Tọa đàm: “Thực phẩm thay đổi sự sống & Gia vị cho y sinh” nằm trong khuôn khổ Lễ hội “Tinh hoa Gia vị Việt”, sẽ diễn ra tại TP.HCM từ 28/4 đến 1/5/2022, tại Toà nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Các gia vị như tỏi, hành, nghệ, tiêu, ớt, gừng … tất cả đều là các vị thuốc tự nhiên. Các loại rau thơm, rau húng, ngò gai… cũng vậy, đều có các tinh dầu, vừa làm tăng hương vị, vừa có tác dụng hóa giải các thành phần không tốt có trong các món ăn chế biến.
Các loại gia vị đều có dược tính tốt
Chia sẻ tại tọa đàm “Thực phẩm thay đổi sự sống & Gia vị cho y – sinh” sáng 26/4, PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM cho biết, kinh nghiệm trong cuộc sống dân gian hay lắm, chẳng hạn ăn hột vịt lộn phải ăn với rau răm, ăn thịt vịt thì chấm với mắm gừng… Đó là kinh nghiệm dân gian gọi là cân bằng âm dương, nhưng sau này tôi học thì mới thấy tất cả đều có cơ sở khoa học.
Theo PGS Bay, lâu nay khi nói đến Đông y thì người ta hay nói kinh nghiệm, nói đến Tây y thì nói về cơ sở khoa học, tuy nhiên, Đông y ngày nay cũng nghiên cứu cơ sở khoa học. “Chẳng hạn chúng tôi đã có nghiên cứu khoa học chuyên sâu về bài thuốc thanh nhiệt tỏa hỏa – “Hoàng liên giải độc thang”. Đông y và Tây y hiện nay hầu như không còn cách biệt nữa, và sự kết hợp Đông – Tây y là có cơ sở khoa học chứ không chỉ là lối nói tuyên truyền”.
Cũng theo PGS Bay, chúng ta cần biết, gia vị không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn nhưng mỗi gia vị còn có các dược tính rất tốt. Chẳng hạn, trong mùa dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta phải tích gừng thì đó rõ ràng là chúng ta đã hiểu rõ dược tính của gia vị gừng rồi đúng không? Khi chúng ta ho, ta cắt một lát gừng ngậm thôi, là đỡ rồi. Hay khi chúng ta bị trào ngược dạ dày thì gừng, mật ong có thể trị hữu hiệu. Hay khi chúng ta cần xông mà không có đồ xông thì chỉ cần cốc nước nóng và vài lát gừng là có thể xông được rồi.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM.

Bên cạnh đó, các gia vị khác, chúng ta có thường ngày như tỏi, hành, nghệ, tiêu, ớt… tất cả đều là các vị thuốc tự nhiên. Hay là các loại rau thơm, rau húng, ngò gai… cũng vậy, không chỉ kích thích vị giác các loại rau ăn kèm này còn có các tinh dầu làm tiêu mỡ xấu, chẳng hạn trong bát phở bò chúng ta thường ăn. Các gia vị từ rau đều có các tinh dầu vừa tăng hương vị đồng thời hóa giải các thành phần không tốt có trong thức ăn.
Chẳng hạn, như dịp Tết chúng ta có nồi thịt kho nước dừa, theo như phân tích thì có nhiều thành phần xấu quá… nhưng nếu làm theo đúng như cách chế biến của ông bà chúng ta thì cục thịt cuốn bằng hành lá, cột lại, rồi cho thêm các gia vị khác như gừng, hồi… thì cái nồi thịt kho nước dừa này không còn xấu nữa… vì ngoài ra chúng ta còn ăn với dưa giá, củ kiệu… nữa.
Đồng tình với PGS Bay, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit cho biết, trong các cây ở tự nhiên, những loại có tính cay, đắng, chua chát… hầu như đều có kháng sinh tự nhiên. Các loại gia vị, các loại cây rau mùi đều là các loại thuốc quý đến từ tự nhiên, nhưng cuộc sống hiện đại, ngày nay chúng ta đánh mất thói quen sử dụng nó, từ bữa ăn đến cách chế biến món ăn hàng ngày.
Bản thân công ty Vinamit, bằng phương pháp đông khô, sấy lạnh… hiện nay có thể giúp lưu trữ các đặc tính của gia vị một cách tốt nhất về mặt sinh học, đó cũng là cách mang các loại gia vị truyền thống, dễ dàng, tiện lợi đến với đời sống hiện đại. “Không thể nói giữ hoàn toàn 100% đặc tính sinh học của các loại rau, gia vị tươi sống nhưng 90% trên 90% là chắc chắn có” – ông Viên nói.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit.

Ăn đúng – sống khỏe, lắng nghe cơ thể
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit đã kể lại hành trình ăn đúng – sống khỏe của mình. “Tôi là người trải nghiệm bệnh tật đến điểm cuối cùng, và từ điểm cuối cùng đó cho đến điểm bắt đầu. Tôi hầu như trải nghiệm mọi phương pháp ăn uống thực dưỡng cho sức khỏe. Tôi đã từng ăn qua low carb và cuối cùng mình gục ngã, có nghĩa là phương pháp đó không phù hợp với mình. Sau đó mình đi ngược lại là  tăng carbonhydrate và đến nay mình khẳng định, chính nhờ trái cây và sau đó nhờ rau mà mình hồi phục được” – ông Viên nói.
Chia sẻ với quan điểm của ông Viên về dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng người, và quan tọng là phải biết lắng nghe cơ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM lưu ý chúng ta đừng quên chất đạm, chất mỡ, chất tinh bột… đều quan trọng vì nó tạo nên cấu trúc cơ thể của mình.
Ngoài ra, theo PGS Bay, những món ăn mà chúng ta ăn thường ngày đều là thuốc nếu chúng ta biết cách chế biến đúng cách, ăn đúng cách. Khi chúng ta hưởng thụ, nhai, ăn… giúp não chúng ta thư giãn và sản sinh ra các nội tiết tố hạnh phúc, giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.
“Chúng ta đừng nghĩ rằng gà hầm thuốc bắc… hay gì đó mới là thuốc. Bất cứ món ăn nào cũng có thể là bài thuốc, giả dụ món mồng tơi, rau dền nấu với tép, thực ra là món ăn có đủ màu sắc, đủ âm dương ngũ hành… đủ cân bằng chất xơ, đạm, tinh bột, chất béo (trong con tép)… Như vậy, chỉ một bát canh thôi đã có đầy đủ cân bằng dinh dưỡng thì đó là món ăn bài thuốc” – PGS Bay nói.

Ths Trần Lan Hương – Health Coach (chuyên gia dinh dưỡng).

Tuy nhiên, cách chế biến món ăn của chúng ta hiện nay đang có vấn đề, nhất là các cách chế biến để đáp ứng với nhịp sống hối hả hiện đại. Ths Trần Lan Hương – Health Coach (chuyên gia dinh dưỡng) lưu ý có những cách chế biến có thể làm tăng cường các chất gây viêm trong thức ăn như chiên, nướng ở nhiệt độ cao.
Giải thích cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho biết, những thức ăn chiên, nướng sẽ tạo thành mỡ xấu trước khi đi vào cơ thể của chúng ta. Không những thế, cách chế biến sai cũng có thể biến những thực phẩm tốt thành sản phẩm mất đi chất dinh dưỡng khi đi vào cơ thể. Chẳng hạn, khoai tây nếu hấp – luộc thì rất tốt cho cơ thể, nhưng khoai tây chiên thì lại thành xấu, lại có thể trở thành nguyên nhân gây tăng đường trong máu.
Thay đổi thói quen ăn uống, chế biến thức ăn cũng là trăn trở của ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit. Ông Viên nói: “Chúng ta làm sao đưa được những thực phẩm tốt vào bữa ăn các gia đình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể thay đổi những thói quen xấu trong việc ăn uống hay trong thói quen nấu nướng hàng ngày của chúng ta”. Theo ông Viên phải làm sao để truyền thông hiệu quả để làm sao chạm vào cộng đồng một cách thực tế hơn, đó là điều mà bản thân ông và đội ngũ kỹ sư trẻ của Vinamit đang cố gắng thực hiện.
Chiến lược 3Đ
Chia sẻ tại tọa đàm Ths Trần Lan Hương – Health Coach (chuyên gia dinh dưỡng) để thức ăn đi vào nuôi dưỡng cơ thể thì không chỉ ăn gì mà còn quan trọng là ăn như thế nào nữa. Khi cơ thể mình bị stress, căng thẳng các hóc môn tiết ra sẽ hạn chế tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Khi mình thở đúng thì sẽ giúp đưa vào lượng oxy rất lớn. Cách thở êm-chậm-sâu-đều của trường phái yoga hay bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm cho cơ thể chuyển từ trạng thái căng thẳng sang trạng thái nghỉ ngơi, tiêu hóa. Việc tập thở không chỉ giúp cho cơ thể tăng cường oxy, nạp năng lượng mà còn giúp cơ thể tăng cường tiêu hóa, thư giãn, chữa lành.
Cũng theo Ths Hương, đầu tiên chúng ta nên ăn nguyên vẹn, thuần tự nhiên, sau đó là sử dụng thức ăn đa dạng. “Tầng một là mình ăn cho khỏe, và tầng hai là ăn cho ngon miệng. Nhưng cẩn thận không chúng ta rơi vào bẫy “ăn cho ngon miệng” mà lại không khỏe” – Ths Hương cảnh báo.
Ths Trần Lan Hương nhấn mạnh thêm, ngoài các thức ăn vật chất thì còn có thức ăn tinh thần nữa. Khỏe là trạng thái lành mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội. Tập cho bộ não phiên dịch đúng các tín hiệu môi trường gửi về. “Chiến lược sống khỏe của tôi: ăn đúng – tập đủ – thiền đều” – Ths Hương chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ câu chuyện về xông thảo dược trong thời gian đại dịch Covid-19. PGS Bay cho biết, trong giai đoạn đại dịch Covid bà cùng các cộng sự có làm nhiều chương trình cho F0, F1. Vậy mà trong một hội thảo khoa học có vị lại phát biểu nói là đừng có xông vì xông sẽ góp phần đẩy con virus vào sâu trong cơ thể. Điều này hoàn toàn không đúng. Theo PGS Bay, xông giúp tăng cường hoạt động miễn dịch. Trong cơ thể mỗi chúng ta có hai cơ chế miễn dịch là miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đặc hiệu. Miễn dịch đặc hiệu đến từ văc-xin. Việc xông là giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Xông với lá xông giúp nở các lỗ chân lông, đẩy chất độc ra ngoài thông qua mồ hôi. Mục đích là làm cho cơ thể bài tiết chất độc nhiều hơn. Giống như ta thở qua mũi, miệng thì xông giúp ta thở qua da. Điều này đã có nghiên cứu khoa học chứng minh. “Việc xông cơ thể hay xông nhà cửa đều rất tốt” – PGS Bay nói.