Nhận định về chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham cho rằng, bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn những căng thẳng sẽ biến mất.
“Trong khi một số người được hưởng lợi, rất nhiều người khác bị thiệt hại. Chiến tranh thương mại làm tổn thương nền kinh tế, tổn thương nhu cầu tiêu dùng và gây ra hàng loạt vấn đề khác”.
“Tất cả mọi người đều tò mò khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngồi lại với nhau trong bữa tối và sau đó, một thỏa thuận đã được thiết lập để tránh làm cho căng thẳng thương mại trở nên tồi tệ hơn”, ông cho biết.
Đầu tháng này, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, hai người đứng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” chiến tranh thương mại, dừng leo thang những căng thẳng thời gian gần đây.
Theo đó, phía Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc thay vì nâng lên mức 25% vào 1/1/2019 như kế hoạch trước đó.
Đổi lại, Bắc Kinh sẽ phải đàm phán về các hoạt động thương mại liên quan đến tài sản trí tuệ, hàng rào phi thuế quan hay tấn công mạng. Bên cạnh đó, nền kinh tế này cũng sẽ mua hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp từ Mỹ để giảm thặng dư với Mỹ.
Sau 90 ngày, nếu Trung Quốc không cho thấy sự tiến bộ, Washington sẽ nâng thuế lên mức 25%.
“Mặc dù thỏa thuận chỉ kéo dài 90 ngày, tôi hy vọng cả hai bên có thể cùng nhau xây dựng và phát triển”, ông Adam Sitkoff chia sẻ.
“Khi có căng thẳng thương mại, mọi người nên nhận ra rằng đây là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam bởi cả thế giới có thể thấy sự dịch chuyển về nhà máy sản xuất cũng như chuỗi cung ứng. Sự dịch chuyển này đã diễn ra rõ nét khi Trung Quốc tham gia vào WTO”.
Theo ông, các doanh nghiệp có thể dịch chuyển sự sản xuất sang một nơi khác và nơi đó có thể là Mexico, Thái Lan, Philippines hay Việt Nam.
“Rất nhiều doanh nghiệp đến với AmCham, cho biết đang nhìn tới Việt Nam, nhìn vào các cơ sở nhà máy cũng như khu công nghiệp, cố gắng đa dạng hóa địa điểm ngoài Trung Quốc”.
“Tôi rất muốn nhìn thấy càng nhiều doanh nghiệp tới Việt Nam càng tốt nhưng điều này cũng đòi hỏi một số vấn đề như sự tham gia của Chính phủ vào hệ thống chính sách ổn định. Bên cạnh đó, cần có một số thay đổi liên quan đến chính sách thuế, kiểm toán, những vấn đề đang làm khó không ít người tới đây kinh doanh”, vị giám đốc điều hành AmCham chỉ rõ.
Trước đó, trình bày tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF), Chủ tịch AmCham Michael Kelly cho rằng, căng thẳng thương mại dẫn tới việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có lợi từ một số doanh nghiệp đó.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh”.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ cho rằng: “Các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định – bao gồm thuế suất và chính sách – là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
“Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. AmCham khuyến cáo rằng Chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay”.
“Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch”, vị Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.
Ngoài việc đón nhận dòng dịch chuyển các nhà sản xuất, Việt Nam được đánh giá sẽ nhận thêm luồng FDI từ Trung Quốc trong thời gian tới, đặt ra câu chuyện thu hút hiệu quả hơn nhằm tránh những vấn đề đáng tiếc đã xảy ra trong quá khứ.
“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều mắc sai lầm. Tôi chưa biết đến một quốc gia nào lại chưa từng làm một việc sai cách ở một số điểm nào đó. Việt Nam đổi mời từ năm 1986 và cho đến hiện nay, Việt Nam đã đi được con đường rất dài”.
“Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển mình tuyệt vời và hiện đang trên đà tăng trưởng, nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới”, ông Adam Sitkoff nhận định.
“Tôi cho rằng Việt Nam không cần một chiến lược mới đối với thu hút FDI bởi Việt Nam đã làm rất tốt. Điều Việt Nam cần là nhận ra FDI đã ở sẵn trong đất nước này, cần dành thời gian tạo ra những quy định tốt hơn để thành công hơn nữa”.
Theo TheLeader.vn