Sản phẩm may mặc bằng vải denim, Jean nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã và đang có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam vươn đến nhiều thị trường xuất khẩu hơn.

Trong bối cảnh này, đã thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất vải denim (loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton) đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Theo thống kê, cùng với FTAs đa phương trong khối ASEAN, còn có FTAs song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU). Đặc biệt, hai FTAs thế hệ mới, gồm: hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14.1.2019 và dự kiến hiệp đinh Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2019.

Lao động và môi trường

Các chuyên gia nhấn mạnh, CPTPP có hai vấn đề mới mà doanh nghiệp cần chú ý, đó là lao động và môi trường. Trong khi FTAs truyền thống không nhắc đến những vấn đề này, mà chỉ thuần về thương mại. Cụ thể, ở lĩnh vực lao động, điểm đáng chú ý là đòi hỏi thành lập tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn với người chủ, để bảo vệ quyền lợi người lao động. Còn ở lĩnh vực môi trường, yêu cầu các nước thành viên thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Đình Trường, phó chủ tịch thường trực hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước xu thế toàn cầu ngày càng hướng đến tiêu chí phát triển bền vững, người tiêu dùng cũng dần quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hoá xanh. Các thành phần của sản phẩm, quy trình sản xuất v.v. của doanh nghiệp phải đáp ứng yếu tố thân thiện với môi trường, mới có thể chinh phục được người tiêu dùng toàn cầu. Chính vì vậy, việc sử dụng công nghệ xanh – sạch, năng lượng tái tạo… đang trở thành xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ và chuỗi cung ứng ngành dệt may. Doanh nghiệp dệt may phải thay đổi phương thức quản lý, nhất là nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội. Đồng thời, tuân thủ cam kết về môi trường trong FTAs thế hệ mới, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân trên toàn cầu.

Là một lĩnh vực trong ngành dệt may, hiện nay sản phẩm may mặc từ vải denim chiếm khoảng 80 tỷ USD trong ngành công nghiệp toàn cầu. Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất vải denim cũng đang thu hút nhà đầu tư ngoại và nội “đổ” vốn đầu tư. Nếu như chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu dệt và vải, thì lĩnh vực sản xuất vải denim đang làm chủ được nguồn nguyên liệu.

Đơn cử, tỷ lệ nội địa hoá và khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm quần jeans lên đến 55 – 60%. Ngoài ra, cả doanh nghiệp ngoại và nội hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải denim đều chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất. Riêng doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực tăng tỷ lệ sản xuất, đáp ứng đơn hàng và tham gia vào khâu thiết kế để giảm tỷ lệ gia công. Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy lĩnh vực sản xuất vải denim đã hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may Việt Nam, vì đã có thể cung ứng nội khối về vải, sợi… Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất vải denim có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu trong ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm sản xuất từ vải denim chỉ chiếm 10 – 20% trong cơ cấu chủng loại sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam, do tính chất khá chuyên biệt của nó.

Tiếp tục phấn đấu!

Trong thời gian qua, doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải denim nói riêng, đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn FTAs và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp đã có những bước chủ động hơn về đầu tư công nghệ, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, vừa đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTAs, vừa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, hoàn tất vải để cung ứng nội khối trong ngành.

Mặc dù vậy, liên quan đến vấn đề đảm bảo đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững đối với lĩnh vực sản xuất vải denim, ông Jordi Juani, giám đốc khu vực châu Á, công ty Jeanologia cho rằng, với hoạt động sản xuất vải denim, cũng như vải jean ở châu Á, trong đó có Việt Nam tiếp tục quy trình phát triển như hiện nay, thì đó sẽ là thảm hoạ đối với môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận những mô hình sản xuất mới và nâng cao nhận thức về tiêu chí phát triển bền vững của ngành.Song song đó, doanh nghiệp phải giải quyết những vấn đề nội tại của ngành, đồng thời học hỏi cách thức của những quốc gia đã chuyển đổi hoạt động sản xuất vải denim hiệu quả.

Các tiêu chí phát triển bền vững và hội nhập thị trường thương mại tự do, đòi hỏi cả doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý phải nhanh nhạy nắm bắt kịp thời những xu hướng về bán lẻ hiện đại, thị hiếu tiêu dùng của người dân toàn cầu… đang hướng đến chủng loại sản phẩm như thế nào.

Hiện ngành dệt may Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động và sử dụng khoảng 2,8 triệu lao động. Ngành dệt may Việt Nam đang thuộc top 2 các ngành xuất khẩu trong nước và top 3 những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2018 đạt 36,2 tỷ USD và kế hoạch của năm 2019 dự kiến là 40 tỷ USD.

bài và ảnh M. Phương (theo TGHN)