Đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm trong ngày 13-6 do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, đối phó với xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Đồng yen giảm xuống còn 135 yen ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 10-1998 khi khủng hoảng tài chính châu Á càn quét các nền kinh tế châu Á.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1997 đã kéo các đồng tiền trong khu vực, đầu tiên là baht Thái Lan và đồng won Hàn Quốc đi xuống. Tháng 4 năm đó, nhà chức trách Nhật Bản đã tiến hành cuộc can thiệp ngoại hối quy mô lớn, trị giá 2.600 tỉ yen (19 tỉ đô la theo tỷ giá hiện nay) để mua mua đồng yen, bán đô xanh.
Yen yếu trì kéo nền kinh tế
Đồng yên yếu đồng nghĩa với việc giá nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu thô của Nhật Bản cao hơn, đẩy lạm phát gia tăng, ảnh hưởng xấu nhiều doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng lo âu.
BOJ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo trong hai ngày 16 và 17-6. Trong phiên điều trần hôm nay tại Thượng viện, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tỷ giá hối đoái vẫn ổn định phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và tài chính. Đồng yen mất giá là điều không mong muốn bởi tình trạng bất định ngày càng tăng, khiến doanh nghiệp gặp khó trong lập kế hoạch kinh doanh, gây bất lợi cho nền kinh tế. Với nền kinh tế Nhật Bản, đồng yen yếu hơn sẽ củng cố chu kỳ tích cực của thu nhập đối với chi tiêu trong toàn bộ nền kinh tế, khi các công ty có thu nhập cải thiện tăng đầu tư vốn và tăng lương”.
Trong khi đó, chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei chuẩn của Nhật Bản lúc đóng cửa hôm 13-6 giảm 3% còn 26.987,44 điểm, trong bối cảnh lạm phát Mỹ làm tăng khả năng Fed (Quỹ Dự trữ Liên bang) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ.
Các cơ quan tài chính hàng đầu của Nhật Bản và BOJ cuối tuần rồi đã tỏ ra lo ngại trước tốc độ trượt giá của yen.
Bộ Tài chính, BOJ và Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã phát hành một tài liệu nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tỷ giá hối đoái phải duy trì ổn định phù hợp với các nguyên tắc cơ bản. Những biến động nhanh chóng là điều không mong muốn. Chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ hợp tác chặt chẽ và theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường ngoại hối và tác động của chúng đối với nền kinh tế và giá cả với tinh thần cấp bách gia tăng.”
Lãi suất duy trì mức cực thấp thời gian dài trong nền kinh tế giảm phát của Nhật Bản đã trở thành một yếu tố dẫn đến sự suy yếu nổi bật của đồng yen so với các loại tiền trong rổ tiền tệ chính.
Yuji Saito của hãng Credit Agricole cho biết: “Nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và chênh lệch lợi suất sẽ còn mở rộng hơn nữa. Đồng yên yếu sẽ trì kéo nền kinh tế. Tôi không biết khi nào đà trượt giá sẽ dừng lại”.
Trong quá khứ, đồng yen yếu đã nâng cao xuất khẩu của Nhật Bản, tạo ra sự trao đổi mạnh mẽ hơn giữa đô la với đồng yen để hạn chế sự sụt giảm của đồng tiền Nhật Bản. Giờ đây, nhà kinh tế Shunsuke Kobayashi thuộc hãng Mizuho Securities nói rằng cơ chế này không còn hoạt động nữa.
“Do sự đa dạng hóa kinh doanh toàn cầu, chúng tôi không còn giữ được cấu trúc đơn giản trước đây là hàng hóa Nhật Bản thay thế hàng hóa từ các nước khác do đồng yen yếu,” ông Kobayashi nói.
Điều đó có nghĩa là từ nay, hàng hóa nước ngoài nhập vào Nhật Bản tăng giá mạnh do đồng đô xanh tăng vọt, còn các nhà xuất khẩu Nhật Bản chịu lỗ nặng dù rằng hàng hóa chạy.
Lạm phát giá bán sỉ trong tháng 5 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó giá hàng nhập khẩu tăng 43,3% và giá hàng xuất khẩu tăng 16,7% do đà trượt dài của yen. Khoảng 8.000 mặt hàng sẽ tăng giá trong nửa cuối năm 2022, trong khi thu nhập hộ gia đình và tiền lương lại có xu hướng giảm.
Lợi suất trái phiếu âm khiến yen bị bán tháo
Nhật Bản là nền kinh tế lớn cuối cùng duy trì lợi suất trái phiếu ở mức âm, khiến đồng yen dễ bị bán tháo. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn hai năm đã âm – 0,07% trong tuần rồi, trong khi đó lợi suất trái phiếu năm năm cũng đang âm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới đạt 0,255%, vượt quá biên độ chính sách 0,25% của BOJ và đạt mức cao nhất trong hơn sáu năm kể từ tháng 1-2016. Với lãi suất ở châu Âu và Mỹ theo đà đi lên, đã có một đợt bán tháo trái phiếu dài hạn do suy đoán rằng BOJ cũng sẽ thay đổi chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn tình trạng trượt giá mạnh của yen.
Ngay cả khi ngân hàng trung ương các nước bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ, BOJ vẫn loay hoay trong kiểm soát đường cong lợi suất trong bối cảnh kinh tế đình trệ và lạm phát – mặc dù đang tăng nhanh – tăng với tốc độ thấp hơn, buộc Fed và ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) phải hành động.
Châu Âu dẫn đầu với chính sách lãi suất âm vào giữa những năm 2010. Giờ đây, ECB sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên, thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 7, để chống lạm phát theo kế hoạch được công bố tuần rồi.
Lợi suất hai năm của Thụy Sĩ đã trở lại mức dương sau khi giảm xuống dưới zero vào cuối tháng 5 rồi. Thị trường đã phản ứng với suy đoán rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ sớm nâng lãi suất chính sách thấp nhất thế giới từ âm – 0,75%.
Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm đã tăng lên 2,8% tại Mỹ, 1,8% đối ở Anh từ mức dưới 1% cuối năm ngoái. Ngân hàng trung ương hai nước đã bắt đầu sớm tăng lãi suất chính sách và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Ricky Hồ / BSA
Doanh nghiệp Thái Lan đổ vốn lớn vào trồng trọt và khai thác hợp pháp cây cần sa