Sẽ không công bằng nếu giải cứu khoai lang, hành tím mà không ai quan tâm tới mít, xoài, cam, ổi, mía, cá tra… Hơn nữa, cứu đuối sao cho không bị đuối nước cũng là chuyện đau đầu khi mọi người lặn hụp trong làn sóng đại dịch.

Chỉ những doanh nghiệp nhỏ tham gia

Nối từ bờ sông Hậu đến sông Tiền, vùng chuyên canh khoai lang tím Nhật ở Bình Tân có vẻ đã vượt xa con số 11.000 – 12.000 ha. Anh Nguyễn Thanh Việt, công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc, thú thiệt chỉ tham gia “giải cứu được một mớ”. Câu này hàm ý không nhiều lắm so với các cánh đồng khoai lang trùng điệp ở Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Khoai được giải cứu, biến thành đủ loại bánh, rót cho nhà phân phối ở TP.HCM và các tỉnh ngoài khu vực đồng bằng. Đoạn đường quốc lộ xuyên qua Tiền Giang rất dài – hiện nay chỉ dựa vào mạng lưới phát hàng của bưu điện. Công ty Nhật Ngọc dùng mạng lưới này để khuyến mãi “mua 2 tặng 1”, làm sao kiểm soát chi phí chứ không mong có lời.

Chỉ việc mua hàng thì quá dễ. Nhưng giải cứu mà để người nông dân hiểu được mối nguy từ đâu, làm sao tránh để sau này không phải giải cứu nữa, thực ra đó là chuyện khó. Vị giám đốc Nhật Ngọc nói có ba vấn đề đặt ra từ cuộc giải cứu này. Một là, nhà nước nên kêu gọi các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long làm ra các sản phẩm từ khoai lang. Hai là, liên kết với doanh nghiệp chế biến ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho khoai lang. Ba là, tạo ra chuỗi giá trị từ khoai lang để người trồng khoai, người tiêu dùng gắn kết nhiều hơn.

Nói vậy chứ liệu nhà đầu tư “xe tăng” xuất hiện, làm nhà máy hiện đại tại Vĩnh Long thì Nhật Ngọc có vui không? Hiện nay, Công ty Nhật Ngọc  liên kết với công ty TNHH MTV khoai lang Bình Tân – vốn là nhà vựa khoai có vai trò xã hội là hợp tác xã. Nâng cấp vựa khoai, đổi mới mô hình quản trị, kèm cặp kinh doanh và vận hành như doanh nghiệp… Cả hai đều có quy mô nhỏ, tự “biết thân” nên chọn khoai “dạt” (không đạt kích cỡ xuất khẩu) làm nguyên liệu chế biến, tránh đối đầu với các công ty xuất khẩu hạng nặng, nếu có.

Liên doanh Nhật Ngọc – Khoai Bình Tân làm bánh phồng, bánh quy, bánh mì khoai lang tiêu thụ khá tốt. Qua cơn đại dịch, liên doanh sẽ làm hủ tíu, miến khoai lang, nui, sản phẩm giàu dinh dưỡng để đa dạng hóa sản phẩm, nhắm tới những thị trường ngách… vì đã trải qua giai đoạn làm thử theo đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về thực nghiệm sản xuất từ khoai lang. Tương lai sẽ đầu tư thêm công nghệ phù hợp, hiệu quả nhưng sẽ chọn máy móc thiết bị vừa sức, ra được sản phẩm và quảng bá từ từ.

Bây giờ chỉ có thể gởi qua bưu điện. Một vài chành hoạt động như Tô Châu, nhưng thời gian giao – nhận lâu và  không giao tận nơi. Chị Nguyễn Kim Ngọc, vựa trái cây Kim Ngọc ở Ba Láng, Cần Thơ, xem đó là cách “ vớt vát” thực trạng đứt đường vận chuyển khi các xe khách đã ngưng chạy qua tuyến Tiền Giang – TP.HCM  từ ngày 10.6 chứ không phải tới khi Tiền Giang giãn cách xã hội.

Canh cánh “đầu ra”

Ông Nguyễn Văn Lựu, phó giám đốc Bưu điện TP Cần Thơ cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng bưu phẩm, bưu kiện đã tăng từ 5 – 10%, hàng giao dịch theo sàn thương mại điện tử tăng từ 15 – 20%  và sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 6. Bưu điện Cần Thơ có sẵn các phương án vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện thuộc diện hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm, thiết bị vật tư đến vùng dịch, khuyến khích khách hàng sử dụng App My Vietnam Post… và tăng cường nhân lực phục vụ nhu cầu giao dịch trên sàn thương mại điện tử postmart.vn, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang và các loại nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP.

Chị Nguyễn Thị Ái, bán trái cây trên quốc lộ 61C (ngang qua ấp Nhơn Hưng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ) nói mối lái từng mua lê ki ma, sầu riêng để đi Trung Quốc năm nay lặn đâu mất tiêu, không thấy bóng dáng. Ngồi cả ngày chỉ có một, hai chiếc xe hơi ghé lại mua trái cây.

Chị bán sầu riêng giá 65.000 – 70.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 35.000 đồng/kg, chôm chôm Java 25.000 – 30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 25.000 đồng/kg, xoài cát chu 20.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 5.000 đồng/kg, ổi 7.000 đồng/kg, dâu 10.000 – 15.000 đồng/kg, cam sành 15.000 – 20.000 đồng/kg…

Vô mùa thu hoạch rộ hôm trước, thì hôm sau giá giảm từ 5.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Tới nay chỉ có “trái cây vua” sầu riêng giữ được giá 50.000 – 60.000 đ/kg. Hầu hết các loại còn lại đều giảm. Mùa nhãn sắp tới, đụng với vải từ ngoài Bắc vào, chắc kẻ bươu đầu, người mẻ trán.

Giá quá rẻ vì không chở đi đâu được nữa. Bà Chín Đẹp (Nguyễn Thị Đẹp), ở Phong Điền, nói các nhà vườn có diện tích lớn thà chịu giá thấp chút đỉnh miễn sao có người cân xô, tới chở đi. Còn những hộ có diện tích 1 – 2 công rất khó kiếm người mua. Họ bưng đi bán dạo trong quê hoặc đem lên chợ xã, chợ ấp ngồi bán để kiếm tiền đi chợ, mua đồ ăn lặt vặt trong gia đình.

Muốn đem ra ngoài Ninh Kiều nhưng sợ bị đụng hàng. Có người đem cho bà con, nhận lại món khác, trao đổi với nhau để đỡ tốn tiền đi chợ. Lưu thông hàng hóa giản đơn  vậy mà nó có cái tình.

“Thu nhập giảm hơn phân nửa so với trước khi có đợt dịch này”, chị Út Xuyên (Nguyễn Thị Mỹ Xuyên), bán trái cây ở gần điểm du lịch Lung Tràm, ven đường Cần Thơ – Vị Thanh  nói. Đó là nhờ chị đã chuyển qua “dịch vụ” bán nước ép trái cây, nước mía. Quá hay, chị đã tìm ra được cách tận dụng trái cây hợp lý. Mỗi ngày nhà chị vẫn uống nước trái cây? Chị Út Xuyến ngập ngừng rồi nói: “Ép  trái cây để bán chứ uống thì hết vốn rồi sao?”

Rất nhiều người ở vùng cây trái sum suê này, kể cả người thành thị chưa có thói quen uống nước ép trái cây mỗi ngày. Tới khi vào nhà máy ở Trà Nóc thì nước ổi, nước khóm, nước mảng cầu – cái giá nó có cánh bay lên cao.

Đợi chờ thương lái

Chị Bùi Thị Thanh Thủy, giám đốc HTX đặc sản Đồng Tháp, cho biết sau 10 ngày giải cứu, giá khoai cũng lên rồi. Hợp tác xã tiêu thụ được cho nông dân hơn 140 tấn khoai lang tím. Câu chuyện giải cứu mà làm hoài sẽ không hiệu nghiệm, về lâu dài phải nghĩ tới chuyện chế biến sâu hơn để ổn định đầu ra cho bà con. Làm bột, làm bánh, làm nước uống dinh dưỡng…  Bản thân chị Thủy móc ráp đối tác ở Hàn Quốc, gởi mẫu cho họ xem thử và họ đã đồng ý mua dây khoai lang làm kim chi – giá 10.000 đồng/kg dây  khoai, cao hơn nhiều so với giá bán củ.

Khoai ở huyện Tân Bình thuộc Vĩnh Long, ở huyện Châu Thành của Đồng Tháp rất nhiều. Cuộc giải cứu ở Châu Thành đã gỡ hơn đến 8.000 tấn khoai lang tím ùn ứ tại địa phương. Nhiều thương lái bắt đầu trở lại địa phương mua khoai lang với mức giá dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/tạ (60kg), thay vì 40 – 50.000 đồng/tạ so với cách đây một tuần.

Trong khi đó, giá mít Thái ở Cần Thơ chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng lái không chịu mua. Anh Nguyễn Phước Hậu, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền trồng 250 gốc mít Thái và khoảng 100 gốc mít ruột đỏ, không ai mua mít Thái nhưng mít ruột đỏ vẫn bán được. Ngược với người trồng sầu riêng, những hộ quy mô nhỏ (cỡ 1 – 2 công đất) dễ đầu tư hơn so với trồng sầu riêng. Chi phí đầu tư cho sầu riêng từ giống, làm hệ thống tưới, ra bông tốn hơn 800 triệu đồng; trong khi mít chỉ tốn phân nửa.

Nguyễn Hoàng Khang, du học sinh từ Canada trở về, sáng lập viên nhóm Start up tại Vĩnh Long nói: Khi Trung Quốc không mua dứa thì người dân Đài Loan cho thấy cách họ yêu nông sản của người dân làm ra, không chỉ vì tính thương mại mà là tinh thần chung lưng đấu cật khi nguy khốn. Còn nhà chức trách thì hành động nhanh nhạy, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, làm ra sản phẩm, làm marketing, branding chỉn chu để bán sang Nhật Bản, Singapore và những thị trường mới.

Việt Nam có thế hệ millennial (sinh từ 1981-1996) và gen Z (1997-2010) rất thích sử dụng sản phẩm mới, đặc biệt là ủng hộ hàng Việt. Nhưng mấy ai tìm hiểu nhu cầu của họ, nghĩ cách tiếp cận thị trường, thăm dò xu hướng hay phân tích dữ liệu từ Google trend, Google analytic…

Nhìn lại các cuộc giải cứu năm nay, năm trước và  năm trước nữa… có gì khác?

Có vẻ như sự cố rất giống nhau ở nhiều ngành hàng, lặp lại năm này qua năm khác nên cách giải cứu không cần khác biệt!  

Hoàng Lan – Ngọc Bích (Theo TGHN)

Gojek tặng các chuyến xe miễn phí cho người dùng Thành phố Hồ Chí Minh để di chuyển đến và từ các điểm tiêm vaccine COVID-19, từ 19 đến 25/6