Một phụ nữ bán hàng rong đẩy xe trên một con phố vốn rất sầm uất ở Bangkok. Ảnh do AP chụp ngày 5/5/2021.

Tiêu điểm:

Đông Nam Á vẫn vật lộn với Covid-19, lạm phát và thất nghiệp trong quý 2

Các đợt bùng phát mới của Covid-19 khiến phần lớn các nền kinh tế chính của ASEAN tiếp tục suy giảm trong quý 1 rồi, ngoại trừ Việt Nam và Singapore. Các nhà phân tích nói rằng dư âm của các đợt dịch trong quý 1 và tháng đầu tiên của quý 2 có thể gây sức ép lên khả năng chi tiêu của người dân. Vì thế, tiến độ thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, giúp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý 2 hồi phục và tạo đà cho cả năm 2021.

Kinh tế Thái Lan tăng trưởng âm -2,6% trong quý 1. Vì thế, Hội đồng phát triển kinh tế xã hội quốc gia (NESDC) đã giảm dự báo tăng trưởng trong năm xuống còn 1,5-2,5% trong năm 2021, thấp hơn mức dự báo 2,5-3,5% trước đó. Đây là lần hạ dự báo thứ ba của hội đồng này. Vào tháng 10/2020, NESDC dự báo mức tăng trưởng trong năm 2021 của Thái Lan là 3,5-4,5%.

“Dịch bệnh nên được kiểm soát từ tháng 6 tới. Chiến dịch tiêm chủng thuận lợi là một yếu tố quan trọng giúp kinh tế Thái Lan hồi phục”, Tổng thư ký NESDC Danucha Pichayanan nói trong cuộc họp báo hôm 17/5.

Ngoài Lan, các nước khác trong khu vực cũng tăng trưởng âm trong quý đầu năm nay với Philippines -4,2%, Indonesia 0,7% và Malaysia -0,5% do các đợt bùng phát dịch.

Trong khi đó, Việt Nam và Singapore là hai nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN6 đạt được tăng trưởng dương trong quý 1 – với tỷ lệ lần lượt là 4,5% và 0,2%. “Cả hai có lợi thế và được hưởng lợi từ nền tảng sản xuất mạnh, tăng trưởng của mảng bán sỉ và khu vực thương mại. Hai nước cũng có thành tính chống dịch tốt, giúp duy trì đà hồi phục của nhu cầu nội địa”, nhà kinh tế Sung Eun Jung thuộc Oxford Economics phát biểu với Nikkei Asia.

Sáu nền kinh tế chính của ASEAN sẽ dễ dàng đạt các mức tăng trưởng trong quý 2 này Tuy nhiên, tương vẫn là bất định do những đợt bùng phát mới trong khu vực. Tiến triển của chiến dịch tiêm vaccine ở mỗi nước sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu dùng trong nước.

Hôm 5/5, Ngân hàng Thái Lan đã đưa ra dự báo rằng: Nếu 100 triệu liều vaccine được phân bố và tiêm chủng trong năm 2021 để đạt được miễn dịch cộng đồng trong quý 1/2022, ngân hàng trung ương này kỳ vọng nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng 2% trong năm nay và 4,7% trong năm 2022.

Nếu miễn dịch cộng đồng đạt được trong quý 3/2022 thì tăng trưởng của Thái Lan sẽ bị kéo xuống – chỉ 1,5% trong năm 2021 và 2,8% trong năm tới. Nếu việc này trì hoãn đến quý cuối 2022, kinh tế xứ chùa vàng chỉ tăng khiêm tốn 1% trong năm nay và 1,1% trong năm tới.

“Tiến triển tiêm vaccine quá chậm chạp và nhiều biến chủng đang xuất hiện trong khu vực có thể khiến tình trạng bất định gia tăng, khả năng hồi phục kinh tế vì thế cũng bị ảnh hưởng”, nhà chiến lược Margaret Yang thuộc Daily FX ở Singapore nhận định.

Nữ chiến lược gia cũng cho rằng Đông Nam Á đang đi trên con đường gập ghềnh để hồi phục, ở khắp các lĩnh vực và khắp các nền kinh tế. “Lỗ hổng vẫn tồn tại trong quý này bởi các nền kinh tế đang vật lộn với virus, lạm phát và thất nghiệp”, bà Yang nói.

Tăng trưởng của 6 nền kinh tế chính của ASEAN. Graphics: Nikkei Asia

Bản Tin Thị Trường

1/ Theo báo cáo “Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021” của Ngân hàng Thế giới (WB), sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, trong khi doanh số bán lẻ phục hồi sau hai tháng giảm liên tiếp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% (so với tháng trước) và 24,1% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 4/2021. Tốc độ tăng trưởng cao phần lớn bởi hiệu ứng cơ sở thấp do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt phong toả liên quan đến đại dịch trong tháng 4/2020. Tăng trưởng thương mại cũng đã được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và Hàn Quốc. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại sau hai tháng tăng.

2/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,05 – 56,4 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 130.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được thu hẹp xuống còn 350.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.850,8 USD/ounce, tăng 6,9 USD/ounce, tương đương 0,37% giá trị so với chốt phiên trước.

3/ Hơn 2.400 heo giống GF24 chất lượng cao của Công ty CP Greenfeed Việt Nam vừa được xuất sang thị trường Campuchia ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Những con heo này đã được nuôi tại trang trại khép kín có diện tích đất 83ha, với chuồng trại khang trang, cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại theo mô hình chăn nuôi của Greenfeed và các tiêu chí của PIC. Quá trình vận chuyển đã diễn ra trong hơn 10 ngày và tuân thủ nghiệm ngặt các quy định thú y cũng như phòng chống Covid-19 khi xuất khẩu qua biên giới. Sự kiện này đã tạo bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực mang sản phẩm heo giống chất lượng quốc tế và giải pháp chăn nuôi toàn diện, hiệu quả của một doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường khu vực.

4/ Trungnam Group đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy thuộc Tập đoàn Hitachi. Sự kiện này đánh dấu việc mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của Hitachi tại thị trường Việt Nam. Sự kiện cũng mở ra bước tiến mới trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo của Trungnam Group…  Thông qua việc ký kết này, Hitachi sẽ sở hữu 35,1% cổ phần của Nhà máy điện gió Trung Nam, từ đó Trungnam Group và Hitachi trở thành đối tác chiến lược cùng vận hành nhà máy. Theo đại diện Trungnam Group, còn sở hữu 64.9% cổ phần sau hợp tác, Trungnam Group sẽ tiếp tục giữ vai trò quyết định trong điều hành và định hướng phát triển của dự án điện gió này.

5/ Samsung Electronics đã chính thức không còn là thương hiệu smartphone số 1 tại Việt Nam, Indonesia, PhilippinesThái Lan trong quý đầu năm 2021. Theo Counterpoint Research cho biết, doanh số smartphone Samsung tăng 20% tại 4 thị trường, nhưng thị phần lại giảm do các hãng điện thoại Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn. Quý 1/2021, thị phần gộp của Samsung tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đạt 19%, giảm so với mức 22% cùng kỳ năm trước, rơi xuống vị trí thứ hai. Trong khi đó, Oppo của Trung Quốc vươn lên giành ngôi đầu nhờ thị phần 22%, tăng so với mức 21% cùng kỳ năm 2020. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vivo (16%), Xiaomi (13%) và Realme (11%). Apple xếp hạng 6 với 6% thị phần.

6/ Kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường NeuroSensum tiến hành từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy ShopeePay có mức thâm nhập thị trường Indonesia cao nhất với 68%, vượt trội so với các ví điện tử khác như OVO (62%), DANA (54%), GoPay (53%) và LinkAja (23%). Dù mới xuất hiện trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số tại Indonesia, nhưng ShopeePay, ví điện tử của sàn giao dịch trực tuyến Shopee, đã vươn lên dẫn đầu nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một báo cáo của iPrice cho thấy lưu lượng truy cập trực tuyến hàng tháng của Shopee đã vượt qua Tokopedia từ quý IV/2019 và duy trì vị thế này cho đến cuối năm ngoái. Ngoài ra, hơn 45% tổng đơn đặt hàng của Shopee tại Indonesia, thị trường lớn nhất của sàn thương mại trực tuyến này, được thanh toán bằng ShopeePay.

7/ Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới tại 70 thành phố (không bao gồm nhà ở được nhà nước trợ cấp) đã tăng 0,48% so với tháng 3. Đây là mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua. Giá trên thị trường thứ cấp cũng tăng 0,4%. Thêm vào đó, thống kê của China Real Estate Information cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, doanh số bán nhà tại những thành phố như Thâm Quyến, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2019. Bloomberg cho biết nhiều nhà đầu tư sử dụng bất động sản như một hàng rào chống lạm phát toàn cầu. Nhà chức trách Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt tuyên bố nhằm hạ nhiệt những kỳ vọng về giá. Các nhà hoạch định Bắc Kinh cũng cảnh báo có thể áp thử nghiệm thuế bất động sản quốc gia.

8/ Chip bán dẫn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, từ máy PlayStaytion 5, bàn chải đánh răng, đến máy giặt, đồng hồ báo thức. Nhưng số lượng chip cung ứng hiện không đủ cho thị trường và sự thiếu hụt này không có dấu hiệu giảm bớt. Nhiều người gọi đây là cuộc khủng hoảng chip – “chipageddon”. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, theo nhiều chuyên gia, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, còn đến từ dự đoán sai về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái khi Covid-19 bùng phát. Sự thiếu hụt chip không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất xe hơi mà còn tác động đến lĩnh vực điện thoại và rộng hơn xu hướng internet vạn vật. Được biết, các nhà phân tích đã đánh giá rằng cơn khát nguồn cung chip bán dẫn sẽ còn kéo dài tới tận 2023.

9/ Giá Bitcoin hôm nay rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 3 tháng vì giới đầu tư ồ ạt bán ra sau khi tỷ phú Elon Musk ngụ ý rằng hãng của Tesla của ông đang cân nhắc hoặc đã bán đi lượng Bitcoin mà hãng này nắm giữ. Theo đó, Giá Bitcoin hôm nay tiếp tục giảm hơn 9% xuống khoảng 42.185USD, mức thấp nhất kể từ ngày 8/2 năm nay. Bên cạnh đó, Dogecoin, một đồng tiền kỹ thuật số khác cũng từng được Musk ủng hộ, cũng đã giảm gần 7% xuống 0,48USD. Trong nhiều tháng qua, ông Musk đã gây hưng phấn cho các thị trường tiền kỹ thuật số bằng cách thể hiện sự quan tâm và chấp nhận đồng tiền này. Tuy nhiên, hình hình đổi chiều sau khi vị tỷ phú đăng tweet hồi tuần trước cho biết Tesla dừng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán vì quan ngại môi trường.

Giá Bitcoin đã giảm 1/4 từ khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố dừng chấp nhận đồng tiền này làm phương tiện thanh toán. (Ảnh: Reuters)

10/ Hôm 17/5, hai startup lớn nhất Indonesia, Gojek và Tokopedia, đã chính thức công bố sẽ hợp nhất với tên mới là GoTo Group. Công ty mới sẽ là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á và phục vụ nhiều dịch vụ khác nhau từ gọi xe, thanh toán số tới thương mại điện tử. Nikkei Asia nhận định rằng, với sự sáp nhập này, cuộc chiến cạnh tranh mảng công nghệ tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ là cuộc đua tam mã có sự tham gia của Sea, Grab và GoTo.

Gojek và Tokopedia đã bắt đầu đàm phán về khả năng hợp nhất từ đầu năm nay. Đàm phán được đẩy mạnh hơn vào tháng 4 khi Gojek và Tokopedia cùng xin ý kiến chấp thuận từ các cổ đông của mình. Hiện tại, Gojek và Tokopedia có chung hai cổ đông lớn là Google và Temasek.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Thưởng thức tuyệt tác đá màu đầy mê hoặc từ NTJ