Giống dâu nổi tiếng Tochiotome bày bán ở siêu thị. Các siêu thị và hãng phân phối Nhật Bản đã giảm 20gram trọng lượng các bịch dâu, tức tăng giá ít nhất 7%. Ảnh: Nikkei Asia
Người Nhật đón Giáng sinh mỗi năm với những ổ bánh kem đính thêm những quả dâu đỏ mọng. Năm nay, tiệm bánh cũng như những người làm bánh nghiệp dư Nhật Bản sẽ khó tìm được nguồn dâu tươi dồi dào như trước. Bởi ngày càng ít nông dân theo nghề trồng dâu, khiến số trang trại trồng dâu ít đi, và vì thế sản lượng dâu giảm.  
“Các trang trại dâu đang thu hẹp dần bởi các chủ trang trại ngày càng già đi. Nhiều người đã bỏ công việc nông trại bởi họ không có đủ nhân lực để coi sóc hoặc vì các lý do khác”, đại diện chi nhánh của Liên đoàn quốc gia các hợp tác xã nông nghiệp (NFACA) ở hạt Tochigi, phía Bắc Tokyo nói.
Cơ cấu dân số và cây trồng thay đổi đã gây ảnh hưởng mạnh đến ngành trồng dâu vốn mang lại lợi nhuận lớn. Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách ngăn chận việc buôn lậu hạt giống và cây con các loại cây trồng có giá trị cao ra nước ngoài, tạo ra các loại nông sản “giả mạo”.
Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản nói sản lượng dâu ở Nhật Bản đã giảm 10% sau một thập niên, chỉ còn 159.200 tấn vào 2020. Số trang trại trồng dâu cũng đã giảm 30% kể từ 2015. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi chi phí leo thang. Chẳng hạn xăng dầu được sử dụng để giữ ấm cho các nhà kính trồng dâu.
Sản lượng dâu ít hơn, đồng nghĩa những hộp dâu được bán ra sẽ nhẹ đi. Tiêu biểu như loại dâu đắt tiền Tochiotome và Yumenoka – đặc sản của tỉnh Tochigi và tỉnh Nagasaki. Đơn cử, giống dâu Benihoppe – loại có màu đỏ cam và thân khối, đến từ tỉnh Shizuoka sẽ nhẹ hơn 20 gram – tức 7% trọng lượng mỗi bịch dâu hay hộp dâu kể từ tháng 2 tới. Nói cách khác, giá dâu đã tăng ít nhất 7%.
Mỗi hộp dâu bán ở siêu thị Nhật Bản nặng khoảng 270-280gram. Các nhà sản xuất giảm mỗi bịch 1-2 trái dâu để tăng số lượng bịch dâu bán ra đến 10%.
Nguồn cung suy giảm đã khiến giá bán sỉ tăng trong nhiều năm qua. Do ảnh hưởng của thời tiết trong năm 2020, các lứa dâu thu hoạch sớm trong tháng 11-2020 được bán với giá 3.623 yen, khoảng 31,5 USD/ký. Các đợt thu hoạch vào đầu tháng 12 – đỉnh điểm nhu cầu trong năm, giá bán sỉ tại chợ Ota ở Tokyo đã đạt mức kỷ lục 1.954 yen.
Năm nay, giá dâu vụ sớm bán với giá 2.409 yen, giảm 30% so với năm trước. Nhưng bịch dâu nhẹ hơn, cộng thêm yếu tố giá bột mì và các loại nguyên liệu khác gia tăng đã tạo thêm áp lực đối với các tiệm bánh.
“Chúng tôi đã chuẩn bị xong thực đơn Giáng sinh. Chúng tôi mua đủ số lượng dâu cần thiết, nhưng chi phí lại tăng”, chuỗi bánh kẹo và trái cây quà tặng Shinjuku Takano cho biết.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC được mua vào 59,45 triệu đồng/lượng và bán ra 60,15 triệu đồng/lượng trong ngày 25-11. Vàng SJC vẫn giữ mức cao hơn thế giới trên 10,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hầu như không biến động so với hôm trước, xoay quanh 1.792 USD/oz. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái sẵn sàng đẩy nhanh thời điểm để giảm nhịp độ mua tài sản và nâng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Điều này thúc đẩy đồng USD và khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên trên mức 1,68% cũng giảm xuống khoảng 1,64% sau thông tin này.
2/ Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, trong 9 tháng năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 867.410 tấn cao su, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng 41,2% về lượng và tăng 74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm nay, nhu cầu cao su của Ấn Độ tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
3/ Nếu dự thảo giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước của Bộ Tài chính được thông qua, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hàng chục đến cả vài trăm triệu đồng khi mua xe mới. Xe giá trị càng cao thì mức tiết kiệm càng lớn.
4/ Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29-10-2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Riêng khu vực Hà Nội tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng +1% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ 2020.
Lý giải về điều này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tín dụng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại, với các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số quản trị mua hàng (PMI) và doanh thu bán lẻ đều tăng lên trong tháng 10.
Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn. Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021 so với dự báo 10% trước đó.
5/ Chi phí nuôi heo đang tăng, nhưng giá bán lẻ thịt heo tại một số chợ bắt đầu giảm. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tại khu vực Đông Nam Bộ, heo hơi có giá 35.000 đồng/kg rơi vào loại heo có trọng lượng 60 – 70kg do bà con bán “chạy dịch”.
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá heo hơi dao động quanh mức 45.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có những ngày giá heo hơi chỉ dao động quanh mức 35.000 đồng/kg. Các chuyên gia ngành chăn nuôi cho biết giá heo giảm trong đợt dịch vừa rồi do sức mua thị trường thấp, hàng bị tồn ứ. Qua dịch, những con heo quá lứa trọng lượng từ 130kg được người chăn nuôi xả hàng với giá rẻ. Ngoài ra, hiện nay có nhiều người tham gia buôn bán dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường, giữ giá thịt heo không quá cao.
6/ Tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao sẽ khiến chi phí giá thành điện ngày càng gia tăng, đặc biệt khi EVN đang thay Nhà nước bù giá và chi phí bù giá năng lượng tái tạo được hòa với chi phí của ngành điện nên chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Đáng chú ý, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với nguồn năng lượng truyền thống mà EVN phải mua với mức giá do Nhà nước quy định.
Mặc dù là nguồn năng lượng xanh nhưng không ổn định, với tỉ lệ ngày càng tăng đặt ra thách thức vận hành ổn định an toàn, vấn đề kỹ thuật của hệ thống. Theo ông Trần Tuệ Quang – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính đến năm 2020, tổng công suất lắp đạt 69.300 MW, riêng nguồn năng lượng tái tạo là 17.400 MW. Tháng 11-2021 có thêm gần 4000 MW điện gió vào vận hành, đưa nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lên gần 28%. Một hướng giải quyết thiết thực là xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng về lâu dài, giúp  tránh rủi ro giảm phát, tăng hiệu quả điện mặt trời và điện gió.
7/ Tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ chính thức được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khai thác hôm 25-11. Đây là tuyến vận tải container đường dài đầu tiên một hãng tàu Việt Nam thực hiện. Với tuyến vận tải này, hàng hoá không phải chờ trung chuyển, nên rút ngắn thời gian hơn 10 ngày so với trước đây.Gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khi giá cước tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài.
Cước vận chuyển container các tuyến đường dài giữa Việt Nam – châu Âu/Bắc Mỹ đã tăng 4-8 lần trong 1 năm qua, từ mức 4.000 USD/container 40 feet trước đây lên đến 20.000 USD/container, và phải chuyển tải tại các cảng Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Tình trạng tăng giá trên có một phần tới từ việc xuất, nhập khẩu hàng container của Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài.
8/ Chính sách cách ly 7 tuần với thuyền viên Trung Quốc khi trở về đại lục đã làm trầm trọng hơn khủng hoảng vận tải biển và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc cũng cấm thay người đối với các thủy thủ đoàn nước ngoài. Các tàu đã bổ sung thuyền viên ở nơi khác sẽ phải đợi hai tuần mới được phép cập cảng Trung Quốc.
Để tuân thủ, các chủ tàu đã phải định tuyến lại hành trình, trì hoãn các chuyến hàng và thay đổi thủy thủ đoàn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. “Các hạn chế của Trung Quốc gây ra nhiều thách thức. Bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động tàu đều tác động đến chuỗi cung ứng và gây ra gián đoạn thực sự”, Guy Platten – Tổng thư ký của Phòng Vận chuyển Quốc tế, đại diện cho các chủ tàu và nhà khai thác, cho biết.
9/ Sau khi kiểm tra ngẫu nhiên 5 đại diện của các nhà sản xuất và chế biến gạo từ Thái Lan, Trung Quốc đã cấp phép cho 46 công ty Thái được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Đợt cấp phép đã nâng số nhà xuất khẩu Thái Lan được phép nhập gạo vào Trung Quốc lên 93. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu 430.000 tấn gạo trị giá gần 7 tỷ baht sang Trung Quốc. Ngoài Thái Lan, Trung Quốc còn nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Việt Nam.
10/ Quốc hội Ấn Độ đã công bố một dự luật có khả năng cấm tiền điện tử tư nhân và tạo khuôn khổ cho một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương hậu thuẫn. Dự luật này sẽ được trình lên Hạ viên trong tuần tới. Quyết định này được đưa ra sau tuyên bố vào tháng 9 của Trung Quốc rằng, tất cả các giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), ngân hàng trung ương,đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ chống lại việc sử dụng tiền điện tử tư nhân. RBI cho rằng điều này đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của Ấn Độ. Vào tháng 4-2018, RBI cấm các ngân hàng và tổ chức do RBI quản lý hỗ trợ các giao dịch tiền điện tử. Tòa tối cao bác lệnh cấm này vào tháng 3 năm nay, khiến thị trường tiền điện tử Ấn Độ tăng hơn 600%.
Ricky Hồ – Ngô Vũ / BSA 

Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện Việt Nam