(Cafenews)-Nguyễn Xuân Trường (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã có ý tưởng táo bạo khi dùng ấu trùng “ruồi lính đen” (còn có tên gọi khác là sâu Canxi) để biến rác hữu cơ thành phân vi sinh để kinh doanh.
Gặp Nguyễn Xuân Trường vào đợt tập huấn khởi nghiệp của thanh niên các tỉnh, thành phía Bắc, diễn ra tại Hà Giang vào đầu tháng 8, khi giới thiệu dự án khởi nghiệp với cái tên rất lạ: Sâu Canxi. Lạ là vì tên dự án dễ liên tưởng đến loại sinh vật thường gây hại cho cây trồng.
Trường chia sẻ rằng cuộc sống của gia đình khó khăn. Khi đang mài đũng quần trên ghế của giảng đường ĐH Tự nhiên Hà Nội, Trường làm nhiều nghề để có thêm thu nhập và tích luỹ kinh nghiệm sống, đặc biệt là tìm được việc gì đó phù hợp với bản thân. Năm 2017, Trường nuôi trùn quế để bán phân. Cách đây nửa năm, Trường còn chuyển sang nghiên cứu sâu Canxi, vì giá trị gia tăng từ nguồn rác thải của con người rất lớn. Vừa kiếm được tiền, vừa giúp chuyện xử lý rác thải sinh hoạt.
Lời giải từ một hộ nuôi heo
Tưởng rằng ý tưởng mới sẽ tan biến khi vốn và chi phí quá sức của một chàng trai muốn lập nghiệp, tình cờ, Trường được bạn bè cho biết, một hộ dân ở tỉnh Hà Nam “nuôi heo bằng ấu trùng”. Trường tìm đến tham quan. Theo đó, người chăn nuôi heo dùng thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp để nuôi ấu trùng. Sau đó, cho heo ăn các ấu trùng trưởng thành.
Bắt tay vào nghiên cứu, Trường nhận ra, ruồi lính đen là côn trùng được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để phân huỷ rác hữu cơ hiệu quả. Bản thân ruồi lính đen trưởng thành và ấu trùng của chúng đều không mang mầm bệnh, do vậy, chúng không truyền bệnh cho người và vật nuôi. Sâu Canxi là một kẻ phàm ăn nhất trong thế giới tự nhiên, chúng giúp loại bỏ mùi hôi thối của các chất thải hữu cơ. Một số nghiên cứu cho kết quả rằng, chỉ bằng phương pháp ăn và tiêu hoá, sâu Canxi có thể làm giảm đến 90% lượng chất thải cũng như các mầm bệnh.
Sâu Canxi sẽ tiết ra enzyme để phân huỷ rác trước khi rác phát sinh mùi hôi. Chính vì vậy, các sinh vật yếm khí sẽ không có điều kiện hoạt động. Thành phần dinh dưỡng trong sâu Canxi trước giai đoạn hoá nhộng rất phong phú. Qua mẫu xét nghiệm, trong mẫu sâu Canxi dạng sấy khô có chứa 43 – 51% lượng protein, 15 – 18% chất béo, 2,8 – 6,2% canxi, 1 – 1,2% phốtpho.
Dám nghĩ dám làm
Từ những thông tin có được, Trường quyết định khởi nghiệp bằng việc vay mượn 20 triệu đồng mua con giống, dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi sâu Canxi. Đến nay, chàng thanh niên này đã có được trại nuôi sâu Canxi rộng 100m2, mỗi ngày xử lý ít nhất 1 tấn rác hữu cơ.
Hiện Trường đã sản xuất được các dòng sản phẩm như sâu Canxi tươi và phơi khô, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi. Trong khi đó, dịch của sâu Canxi được Trường dùng chung với men, enzyme để phân huỷ rác thành phân bón vi sinh, cung cấp cho dân sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Trường này còn sáng tạo, chế ra những sản phẩm tiện dụng như phơi khô, nghiền nát rồi ép ấu trùng thành dạng cám viên, cung cấp cho các trang trại nuôi lợn, gà và vựa buôn bán chim, cá cảnh.
Trường chia sẻ: “Hiện nay, việc nuôi sâu Canxi trở thành niềm đam mê, cùng với trùn quế. Tuy nhiên, hiệu quả từ sâu Canxi cao hơn nhiều lần so với trùn. Với quy mô hiện nay, mục tiêu hiện tại là giải quyết lượng rác thải tại hai xã Đại Thành và Tân Phú (Quốc Oai, Hà Nội), sau đó sẽ mở ra những địa phương khác. Sản phẩm từ sâu Canxi là hữu cơ hoàn toàn. Thành phân nguyên liệu chính là sâu Canxi, trộn thêm ngũ cốc, chất xơ từ phụ phẩm nông nghiệp nên có dinh dưỡng cao, vật nuôi có sức đề kháng tốt, cây trồng dễ hấp thu.
Trường cho biết thêm, các sản phẩm phân bón từ sâu Canxi còn giúp tăng thêm độ phì nhiêu, màu mỡ, độ tơi xốp cho đất, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi trong đất. Ngoài các loại thức ăn thừa, phế phẩm nông nghiệp, sâu Canxi còn xử lý được các loại rác bã chè, bã cà phê, bìa carton, lá cây, các loại hoa rụng…
Nói về kế hoạch của mình, Trường cho biết, việc kinh doanh mới bắt đầu nhưng đã có thị trường, đầu ra ổn định. Đến cuối năm 2018, trang trại dự kiến sẽ mở rộng lên thành 300m2 để tăng năng suất, giải quyết được vấn đề rác thải hữu cơ, nhất là lượng phế phẩm nông nghiệp tại hai chợ đầu mối nông sản ở địa phương. Bên cạnh đó, Trường sẽ thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín, tạo điều kiện để người dân, chủ các trại nuôi tham quan và cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Theo ban tổ chức tại cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 do trung tâm BSA tổ chức sắp tới, dự án sâu Canxi của Trường sẽ là một trong những ứng viên nặng ký cho ngôi vị quán quân.
bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGTT)