Hành khách tại sân bay quốc tế Juanda ở Sidoarjo, Indonesia trong ngày 29-4. Ảnh: AFP/Getty Images
Đông Nam Á cuối cùng cũng bước qua nỗi ám ảnh, mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế với các chuyến bay quốc tế kín chỗ và ngày càng tấp nập. Trong khi ASEAN tụt hậu so với những nơi khác như Bắc Mỹ và châu Âu, tại những nước mở cửa sớm hơn thì đà tăng trưởng lượng hành khách trong tháng 4 này thật sự ấn tượng. Lượng đặt vé đang tăng lên khi các điểm du lịch nổi tiếng như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cho phép khách đã tiêm đầy đủ nhập cảnh mà không cần cách ly.
Gary Bowerman, giám đốc hãng nghiên cứu du lịch và lữ hành Check-in Asia cho biết: “Tháng 4 là một tháng rất quan trọng đối với Đông Nam Á. Sự lạc quan đã trở lại, mọi người hiện đang suy nghĩ và bàn tán chuyện đi du lịch rôm rả như hồi trước dịch. Số lượng các tìm kiếm trên mạng thể hiện điều đó”.
Singapore đang dẫn đầu
Các tìm kiếm trên Google liên quan đến du lịch đến Singapore đã tăng vọt, đặc biệt là từ các nước láng giềng Malaysia, cũng như Indonesia, Ấn Độ và Úc – theo dữ liệu được các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Maybank Bhd theo dõi. Tìm kiếm đã tăng khoảng 20% ​​kể từ tuần cuối cùng của tháng 3.
Theo cơ quan hàng không dân dụng Singapore, lưu lượng khách đi máy bay đến Singapore đạt 400.000 người trong tuần lễ kết thúc vào ngày 17-4 sau khi hầu hết các hạn chế đi lại đối với những người được tiêm chủng đầy đủ được dỡ bỏ vào đầu tháng. Con số này bằng 31% so với cùng thời điểm tháng 4 năm ngoái.
Theo hãng dữ liệu du lịch ForwardKeys, lượng đặt chỗ đến Singapore tăng lên 68% trong tuần kết thúc ngày 23-3, khi chính phủ cho biết họ đang bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến đại dịch. Đó là mức tăng so với 55% so tuần trước đó.
Sân bay Changi của Singapore đã đón 1,14 triệu hành khách vào tháng 3, lần đầu tiên con số này tăng trên 1 triệu kể từ khi dịch bùng phát. Chính quyền hòn đảo luôn cải tiến, giảm các thủ tục phiền toái với khách nhập cảnh.  Từ 22-2, các xét nghiệm PCR được thay thế bằng việc khách tự thực hiện lấy mẫu dịch họng với sự giám sát của nhân viên y tế. Nhiều quốc gia đã được thêm vào danh sách làn nhập cảnh mà không cần cách ly (VTL).
Theo hãng dữ liệu hàng không OAG Aviation Worldwide, tuyến bay Kuala Lumpure – Singapore là đường bay quốc tế duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào Top 10 đường bay quốc tế bận rộn nhất thế giới trong tháng 4-2022. Với hơn 212.000 chỗ, tuyến này được xếp hạng 6 trong tháng 4.
Dự kiến ​​sẽ có 307 chuyến bay mỗi tuần từ Malaysia đến Singapore vào cuối tháng 5, cao hơn gấp đôi so với con số 152 vào đầu năm – theo dữ liệu do BloombergNEF tổng hợp. Các chuyến bay từ Indonesia đến quốc đảo sẽ tăng gấp bốn lần từ 55 lên 222 chuyến, trong khi con số này được ấn định là 190 chuyến so với 100 chuyến vào đầu năm 2022.
Singapore tiếp tục giữ vững là tâm điểm hàng không của Đông Nam Á. Dự kiến tuần lễ cuối tháng 5-2022, sẽ có khoảng 124 chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đến Singapore. Nguồn: FlyDate
Tại Thái Lan, nơi du lịch quốc tế đóng góp đến 20% GDP, Bộ Du lịch và Thể thao cho biết số lượng du khách nước ngoài đã tăng 38% trong tháng 3 kể từ tháng 2 sau khi nới lỏng các yêu cầu về xét nghiệm và bảo hiểm y tế từ ngày 1-4. Từ ngày mai 1-5, các xét nghiệm PCR bắt buộc cũng được gỡ bỏ.
Số lượng du khách đến Thái Lan đạt 358.364 người từ ngày 1 đến 27-4, theo Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19. Khách du lịch đến từ Singapore chiếm nhiều nhất, tiếp theo là Vương quốc Anh, Ấn Độ, Đức và Úc. Hôm 27-4, chính phủ Thái Lan nói họ kỳ vọng ​​lượng khách du lịch sẽ đạt 6,1 triệu trong năm nay, so với chỉ 427.869 vào năm 2021. Con số này là 40 triệu vào năm 2019.
Sức hấp dẫn của du lịch ASEAN thời hậu dịch?
Câu hỏi này khá thú vị bởi các nước Đông Nam Á vẫn duy trì một vài rào cản nào đó, bằng cách này hay cách khác, trong chuyện thủ tục hay thu phí. Chẳng hạn Thái Lan sẽ thu thêm phí du lịch quốc tế 300 baht, hơn 200.000 đồng mỗi khách từ quí 3 tới. Hoặc cảnh xập xệ của điểm du lịch sau hai năm nay không tôn tạo hoặc tâm lý chặt chẽ vẫn còn diễn ra ở rất nhiều nước trong vùng…
Bà Hannah Pearson, giám đốc hãng tư vấn du lịch Pear Anderson có trụ sở tại Kuala Lumpur, nhận định: “Ban đầu sẽ có tiếng vang và sau đó sự háo hức sẽ mờ nhạt dần. Hiện tại, tôi nghĩ rằng người tiêu dùng đang khá lo lắng khi họ phân vân lựa chọn một điểm đến. Khách đang tìm kiếm và chọn một nơi dễ dàng nhất trong chuyện thủ tục”.
Giá dầu cao có thể làm giá vé đắt hơn, làm giảm tốc độ hồi phục. Khung giờ bay hạn chế và các lựa chọn du lịch ít hơn do các hãng hàng không vẫn chưa khôi phục tất cả các dịch vụ. Hầu hết các nước đều đang trông chờ nguồn khách từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông bởi nguồn khách này hầu hết đều chiếm tỷ trọng 20-30% lượng khách nước ngoài của các nước trong khu vực.
Trung Quốc vẫn hoàn toàn đóng cửa. Hồng Kông thì vẫn áp dụng chính sách cách ly bắt buộc trong 7 ngày – yếu tố cản trở du lịch dù Hồng Kông sẽ cho phép người nước ngoài nhập cảnh từ tháng 5.
Trong khi đó, du lịch vào dịp lễ Lao động 1-5 năm nay ở Trung Quốc khá yên ắng với lượng khách dự kiến giảm đến 80% so với năm ngoái do các đợt phong tỏa tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Dịp lễ năm ngoái, người dân Trung Quốc đã thực hiện hơn 230 chuyến đi và kỳ nghỉ – và đây là nguồn thu chính cho ngành bán lẻ và dịch vụ.
Thượng Hải và Bắc Kinh tranh nhau trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, Disneyland Thượng Hải đã tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 3 do các ca nhiễm tăng nhanh trong thành phố. Thượng Hải dự kiến ​​sẽ duy trì các quy định nghiêm ngặt về việc buộc mọi người ở nhà, không ra ngoài khi không cần thiết.
Bắc Kinh yêu cầu du khách xuất trình kết quả PCR âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ. Tuân theo chỉ thị của chính phủ, Universal Studios Bắc Kinh đã đưa ra giới hạn vé vào cửa hôm 29-4.
Ricky Hồ / BSA