Đừng quên những người dễ bị quên!

911
Các chuyên gia của JICA (Nhật) đã kể những cách làm thiết thực nhằm “tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn”.

G.A.P. cơ bản sẽ không bỏ quên các tiểu nông trong bối cảnh “nông nghiệp 4.0”.

Trong diễn đàn An toàn thực phẩm do tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC, thành viên hoạt động độc lập của ngân hàng Thế giới) tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua tại TP.HCM, tôi đặc biệt ấn tượng với phần tham luận của chuyên gia Naomichi từ cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho chương trình “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn” ở các tỉnh phía Bắc.

Ấn tượng là vì họ làm với nông dân sản xuất nhỏ, nhóm dễ bị “quên” trong bối cảnh “nông nghiệp 4.0” đang dần trở thành xu thế thời đại như hiện nay. Tìm hiểu thêm về chương trình, tôi nhận thấy có hộ đất canh tác chưa đầy nửa công, những hộ sản xuất nhỏ được tổ chức theo từng hợp tác xã, lịch mùa vụ và chủng loại cây trồng khá rõ ràng.

Tiêu chuẩn áp dụng cho các hợp tác xã được chia thành hai cấp độ: VietG.A.P. và G.A.P. cơ bản, với mục tiêu đảm bảo rằng tất cả nông dân, bất kể quy mô nhỏ hay siêu nhỏ, ở các trình độ sản xuất khác nhau đều có thể tham gia sản xuất rau an toàn và được người tiêu dùng nhận biết. Mục tiêu này vừa hay trùng khớp với chương trình LocalG.A.P. của hội DN.HVNCLC đang thực hiện với GlobalG.A.P.

Anh Yamamoto Satoshi, cố vấn của chương trình, rất phấn khởi khi tôi chia sẻ công việc tương tự mà hội DN.HVNCLC đang chuẩn bị triển khai trong năm, anh cứ dặn đi dặn lại rằng khi nào ra Hà Nội, tôi nhất định phải gọi điện thoại để anh đưa tôi đi tham quan các hợp tác xã ngoài đó. Trong đầu tôi bất giác nghĩ, nếu mình tổ chức một buổi giao lưu cho những người sản xuất nhỏ ngoài đó với trong này thì sẽ như thế nào?

Bài tham luận ngày hôm đó kết thúc bằng một triển lãm nhỏ trưng bày tất cả sản phẩm của các hợp tác xã thuộc chương trình do đích thân ba chuyên gia JICA mang từ Hà Nội vào, phần rau thừa sau triển lãm được các anh cẩn thận xếp ngược lại vào hành lý mang về. Tôi cảm phục sự trân trọng của các anh dành cho sản phẩm, hay đúng hơn là dành cho những người nông dân đã cực khổ trồng ra chúng.Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trồng, có bao nhiêu người làm thương mại nông sản dành sự trân quý cho sản phẩm của họ như những người Nhật này?

Tôi đem việc này nói với anh bạn Hà Lan chuyên làm về các dự án nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên ở các nước đang phát triển, thế là tôi được kể cho nghe thêm một câu chuyện truyền cảm hứng khác từ một doanh nghiệp xã hội của phụ nữ có tên Aliet Green ở Indonesia. Ảnh nói doanh nghiệp này chuyên sản xuất đường dừa hữu cơ (cũng giống như đường thốt nốt xứ Campuchia) ở vùng Yogyakarta. Người sáng lập là phụ nữ, 70% nhân viên là phụ nữ và phần lớn trong số họ có hoàn cảnh khá đặc biệt: goá, mẹ đơn thân hoặc ly dị.

Mô hình kinh doanh của chị làm gia tăng giá trị sản phẩm truyền thống thông qua việc chuẩn hoá quy trình theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế đương đại, kết hợp với hài hoà phát triển cộng đồng cùng bảo tồn các giá trị văn hoá bản địa, bảo vệ môi trường và thương mại bình đẳng (Fair Trade).

Chuỗi đường dừa hữu cơ của chị được chứng nhận đầy đủ các tiêu chuẩn hữu cơ (Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ), tiêu chuẩn BRC cho nhà máy chế biến, tiêu chuẩn Fair Trade cho toàn chuỗi giá trị và cả tiêu chuẩn Kosher theo luật Do Thái.

Doanh nghiệp thành lập từ năm 2009, và đến nay vẫn đang tăng trưởng tốt. Người phụ nữ sáng lập vẫn tiếp tục sứ mệnh của chị là giúp đỡ và phát triển cộng đồng, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế, nhưng không ngừng nắm bắt thị trường.

Hai câu chuyện mà tôi chứng kiến và được nghe kể lại có một điểm chung là tạo thuận lợi cho hộ sản xuất nhỏ hoặc rất nhỏ được tham gia vào thị trường, được tìm thấy chỗ của họ trong ào ạt toàn cầu hoá và hiện đại hoá. Có yếu thế và bị bỏ lại phía sau hay không tuỳ thuộc vào việc họ sử dụng các quyền trợ giúp như thế nào, mức độ hiểu biết và cam kết tuân thủ luật chơi của thị trường đến đâu.

Kim Thanh