Ông Lê Bạch Long, giám đốc công ty TNHH Nam Long

“Người ta nói hữu xạ tự nhiên hương, nhưng thời buổi này, có “hương” mà không cho người ta biết là sai lầm…”, ông Lê Bạch Long, giám đốc công ty TNHH Nam Long bắt đầu câu chuyện kinh doanh như vậy với chúng tôi.

Nam Long là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất găng tay cao su có trụ sở ở Đồng Nai, từng chín năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, đang làm ăn khấm khá ngay trong mùa dịch Covid-19. Bằng chứng là nếu trước đây, doanh số bán hàng phụ thuộc 80% nội địa, chỉ có 20% xuất khẩu thì trong những tháng xảy ra dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu tăng lên gần gấp đôi, từ khoảng sáu, bảy container lên 10, 12 container mỗi tháng. Các thị trường đang mua găng tay của Nam Long có: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Indonesia…

Đơn hàng sau những chuyến đi

Găng tay y tế sử dụng nhiều trong mùa dịch Covid-19, cơ hội cho Nam Long, nhưng đơn hàng có được hôm nay, theo ông Long, lại đến từ quá trình dài lăn lộn ở hội chợ quốc tế, quảng bá sản phẩm, giới thiệu, kết nối, tiếp xúc khách hàng…

“Trước khi dịch bệnh xảy ra, Nam Long rất tích cực tham gia các đoàn xúc tiến thương mại đến nhiều quốc gia khác nhau. Ở đó, chúng tôi ý thức trong việc giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp của mình, cũng như các sản phẩm chất lượng mà công ty sản xuất ra. Chúng tôi gửi lại hồ sơ năng lực, thông tin liên lạc… Có lẽ nhờ đó mà khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu hàng hoá đặc trưng gia tăng, thì khách hàng ngay lập tức liên hệ với chúng tôi”, giám đốc công ty Nam Long lý giải, và cho biết thêm việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Alibaba để giới thiệu sản phẩm, cũng là cách làm hữu hiệu nhằm tiếp cận các nhà phân phối, mua hàng ở nước ngoài.

Chỉ riêng việc tham gia sàn Alibaba, đem đến kết quả số người tìm hiểu về công ty Nam Long vào khoảng 400 – 500 người/tháng, có không ít khách hàng tìm hiểu về găng tay cao su và găng tay y tế. Ông Long đánh giá đây là nhu cầu có thật, chứ không phải vì dịch mà họ tìm đến với Nam Long.

Ngoài ra, để việc bán hàng được bền vững, Nam Long còn chủ động đi gầy dựng nhà phân phối ở nước ngoài. Như ở Hàn Quốc, Nam Long áp dụng cách làm theo kiểu tìm đối tác, ký kết hợp đồng, trả hoa hồng trên các đơn hàng. Theo đó, đối tác sẽ là người thay mặt Nam Long chăm sóc khách hàng, mở rộng thị trường…

“Chỉ những đối tác như vậy họ mới hiểu sâu tâm lý, thói quen người mua hàng cũng như văn hoá tiêu dùng bản địa. Và lỡ khi gặp sự cố thì chỉ có họ mới biết cách nào xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất”. Theo ông Long, mỗi thị trường có một đặc thù riêng nên nhà sản xuất phải am hiểu thì mới dễ tiếp thị. Ví dụ, dân Hàn Quốc thì hay làm kimchi, nên găng tay phải đáp ứng một số tiêu chí như dễ thao tác, bền, chống khuẩn…

Không quên nội địa

Cuối tháng 7/2020, Nam Long dự kiến đưa vào sử dụng thêm một dây chuyền sản xuất mới, mục đích là để tăng năng suất, khắc phục những hạn chế của hệ thống dây chuyền sản xuất cũ. Ngoài găng tay gia dụng, Nam Long đang tính đến việc sản xuất găng tay y tế, để đáp ứng nhu cầu từ thị trường trong và ngoài nước.

“Lợi thế là chúng tôi am hiểu và có nhiều thông tin lĩnh vực này, nên cố gắng cuối năm nay hoặc đầu năm tới cho ra dòng sản phẩm găng tay y tế”, ông Long nói.

Theo các số liệu điều tra của Nam Long, tại Thái Lan, bình quân mỗi người dân một năm sử dụng năm đôi găng tay, còn các nước châu Âu, Mỹ thì gần 15 đôi. Trong khi Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm trong vòng hai ba năm trở lạiđây, bình quân mỗi người chỉ mới sử dụng một đôi găng tay/năm. Như vậy, với gần 100 triệu dân, con số nhìn thấy trước mắt là 100 triệu đôi, còn lâu dài, khi nhu cầu tăng thêm, rõ ràng cơ hội là rất lớn. Hiện tại, thị phần nội địa của Nam Long đang thuộc tốp đầu với hơn 20 triệu đôi găng tay/năm.

“Trước đây người dân miền Bắc xài găng tay nhiều do khí hậu lạnh. Gần đây thì sức mua của thị trường miền Nam cũng có xu hướng tăng mạnh, vì người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ”, ông Long nhận xét. Từ thay đổi đó, vài năm nay Nam Long tích cực khai thác thị trường nội địa bằng việc đưa ra hàng loạt giải pháp, như xây dựng đại lý ở 40 tỉnh, thành và đang lên phương án mở rộng thêm. Khảo sát thị trường cho thấy, các sản phẩm găng tay của Nam Long đang có mặt nhiều nhất ở các công ty chế biến thuỷ hải sản, bán lẻ tại hệ thống siêu thị VinMart, Lotte Mart, Emart ở Hàn Quốc… Nhưng kênh bán hàng chính của Nam Long là chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá…

Không dừng lại đó, trong vài năm gần đây, khi nhận thấy xu hướng mua sắm, tiêu dùng bắt đầu thay đổi, Nam Long còn đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua kênh online như sàn thương mại điện tử, Facebook. Không chỉ bạn trẻ, người lớn tuổi cũng biết truy cập online, tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều. Và tuỳ từng đối tượng khách hàng, từng nhóm tuổi mà nhà sản xuất truyền thông, giới thiệu những sản phẩm phù hợp, cốt để cho người tiêu dùng thấy – biết – nhớ thương hiệu và sau đó là mua găng tay cao su Nam Long.

“Người ta nói hữu xạ tự nhiên hương, nhưng thời buổi này, có “hương” mà không cho người ta biết là sai lầm, nên phải giới thiệu cho người tiêu dùng thông qua những kênh truyền thông đang có. Và cũng nên đi hội chợ thật nhiều, rồi thông qua đội ngũ bán hàng trẻ trung, duyên dáng để truyền thông, tiếp thị, thì mới có thể thu hút khách hàng đến xem, mua hàng, tương tác…”, ông Long tiết lộ.

Theo BSA Online