Ông Tetsuichiro Tomihari - Giám đốc khối triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản: Hiện nay, tại Việt Nam, các nhà bán lẻ Nhật Bản xuất hiện ngày càng nhiều, với các chuỗi, như Aeon mall, 7-Eleven, Ministop… Ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vào Nhật Bản lại quá ít.

Các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm vào thị trường Nhật Bản cần thông qua các đại sứ quán, tham tán thương mại để làm cầu nối…

Tại hội thảo “Sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản”, ông Tetsuichiro Tomihari – Giám đốc khối triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản đã gợi ý nhiều cách làm hiệu quả và đưa ra nhiều thông số về thị trường bán lẻ Nhật Bản nhằm giúp các doanh nghiệp Việt hiểu hơn để thâm nhập thị trường này.

Các xu hướng ngành bán lẻ tại Nhật Bản

Theo ông Tetsuichiro Tomihari, ba yêu tố quan trọng cần quan tâm là: Sự thay đổi dân số và cấu trúc gia đình trong hộ gia đình tại Nhật; sự phân cực trong người tiêu dùng; sự thay đổi ngày càng đa dạng nơi mua sắm của người tiêu dùng.

Nhật Bản đang là quốc gia có ít trẻ con và nhiều người già. Theo thống kê, tỉ lệ người trên 65 tuổi chiếm nhiều nhất, hơn 26.6% (cao nhất trước nay của Nhật). Đáng chú ý tình trạng này sẽ làm giảm dân số trong tương lai của Nhật.

Tổng số hộ và số người trong hộ cũng thay đổi. Trung bình một hộ gia đình của Nhật Bản là 2 người. Đặc biệt là ở Thủ đô Tokyo hiện tại, có 1.99 người/hộ.

Trong khi đó, hộ 1 người đang tăng nhanh chóng. Còn hộ gia đình có vợ chồng và con ngày càng giảm.

Chính vì thế, số lượng người mua thực phẩm cũng có sự biến đổi trong hành vi của họ.

Theo khảo sát hơn 21.000 người tiêu dùng của Hiệp hội siêu thị Nhật Bản, dân số già hóa làm tăng chi phí của họ khi mua thực phẩm tươi sống.

Cụ thể bình quân 1 tháng, họ sử dụng 36.201 yên Nhật (khoảng 7,2 triệu tiền Việt Nam).

Trong số 21.000 người này có khoảng 2.485 người trong độ tuổi 20 – 29 tuổi. 60 tuổi trở lên là 5.326 người. Và số tiền mà dân số trên 60 tuổi trở lên sử dụng gần đôi số 20 – 29 người, (8,4 triệu so với 4,6 triệu)

Còn giá mà hộ 4 – 6 người chi hàng tháng là 48.00 yên, tương đương khoảng 10 triệu tiền Việt.

Đây là những con số có thể nói là hấp dẫn cho ngành bán lẻ, siêu thị.

Tức là dân số già cao, tỉ lệ sinh giảm đều không ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng trong ngành thực phẩm.

Người tiêu dùng Nhật phân cực như thế nào?

Có 3 nguyên nhân tạo ra sự phân cực về thu nhập tại Nhật Bản. Đầu tiên là tỉ lệ người có việc làm không thường xuyên (bán thời gian) ngày càng tăng, năm 2017 khoảng 37,5 %.

Thứ hai là xã hội Nhật có sự phân định rõ, một là người coi trọng chất lượng, hai là coi trọng số lượng. Người thu nhập thấp họ chọn sản phẩm rẻ và số lượng nhiều.

Người trung lưu ở Nhật Bản hiện nay rất ít

Bàn về vấn đề mua thực phẩm ở đâu, ông Tetsuichiro Tomihari cho rằng, người tiêu dùng Nhật Bản có nhiều kênh mua sắm, như siêu thị, hàng quán cao cấp, thương mại điện tử…

Trong đó, siêu thị gần như không tăng, doanh số giảm đi. Dạng siêu thị tổng hợp kiểu như cái gì cũng có đang ngày một ít đi.

“Điều này nói lên thói quen của người Nhật không thay đổi nhiều, họ đi mua sản phẩm tươi sống, thực phẩm gia công là nhiều nhất”.

“Các gia đình ở nhà nấu ăn buổi tối cũng thay đổi dần, ít và giảm đi. Nên họ, hoặc ăn ngoài hoặc là mua đồ ăn chế biến sẵn”, ông Tetsuichiro Tomihari nói.

“Người Nhật thích mua sắm tại những cửa hàng chuyên bán một mặt hàng hơn là tại những siêu thị.

Họ cũng thích mua sắm tại những nhà thuốc, nơi bán hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng”.

Trong khi đó, phong cách sống của người trẻ ngày càng đa dạng, nên nơi họ mua hàng cũng ngày càng đa dạng theo.

Với nam giới độc thân từ 20 – 40 tuổi họ sử dụng những cửa hàng tiện ích rất nhiều. Với nữ thì họ chọn những cửa hàng về hóa mỹ phẩm, cửa hàng bách hóa nhiều hơn.

Theo ông Tetsuichiro Tomihari, các doanh nghiệp Việt muốn đưa sản phẩm vào thị trường tiêu thụ Nhật Bản phải thông qua các đại sứ quán, tham tán thương mại để làm cầu nối.

Ông cho rằng, việc được kết nối với một bên thứ 3 có kinh nghiệm kiểm định ngay từ bước đầu khiến người Nhật an tâm hơn, giúp cho việc đàm phán, đưa sản phẩm vào tiêu thụ nhanh chóng và hiệu quả.

Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu, tập trung phát triển món phở để đưa sang Nhật.

“Các doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến áp dụng công nghệ, thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm Việt. Từ đó, mới có thể mang thương hiệu của mình đến thị trường Nhật Bản”, ông Tetsuichiro Tomihari cho biết.


“Triển lãm siêu thị 2019”

Chủ tịch Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới (IMT) ông Phạm Ngọc Tuấn

Vào tháng 2/2019, Nhật Bản sẽ tổ chức triển lãm siêu thị với tên gọi “Supermarket trade show”, gồm nhiều nội dung: dự án Tezukuri Nippon – rượu thủ công Nhật Bản được các nghệ nhân truyền thống sản xuất, dự án “Future Store 2019 – 2020” về tương lai của các siêu thị trong 5 – 10 năm tới, triển lãm thương mại đặc sản và hoạt động văn hoá “Bữa ăn làm sẵn”… để tạo các cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt – Nhật.

Chủ tịch Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới (IMT) ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng: “Triển lãm siêu thị tại Nhật Bản năm 2019 tới đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thực phẩm, các quản trị viên ngành siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm Việt Nam nên đến để tìm hiểu về xu hướng, mô hình trong tương lai…

 Trần Quỳnh – BSA