Ngành lương thực Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều biến động, trong đó riêng ngành gạo có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Hoạt động thương mại gạo đang diễn biến theo một xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi và thay vào đó lá các hợp đồng thương mại, xu hướng đấu thầu quốc tế được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn. Xuất khẩu gạo chuyển từ khối lượng lượng sang chất lượng.
Nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện tình hình thị trường, những thuận lợi cũng như khó khăn và thách thức về sản xuất và thương mại lúa gạo trong giai đoạn mới, xây dựng chiến lược và định hướng phát triển bền vững, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới” vào chiều 2/11 tại Cần Thơ.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, Sở Công Thương, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các viện, các chuyên gia hàng đầu của ngành lương thực cùng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Ông Chử Văn Lâm (Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam): Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đối mặt cạnh tranh khốc liệt hơn
Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầy tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
Ngoài ra, một số cơ chế chính sách khác cũng như đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất là hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ông Võ Thành Thống (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ): Cần Thơ tập trung vào các giống lúa chất lượng cao
Với tiềm lực phát triển hiện có, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, Cần Thơ đang nỗ lực hướng tâm phát triển trở thành đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao.
Hiện nay, lúa là cây trồng có lợi thế ở Cần Thơ và được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng.
Thành phố đang tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất lúa là 81.688 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa, cần được bảo vệ nghiêm ngặt là 76.230 ha; mở rộng diện tích lúa liên kết theo cánh đồng lớn đạt bình quân 40.000 ha/vụ.
Người nông dân tham gia cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, góp phần tăng thêm lợi nhuận. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu là đưa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt lên trên 95% vào năm 2020. Trồng lúa theo mô hình này giúp bảo vệ môi trường giúp bảo vệ khí hậu.
Ông Nguyễn Ngọc Hè (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ): Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Cần Thơ chưa nhiều
Cần Thơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 114.642 ha, trong đó diện tích canh tác lúa khoảng 88.000 ha (chiếm trên 77%). Nông dân thành phố sản xuất cung cấp sản lượng gần 1,4 triệu tấn/năm. Trong đó, trên 75% lúa chất lượng cao và lúa thơm đặc sản.
Với vai trò là trung tâm động lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp Cần Thơ quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác cung ứng giống. Sản xuất lúa giống đã trở thành lợi thế của thành phố. Trên địa bàn thành phố hiện có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm.
Với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được xem là khâu then chốt góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.
Thành phố đã xây dựng được 93 cánh đồng lớn có 16.500 hộ nông dân tham gia. Dù vậy, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến giá cả bấp bên, sự liên kết còn kém, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều…
Ông Đỗ Hà Nam (Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex): Liên kết để cạnh tranh
Hiện trong 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ có 40% doanh nghiệp có lượng xuất khẩu sản lượng lớn.
Khi ban hành Nghị định 107 thì các doanh nghiệp có cơ hội tham gia nhiều hơn vào ngành gạo, không còn riêng các doanh nghiệp chỉ kinh doanh gạo mà sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tham gia. Nhưng khi có nhiều doanh nghiệp thì sẽ cạnh tranh.
Dù khi đó, sẽ không tránh có doanh nghiệp sẽ bỏ giá thấp.
Năm ngoái, khi đấu thầu gói hợp đồng gạo của Chính phủ Philippines, nhờ sự liên kết của các doanh nghiệp Việt mà đã đạt được kết quả khả quan. Điều này cho thấy tính quan trọng của sự liên kết.
Trước đây, các doanh nghiệp phải đăng ký định mức với Hiệp hội, cách này cũng có hướng tốt là Hiệp hội nắm được giá cả, thị trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp, nhưng việc đưa ra mức giá sàn cũng làm doanh nghiệp khó khăn.
Giờ đây, thực hiện theo Nghị định 107 thì các doanh nghiệp phải chủ động hơn, bởi tính cạnh tranh đã tăng cao. Các doanh nghiệp phải có năng lực và khả năng đàm phán như vậy mới đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Ông Trần Thanh Hải (Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đang làm việc với phía Trung Quốc về xuất khẩu gạo
Năm 2018 là dấu mốc đáng kể với ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt nam, với kim ngạch gia tăng đến 20%. Tăng cả kim ngạch và sản lượng.
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên thực hiện 942 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu lúa gạo; đặc biệt có sự đột phá về cơ chế khi cho ra đời Nghị định có 107 thay thế Nghị định 109 đáp ứng phần nào về các kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời cơ chế xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Hiện các thị trường có xu hướng bảo hộ rõ rệt trong ngành thương mại. Với mặt hàng gạo, bên cạnh thuế quan thì các thị trường còn dựng lên các hàng rào về an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi thị trường tự đưa ra tiêu chí riêng.
Như trong hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc đã đưa thuế suất mặt hàng gạo nến xuống thấp, nhưng Trung Quốc lại tìm cách đưa thuế lên cao hơn. Hiện, Bộ Công Thương đang làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo tuân thủ các thuế suất theo hiện định thương mại.
Trong các hiệp định thương mại tự do đã ký thì gạo là một trong những mặt hàng được các bên đàm phán quan tâm. Độ mở thị trường mặt hàng gạo còn khá khiêm tốn. Dù, Việt Nam đạt được những dòng thuế khả quan, nhưng tuỳ thị trường mà có những quy định riêng. Như với thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu mặt hàng gạo xuất khẩu phải theo hạn ngạch. Các thị trường khác có những tiêu chuẩn riêng yêu cầu mặt hàng gạo tuân thủ.
Vậy nên, để đáp ứng các quy định của các nước thì không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải đáp ứng các năng lực về sản xuất, xay sát, đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo.
Ông Vivek Sharma (Phó chủ tịch phụ trách thị trường Đông Nam Á, Tập đoàn Phoenix Global): Giá gạo của Việt Nam đang ở mức khá cao
Thái Lan và Pakistan đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch nhưng sẽ không tác động mấy đến gạo Việt Nam.
Nếu so sánh, giá gạo của Việt Nam đang ở mức khá cao, chỉ đứng sau Mỹ. Do vậy, giá gạo Việt Nam đang gây khó khăn cho các nguồn cung khác trên thế giới. hiện tại, nhu cầu của các thị trường truyền thống của Việt Nam là sản phẩm gạo trắng rất lớn. Hy vọng ở mùa vụ sau, nguồn cung gạo trắng của Việt Nam sẽ tăng lên.
Một điều cần chú ý là, hiện giống gạo Hamonika đang được giá nên người dân đang trồng nhiều nhưng nhu cầu loại gạo này không nhiều nên có thể sẽ ảnh hưởng đến giá gạo Việt Nam. Cần có hướng điều chỉnh.
Ngoài ra, châu Âu là thị trường mà gạo Việt Nam chưa thâm nhập được nhiều, tới đây hy vọng gạo Việt Nam sẽ thâm nhập thị trường này tốt hơn.
Nông dân chưa tiếp cận được nhiều biện pháp hướng dẫn: Ông Weraphon Charoenpanit (Tổng giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam)
Syngenta hàng năm đầu tư nhiều vào việc giúp người nông dân nâng cao canh tác, tăng năng suất và chất lượng gạo. Theo đó, chúng tôi giúp người nông sử dụng thuốc và canh tác hiệu nghiệm. Có chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn người nông dân sử dụng các bộ sản phẩm an toàn nhất. Như sử dụng đúng thời điểm, liều lượng.
Chúng tôi quan tâm đến việc làm sao nâng cao năng suất lúa, vẫn bảo vệ được môi trường và sức khoẻ người sản xuất.
Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam là quy mô nhỏ, nên công ty như chúng tôi phải tiếp cận đến nhiều điểm hơn để hướng dẫn cách làm của nông dân.
Ở nhiều nước, như Thái Lan, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các công ty thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải thực hiện phổ biến cho người nông dân.
Ở Việt Nam vì sao còn nhiều sản phẩm gạo chưa đạt chất lượng là do người nông dân chưa tiếp cận được nhiều biện pháp hướng dẫn.
Theo VnEconomy