách thêu hoa văn trên khăn.

Sầm Thị Tình, người phụ nữ dân tộc Thái ở Nghệ An trình diễn và hướng dẫn khách tham quan cách Dệt thổ cẩm của người Thái trắng.

Lê Minh Vương (giải nhì mùa thi 2015) – Chủ dự án phân và dịch trùn quế tư vấn sản phẩm cho Đào Duy Trường (Cao Bằng) Thí sinh lọt vào chung kết với dự án: Sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn liền với du lịch nông nghiệp tại TP Cao Bằng.

Hoa Sen sấy khô Ecolotus của Ngô Chí Công (Đồng Tháp) – dự án đoạt giải 3 năm 2017.

Gian hàng Sa Sâm Việt của Phù Tường Nguyên Dũng (Bến Tre) – đoạt giải nhì mùa thi 2018.

Bộ sưu tập 54 loại tinh dầu của Đoàn Ngọc Minh Thùy (Đồng Tháp).

Nhóm của Lê Nguyễn Ngọc Trân (Dự án: Trà Thanh An, Lâm Đồng) tranh thủ khảo sát chuyên gia nông nghiệp Ino Mayu về hương vị, màu sắc và kỳ vọng về trà Thanh An.

Thịt Bò gác bếp ăn với chẩm chéo của người dân tộc Thái được Giàng A Dạy giới thiệu tại cuộc thi.

Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre) giới thiệu các sản phẩm là mỹ phẩm làm từ dừa.

Nhóm của Lê Thị Kim Cương (Bình Dương) – Dự án: Giải pháp mảng xanh IOT trong đô thị cao tầng gắn kết với chuỗi cung cầu nông nghiệp bền vững.

Sản phẩm Handmade làm từ vỏ lon bia của Y Diêm (Kon Tum).

Anh Tuấn