Tiêu điểm:
Đồng bằng dư gạo xuất khẩu, nhưng thiếu đến 75.000 tấn lúa giống vụ tới
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dư khoảng 3 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu, nhưng lại thiếu hụt hàng chục ngàn tấn giống cho vụ đông xuân 2021-2022 – theo Tổ công tác 970. 
Tổ công tác 970 thuộc Bộ NN&PTNT được thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và lưu thông nông sản tại phía Nam trong dịch Covid-19. Báo cáo mới nhất của Tổ 970 cho biết: Tính đến hết tháng 8-2021, sản lượng lúa các tỉnh Nam bộ ước đạt 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, sản lượng trong những tháng còn lại của năm nay sẽ đạt 8,78 triệu tấn. Với sản lượng trên, vùng đồng bằng còn thừa lại khoảng 3 triệu tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong khi đó, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu héc ta trong vụ đông xuân 2021-2022. Trong đó, đồng bằng cần xuống giống sớm khoảng 250.000-300.000 héc ta vào tháng 10-2021 nhằm “né” hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra ở các tỉnh ven biển. Kế đến, trong hai tháng 11 và 12, nông dân trong vùng sẽ xuống khoảng 600.000 héc ta mỗi tháng, diện tích rất nhỏ còn lại sẽ thực hiện trong tháng 1 tới.
Như vậy, nhu cầu giống của cả vụ khoảng 200.000 tấn. Trong đó, các công ty sản xuất, kinh doanh lúa giống và Viện Lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 100.000 tấn. Các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50.000-70.000 tấn. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 30.000-50.000 tấn so với nhu cầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp nông dân gieo sạ với mật độ khoảng 150 kg/héc ta thì nhu cầu giống vụ đông xuân 2021-2022 tới là khoảng 225.000 héc ta, tức nhu cầu giống thiếu hụt khoảng 55.000-75.000 tấn. Còn trường hợp nông dân gieo sạ khoảng 120 kg/héc ta thì dự kiến con số thiếu hụt khoảng 10.000-30.000 tấn.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,6 – 57,3 triệu đồng/lượng, tiếp tục tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.794,4 USD/ounce, tăng 5,8 USD, tương đương 0,32% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng
3/ Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Anh trong nửa đầu năm 2021 đạt 100,3 ngàn tấn, trị giá 424,62 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong khi Anh liên tục tăng nhập từ nhiều quốc gia khác, cà phê từ Việt Nam sang quốc gia này nửa đầu năm giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với cùng kỳ. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% xuống 16,35%. Được biết, nguyên nhân chính là làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của cà phê của Việt Nam.
4/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm 10-9 cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2020 cho thương hiệu gạo Hạt ngọc trời Thiên Vương và Hạt ngọc trời Tiên Nữ của Tập đoàn Lộc Trời. Theo đại diện của Tập đoàn Lộc Trời, hai sản phẩm này sẽ được sử dụng biểu trưng và tem OCOP cấp quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu, quảng bá sản phẩm. Kết quả phân hạng sản phẩm có giá trị 36 tháng kể từ ngày được công nhận. Được biết, hiện nay, Lộc Trời là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với diện tích canh tác lúa trên 1 triệu hecta, sở hữu bản quyền giống lúa OM5451 chủ lực cho xuất khẩu, có viện nghiên cứu với 7 trung tâm nghiên cứu trực thuộc cùng năng lực tổ chức sản xuất quy mô lớn.
5/ Theo kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tiến hành với 2.000 doanh nghiệp thành viên. Theo đó, chỉ số BCI đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Theo đó, gần 80% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt trong 3 tháng qua (tháng 6-8/2021), trong đó 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ “rất tệ”. Chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này. Tình hình kinh doanh của họ dự kiến “chỉ khá hơn một chút” trong 3 tháng tới. Nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tốt (71% doanh nghiệp). Theo khảo sát của EuroCham, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó khi duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Khó khăn chủ yếu họ gặp phải là chi phí tăng cao, ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm lý người lao động.
6/ Hôm 10-9, hãng Toshiba tuyên bố sẽ đóng cửa  nhà máy hoạt động 30 năm qua ở thành phố Đại Liên vào cuối tháng 9 này, chuyển năng lực sản xuất sang Việt Nam và về Nhật Bản. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn với khoảng 650 nhân lực ở nhà máy sẽ mất việc. Nhà máy ở Đại Liên được khánh thành vào năm 1991 với tư cách trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba ở Trung Quốc.
Nhà máy tập trung vào sản xuất động cơ công nghiệp và máy phát sóng, tuy nhiên sản lượng đã sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây khiến Toshiba buộc phải thanh lý nhà máy vào đầu tháng 10 tới. Các nhà máy khác của Toshiba ở Đại Liên phụ trách sản xuất thang máy và linh kiện đường sắt vẫn hoạt động.
Nhà máy sắp đóng cửa ở Đại Liên từng sản xuất cả tivi LCD lẫn các thiết bị y tế với khoảng 2.400 nhân công vào thời kỳ hoàng kim năm 2010. Toshiba sau đó tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy và thay đổi dòng sản phẩm nhưng không thành công.
6/ Báo cáo của Hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI cho thấy trong quý 2-2021, Trung Quốc đã đầu tư 8,22 tỷ USD vào thiết bị sản xuất chip, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và tăng 38% so với quý 1-2021. Theo đó, quốc gia tỷ dân này hiện đang đổ tiền nhiều chưa từng có để phát triển ngành bán dẫn trước sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ. Việc đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực sản xuất chip nằm trong chiến lược trở thành cường quốc công nghệ của Trung Quốc. Được biết, Hàn Quốc hiện là quốc gia rót vốn cho thiết bị sản xuất chip nhiều thứ 2 trên thế giới, trong khi Đài Loan duy trì vị trí thứ 3. Theo SEMI, hoạt động đầu tư vào thiết bị bán dẫn trên thế giới đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 24,9 tỷ USD trong quý 2-2021 và tăng 5% so với quý trước.
7/ Theo CNBC, Ukraina là nước thứ 5 trên thế giới trong những tuần gần đây đã đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường tiền mã hóa, dấu hiệu cho thấy thêm nhiều chính phủ trên thế giới đang thừa nhận bitcoin. Theo đó, Nghị viện Ukraina đã thông qua dự luật hợp pháp hóa và quản lý tiền mã hó, đã từng được bàn thảo vào năm 2020. Dự thảo luật mới nhất bao gồm những biện pháp bảo vệ nhất định với những hành vi lừa đảo mà người sở hữu bitcoin và nhiều sàn tiền mã hóa khác có thể đương đầu. Nếu Ukraina chính thức thông qua dự luật này, tài sản ảo, ví điện tử và chìa khóa cá nhân là những thuật ngữ sẽ trở nên phổ biến trong luật quốc gia. Cho đến trước khi luật được thông qua, tiền mã hóa tại Ukraina vốn tồn tại trong “vùng xám”. Người dân địa phương được phép mua và trao đổi tiền mã hóa, nhưng doanh nghiệp và các sàn giao dịch tiền mã hóa chịu giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý pháp luật.
Ảnh minh họa: Internet
8/ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu găng tay y tế của hãng Top Glove Corp Bhd của Malaysia. CBP đã xác nhận căn cứ các thông tin bổ sung, sản phẩm găng tay y tế do tập đoàn này sản xuất không vi phạm các quy định của Mỹ và sẽ được chấp nhận tại tất cả các cảng của Mỹ kể từ ngày 10-9. Trước đó, tháng 7-2020, Mỹ đã cấm găng tay của Top Glove với cáo buộc liên quan tới lao động cưỡng bức. Đáng chú ý, với quyết định trên của CBP, ngay trong phiên giao dịch sáng 10-9, cổ phiếu của Top Glove đã tăng 7,35% do với phiên trước đó.
9/ Facebook và thương hiệu kính lừng danh Ray-Ban đã trình làng một loại kính thông minh mới, trong nỗ lực mới nhất nhằm hướng đến một thị trường được mạng xã hội lớn nhất thế giới này xem là bước đi hướng đến tương lai. Theo đó, kính râm “Ray-Ban Stories” có thể chụp ảnh và quay video thông qua điều khiển bằng giọng nói, và hình ảnh có thể kết nối không dây với tài khoản Facebook của người dùng bằng ứng dụng Facebook View. Được biết, với giá khởi điểm là 299 USD, “Ray-Ban Stories” sẽ được bán tại Australia, Anh, Canada, Ireland, Italy và Mỹ. Trước Facebook, Google cũng đã ra mắt Google Glass vào năm 2013, song đã vấp phải phản ứng dữ dội về quyền riêng tư liên quan đến các camera tích hợp và buộc tập đoàn công nghệ Mỹ phải chuyển hướng.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bản tin hội nhập, từ 2/9 – 9/9/2021