Giá các loại thực phẩm tăng sẽ khiến các gia đình có thu nhập thấp và các nước nghèo hơn dễ bị tổn thương. Ảnh: Reuters
Giá lương thực thế giới tiếp tục tăng trong tháng 10 và đây là đà tăng liên tiếp trong ba tháng liền, đạt mức cao nhất trong thập niên qua, chủ yếu do giá ngũ cốc và giá dầu thực vật tăng.
Trong báo cáo hôm 4-11, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới của FAO – theo dõi giá quốc tế của hầu hết các mặt hàng lương thực giao dịch toàn cầu, đạt trung bình 133,2 điểm trong tháng 10, so với 129,2 điểm trong tháng 9. Đây là mức cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 7-2011. Còn tính theo năm, chỉ số này đã tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, trong tháng 10, chỉ số giá ngũ cốc tăng 3,2% so với tháng trước, chủ yếu do giá lúa mì tăng 5%, duy trì đà tăng trong tháng thứ năm liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11-2012.
Chỉ số giá thực phẩm FAO trong 60 năm qua (1961-2021). Giá lương thực thế giới trong tháng 10-2021 đạt đỉnh kỷ lục từ năm 2011 đến nay và gần vươn tới cuộc khủng hoảng giá lương thực những năm đầu thập niên 1970. Nguồn: FAO
Trong năm qua, giá nông sản đã tăng mạnh do mất mùa và nhu cầu tăng cao. FAO cho biết, tình trạng khan hiếm nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới bắt nguồn từ việc giảm sản lượng thu hoạch ở các nước xuất khẩu lớn, đặc biệt là tại Canada, Nga và Mỹ. Tình trạng này tiếp tục gây áp lực tăng lên giá lúa mì.
FAO cũng cắt giảm dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021 xuống còn 2.793 triệu tấn, so với ước tính 2.800 triệu tấn hồi tháng trước. Điều này phản ánh ước tính sản lượng lúa mì giảm ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, bù đắp cho dự báo tăng sản lượng ngũ cốc thô.
FAO cũng cho biết, sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ vẫn đạt mức cao kỷ lục, nhưng sẽ kéo theo nhu cầu giảm, dẫn đến dự trữ ngũ cốc cũng được dự báo sẽ giảm.
Trong khi đó, giá dầu thực vật thế giới tăng 9,6% trong tháng 10, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chính là bởi giá dầu cọ tiếp tục tăng trong tháng thứ tư liên tiếp do tình trạng thiếu lao động ở Malaysia, gây cản trở quá trình sản xuất của ngành này.
Chỉ số giá sữa tăng 2,6 điểm so với tháng 9 do nhu cầu nhập khẩu bơ, sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem tăng trên toàn thế giới. Giá pho mát vẫn giữ ở mức ổn định do nguồn cung từ các nước sản xuất lớn đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu toàn cầu.
Ngược lại, giá đường thế giới giảm 1,8% trong tháng 10, chấm dứt chuỗi sáu tháng tăng giá liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan ước tính vẫn ở mức cao, kèm với đó là đồng real của Brazil suy yếu so với đồng USD.
Chỉ số giá thịt cũng giảm 0,7% so với tháng 9, đánh dấu đợt giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Mức tiêu thụ thịt heo và bò giảm khi Trung Quốc giảm nhập thịt heo và nguồn cung thịt bò từ Brazil cũng giảm mạnh. Trái lại, giá thịt gia cầm và thịt cừu tăng do nhu cầu thế giới cao trong khi triển vọng mở rộng sản xuất thấp.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng trong nước đồng loạt giảm trong phiên sáng 4-11 theo những đợt giảm sâu trên thị trường thế giới. Giá vàng miếng SJC tại thị trường TP.HCM giảm 100.000 đồng hai chiều về 57,90-58,60 triệu đồng/lượng. Đây là đỉnh cao giá trong của vàng SJC trong một năm qua. Một số chuyên gia trong nước dự báo giá vàng có thể đỉnh 62 triệu đồng/lượng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, đêm 3-11 giá vàng thế giới đột ngột giảm mạnh hơn 20 USD/ounce xuống mức thấp nhất trong ba tuần. Trong tối 3-11, giá vàng thế giới giảm 23,80 USD (1,33%) xuống còn 1.764,90 USD/ounce. Mức giá thấp nhất tính đến thời điểm này dưới 1.760 USD là 1.758,50 USD/ounce. Nhưng đến sáng 4-11, giá vàng thế giới tại châu Á tăng 6,80 USD (0,38%) lên 1.777,10 USD/ounce.
Giá vàng thế giới giảm mạnh sau khi Mỹ công bố những số liệu đáng hích lệ của nền kinh tế. Chỉ số PMI trong dịch vụ của tháng 10 tăng 66,7%, cao hơn mức tăng 61,9% của tháng 9 và cao hơn dự đoán của giới phân tích, vượt quá đỉnh cao lịch sử 64,1% hồi tháng 7. Các nhà phân tích kỳ vọng Fed sẽ công bố thời gian giảm dần chương trình mua trái phiếu hàng tháng, mức giảm có thể là 15 tỷ đô la Mỹ mỗi tháng. Giới phân tích cũng dự kiến ​​sẽ không có thay đổi về lãi suất đồng USD, nhưng những người theo dõi thị trường đang tìm manh mối về thời điểm tăng lãi suất trong tương lai.
2/ Giai đoạn 2010-2019, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đã tăng gần 10 lần, từ 69 (2010) lên 777 (2019). Đặc biệt, mảng năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo đang ngày một sôi động. Mới đây nhất, Tập đoàn Orsted của Đan Mạch đề xuất khảo sát thực hiện dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi Hải Phòng với tổng công suất dự kiến 3.900 MW, tổng mức đầu tư 13,6 tỉ USD.
Tuy nhiên, việc mua bán điện vẫn phụ thuộc nhiều vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN với tổng công suất hơn 7.400 MW, song chỉ có 106 dự án đăng ký vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo quyết định 39 (hết hiệu lực sau ngày 31-10).
Như vậy, chỉ còn hơn 48 giờ để các dự án còn lại nỗ lực vận hành thương mại nhằm kịp hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, nếu không kịp vận hành trước thời điểm hết hạn chính sách, các dự án sẽ rơi vào thời điểm “trống” chính sách và buộc phải chờ Chính phủ ban hành cách áp dụng giá mới.
3/ Thu hoạch vụ đầu, năng suất lúa của An Giang đạt năng suất 5,25 tấn/ha. Tuy nhiên, ước tính năng suất bình quân cả vụ đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng gần 1 triệu tấn lúa, nếp. Trong đó, hiện có 7 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với diện tích 15.880ha, phần lớn diện tích còn lại cần hỗ trợ tiêu thụ. Đối với cây ăn trái, thời gian thu hoạch rộ từ tháng 9 đến 12-2021, chủ yếu là xoài với 76.000 tấn, chuối 4.000 tấn, cam và quýt trên 2.000 tấn. Trong đó, tổng sản lượng xoài được liên kết tiêu thụ 10.335 tấn, chiếm 12,26% sản lượng xoài. Ngoài ra, Hợp tác xã GAP cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) đã ký kết tiêu thụ xoài cóc bao trái với Công ty Chú Chín (giá cố định 12.000 đồng/kg, hiện đang tiến hành thu mua); ký ghi nhớ với Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi (liên kết 5ha). Với hơn 70.000 tấn trái cây còn lại (chủ yếu là xoài), nông dân cần liên kết tiêu thụ nhằm tránh rớt giá.
4/ Theo nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” do Facebook và Bain & Co thực hiện, kể từ khi bắt đầu đại dịch, khoảng 70 triệu người Đông Nam Á trên 15 tuổi đã trở thành người tiêu dùng số, ước tính đến hết năm 2021, số lượng người tiêu dùng số của khu vực sẽ đạt 350 triệu. Tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng Việt Nam đều được tiếp cận kỹ thuật số và Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (eCommerce GMV) ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.
5/ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã kết luận rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam không bán phá giá ống đồng (do biên độ không đáng kể) và đề nghị chấm dứt điều tra. Ở giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng phụ trách Công nghiệp, Năng lượng và Giảm phát thải sẽ quyết định về việc áp thuế hoặc không áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ống đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của ADC. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng bị điều tra từ Việt Nam sang Australia đạt xấp xỉ 19,6 triệu USD. Đầu tháng 8, ADC cũng đã chính thức chấm dứt điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam và Đài Loan.
6/ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 sau khi Australia và New Zealand phê chuẩn hiệp định hôm 2-11. Gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, RCEP sẽ tạo ra động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, thúc đẩy tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ðược ký kết vào tháng 11-2020, RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu, tương đương khoảng 2,2 tỉ người. RCEP sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, đồng thời tiêu chuẩn hóa các quy định về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.
7/ Trong khuôn khổ hội nghị COP26 tại Glasgow ở Scotland, khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm hoạt động. Nhóm này sẽ đầu tư đến 130.000 tỷ USD, tương đương 40%, trong nỗ lực giảm khí phát thải bằng không. Riêng số tiền ước tính được đầu tư trong ba thập niên tới là khoảng 100.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nước vẫn chưa thể tìm ra cách thức cụ thể để hoàn thiện những cam kết này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó điều quan trọng nhất là các kế hoạch sẽ cần đến nguồn hỗ trợ tài chính lớn để hoàn thiện.
8/ Sau khi tuyên bố từ chức CEO vào tháng 5 vừa rồi để đọc sách và “ngủ ngày”, nhà sáng lập Zhang Yiming của ByteDance – công ty mẹ của Tiktok – sẽ rời ghế Chủ tịch tập đoàn. Đây là một động thái không quá ngạc nhiên trước áp lực dồn dập của chính quyền Bắc Kinh nhằm điều chỉnh nhiều ngành nghề, đặc biệt mảng công nghệ. Một số trường hợp tiêu biểu là Cheng Wei của Didi (tương tự Uber tại China), hoặc Jack Ma (Alibaba & Ant Group). Hiện không ai rõ về quyền biểu quyết hơn 50% của ông Zhang tại ByteDance.
9/ Các nhà đầu tư đã thoái vốn số tiền lên đến 6,05 tỷ USD trong tháng 10 trên các sàn giao dịch châu Á. Chủ yếu là 3,23 tỷ USD của Hàn Quốc và 2,05 tỷ USD của Đài Loan. Ngoài ra, các sàn chứng khoán Việt Nam, Philippines, Indoneisa và Ấn Độ cũng bốc hơi. Riêng tại Việt Nam, con số này là 373 triệu USD. Không chỉ e ngại trước khả năng lãi suất trần được nâng lên bởi các ngân hàng trung ương vào cuối năm, mà tình trạng kinh tế èo uột tại Trung Quốc – từ khủng hoảng tại thị trường bất động sản (quả bom nợ Evergrande), vật liệu và chi phí sản xuất tăng, năng suất giảm do cơn khát năng lượng, thiên tai, khan hiếm thực phẩm… Ngược lại, hai thị trường chứng khoán Đông Nam Á lại tăng ấn tượng: Indonesia tăng 928 triệu USD, Thái Lan thêm 471 triệu USD.
10/ Các chuyên gia tài chính từ J.P Morgan hoặc Oliver Wyman đã nhận định rằng hệ thống tiền điện tử đa quốc gia sẽ giúp châu Á tiết kiệm gần 100 tỷ USD, cũng như nhiều lợi ích khác. Trong đó, Trung Quốc là nước dẫn đầu trong cuộc đua này. Với hơn 140 triệu người, bao gồm các công ty đã mở ví điện tử e-CNY để nhận đồng tiền nhân dân tệ số và giao dịch hơn 62 tỷ tệ, khoảng 9,7 tỷ USD. Tuy chưa có ngày áp dụng chính thức, cơ chế một ví e-CNY cho phép lượng giao dịch tối đã mỗi năm là 50.000 tệ (7.800 USD), và chỉ cần mở tài khoản bằng số điện thoại. Để nâng hạn mức giao dịch lên không giới hạn, khách hàng chỉ cần đến quầy giao dịch ngân hàng để xác minh thông tin cá nhân.
Ricky Hồ / BSA
https://bsaonline.vn/apple-uu-tien-san-xuat-iphone-13-cat-giam-50-san-luong-ipad/