Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm quốc tế

“Tôi học chương trình này theo học bổng Nuffic của Chính phủ Hà Lan, họ cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước châu Phi. Những ưu tiên của chương trình học này gồm vấn đề an ninh lương thực, bình đẳng giới, quản lý chuỗi giá trị nông sản”.

Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm quốc tế, cho biết như vậy ngay khi trở về từ một khóa học ở Hà Lan.

Theo bà Thanh, Nuffic có những ưu tiên cho khối tư nhân, nhất là phụ nữ. Để có được học bổng này, người tham dự phải có một kế hoạch,như tại sao lại chọn ngành này, những kiến thức học về được sử dụng như nào trong phát triển công việc của mình trong tương lai, đóng góp cho sự phát triển xã hội…

Nội dung bà chọn là gì?

– Tôi học về quản lý chuỗi giá trị nông sản, với chuyên ngành là chuỗi chăn nuôi.

Thời gian học là 12 tháng và có 2 tháng làm đề tài, tôi chọn Việt Nam với đề tài là chuỗi chăn nuôi gà.

Trước nay làm về các tiêu chuẩn của quốc tế, nhưng đánh giá toàn bộ về chuỗi chăn nuôi gà ở Việt Nam mình đang ở đâu trong thế giới thì tôi thấy còn thiếu.

Tôi thấy rằng, Bộ tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập, xuất phát ban đầu là muốn có một cơ sở kỹ thuật cho việc bình chọn HVNCLC. Nhưng với tôi, điều này chưa đủ thỏa mãn, bởi nó mới chỉ là thừa nhận, nhìn nhận ở trong nước.

Còn nhiều thị trường quốc tế mà mình nhắm đến họ lại chưa biết đến mình.

Bà Kim Thanh từng dẫn các học viên trong khóa học GLOBALG.A.P do Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập tổ chức tham quan trại gà Khánh Sơn (Cần Giờ)

Thành ra, chuyện đi học có 2 cái lợi.

Thứ nhất, bổ sung kiến thức mình làm cho Bộ tiêu chuẩn, để không chỉ hoạt động được trong nước, mà sẽ đối tác được với những tổ chức quốc tế.

Tức là làm trong nước trước nhưng hướng đến thị trường xuất khẩu. Cái này đòi hỏi phải có một nền tảng vững chắc, như việc làm móng nhà trước khi xây.

Thứ hai, mình muốn xác lập mối quan hệ với các đối tác quốc tế đâu phải dễ, tốn nhiều chi phí. Nên việc mình sang đó học, có nhiều thời gian đi gặp gỡ, tham quan những mô hình bên châu Âu để từ đó có những kết nối để đưa Bộ tiêu chuẩn này ra thế giới.

Khi chia sẻ tại Việt Nam có một đơn vị tư nhân đưa ra Bộ tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu, những nhà chuyên môn ở châu Âu họ phản ứng sao?

Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập ký kết thừa nhận lẫn nhau với tổ chức tiêu chuẩn quốc tế GMP+ (về thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ bản cho thực phẩm thịt đạt hữu cơ)

Đề tài tôi làm là cho nguyên một chuỗi gia cầm từ đầu đến cuối, chứ không phải riêng về từng công đoạn như, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, phân phối… để khi mình đi đàm phán với những nhà bán lẻ thì sẽ thuyết phục hơn.

Nhưng khi trình bày đề tài này, ông thầy hướng dẫn hỏi tôi rằng, vậy hiện tại Việt Nam có hệ thống quản lý không? Tôi nói có hệ thống quản lý của khối công.

Ông hỏi ngược lại, vậy tại sao lại cho ra đời Bộ tiêu chí này?

Tôi nói, theo báo cáo của ngân hàng thế giới tháng 3/2017, dù Việt Nam có hệ thống quản lý chất lượng được đánh giá là hiện đại, nhưng nó vẫn không thành công trong việc tạo ra sản phẩm thực phẩm an toàn ở đầu cuối. Nên rõ ràng là nó có vấn đề.

Việc ra đời Bộ tiêu chí, thứ nhất là kế thừa từ quá trình mà Hội DN HVNCLC hoạt động với nhà sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Điều này đi tới nhu cầu cần có một cơ sở kỹ thuật cho việc bình chọn HVNCLC. Nghĩa là xuất phát từ yêu cầu của khối tư nhân.

Nhưng hội đồng nói cái này chưa đủ thuyết phục. Và mình phải chỉ ra được vấn đề của hệ thống quản lý công đang ở chỗ nào. Và khi Bộ tiêu chuẩn mình ra đời nó giải quyết được vấn đề gì…

Nên tôi chuyển hướng đề tài làm về toàn bộ chuỗi giá trị gà ở Việt đang quản lý như nào? Tại sao không thành công trong việc tạo ra sản phẩm thịt an toàn…

Đề tài của tôi giải quyết 2 vấn đề, thứ nhất là chỉ ra được những bất cập của hệ thống quản lý hiện tại do khối công sử dụng để quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; thứ hai là đưa ra được giải pháp, giải pháp này tôi kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề là tạo ra được sản phẩm cuối an toàn cho người tiêu dùng. Và nó phải tương thích với hệ thống ATTP mà cả thế giới đang áp dụng, được thừa nhận trong mậu dịch quốc tế.

Cái cuối cùng của Bộ tiêu chuẩn là phải được thị trường chấp nhận, được người tiêu dùng tin tưởng. Nên những nghiên cứu của tôi nó sẽ mang tính thuyết phục thị trường.

Theo bà trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam mà bà làm nó có những bất ổn gì?

Tôi nghĩ, chúng ta chưa có thói quen làm đúng. Cụ thể như vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu.

Trước kia, ở châu Âu cũng có tình trạng này. Họ nói màu xanh mà họ thấy là màu xanh chết chóc, màu xanh của sa mạc. Chứ không phải màu xanh bằng sự phì nhiêu của đất.

Nên trong gần 10 năm trở lại đây,châu Âu họ có phong trào, gọi là nông – lâm – nghiệp. Nghĩa là người ta trồng nhiều loại cây với nhau, họ kết hợp chăn nuôi, để tạo ra những sự tương thích nhằm hạn chế mặt tiêu cực của nhau.

Tôi nghĩ, nông – lâm – nghiệp thì tại Việt Nam nó là văn hóa có từ lâu. Nên chuyện làm đúng, có thể là mình trở về cách làm trước kia, là sử dụng những cây, con, thứ mà ông bà mình làm ngày xưa…

Tôi nghĩ đây là một xu hướng thích hợp để tạo ra những sản phẩm an toàn.

Mà cái này thì người sản xuất nhỏ cũng không bị bỏ lại bên lề công cuộc tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho xã hội.

Đến nay, Hội DN HVNCLC, Dự án Bộ tiêu chí HVNCLC – CHN đã ký:

– Biên bản ghi nhớ với Ban An toàn Thực phẩm Tp. HCM

– Bản ghi nhớ với tổ chức GMP+ International cho xây dựng năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi an toàn.

– Đối tác với GLOBALG.A.P cho sản xuất trái cây, rau màu, thịt (gia cầm, heo) an toàn và có trách nhiệm.

 

Xin cám ơn bà!

TrầnQuỳnh (thực hiện)