Ông chủ Phạm Văn Công giới thiệu tỏi Dori tại một hội chợ.

Sau một năm đối mặt với đại dịch, người sáng lập công ty cổ phần Dori gầy đi rất nhiều. Năm nay, Phạm Văn Công tất tả ngược xuôi để giới thiệu rượu tỏi đen Dori Premium mới ra mắt cuối năm ngoái.

Trước kia du khách đến Lý Sơn, Quảng Ngãi và Đà Nẵng rất nhiều và thường xuyên ghé thăm vùng trồng tỏi của Dori trên đảo. Họ là lượng khách hàng dồi dào tự tìm đến, khiến Dori quên mất mình phải chủ động đến với khách hàng. Doanh số từ thị trường này chiếm đến 80%. “Covid ập đến, chúng tôi mất trắng thị trường này”, anh Công cho hay.

Từ năm 2019 trở về trước, mỗi năm Dori sản xuất 30 tấn tỏi đen. Dịch bệnh và bão lũ khiến sản lượng tỏi năm ngoái giảm hơn 10 tấn. Hai cửa hàng của Dori ở Lý Sơn và Quảng Ngãi chỉ mở cửa trong vòng hai tháng đầu năm. Thời gian còn lại là đóng cửa suốt. 

Đang là giám đốc một công ty công nghệ thông tin, Công bỏ phố về quê năm 2016. Anh vừa làm, vừa học về cách phát triển vùng nguyên liệu và các kỹ thuật canh tác dùng chế phẩm vi sinh. Công thừa nhận đã bỏ quên mảng phát triển kinh doanh và lơ là mảng tiếp thị bán hàng.

Mất doanh số chính, Dori mới quay sang đẩy mạnh thương mại điện tử. Vài tháng gần đây, hàng ngày ông chủ Dori đều lên Facebook kể chuyện của mình. Anh rao bán hàng trên các trang thương mại điện tử và tiếp cận các siêu thị cao cấp nhiều hơn trước. “Năm ngoái, Dori bất ngờ vì được rất nhiều người nước ngoài đón nhận khi đưa gia vị hành tỏi vào siêu thị cao cấp. Chúng tôi đã thay bao bì và bóc vỏ hành tỏi bắt mắt hơn để phù hợp hơn với phân khúc khách hàng nước ngoài”, Công nói.

Dori chế biến sâu gia vị tỏi đặc sản Lý Sơn bằng công nghệ vi sinh kết hợp phương pháp cổ truyền. Công chỉ tự tin về con đường phát triển của Dori trong tương lai dài hạn 5 – 10 năm. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EU) mở cánh cửa cơ hội thị trường, nhưng cũng đòi hỏi gắt gao về chất lượng sản phẩm và sản lượng. Số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ các tiêu chí vẫn còn ít ỏi. “Dori cần 5 năm nữa để phát triển đủ vùng trồng nông nghiệp hữu cơ và làm quen với thị trường này,” ông chủ Dori nói.

Thương lái chỉ có thể định hướng việc sản xuất nông sản trong ngắn hạn theo các hợp đồng họ có trong tay và sẽ thay đổi theo thời gian. Mà vùng trồng rộng lớn theo phương pháp hữu cơ dành cho xuất khẩu cần nhiều thời gian mới tạo được. Công cho rằng nhà nước và hiệp hội phải đứng ra liên kết các vùng nguyên liệu sẵn có trong nước và làm công tác xúc tiến xuất khẩu.

Nếu Dori muốn có đủ sản lượng xuất khẩu thì phải mua hàng từ đối thủ, không thể có lợi nhuận. Nếu Hiệp hội Tỏi Việt Nam tổ chức liên kết chuỗi cung ứng đồng bộ, thì sẽ kiểm soát được chất lượng xuất khẩu và loại bỏ tình trạng doanh nghiệp nội tự cạnh tranh giá với nhau. “Cách này có thể nâng cao nội lực cạnh tranh quốc gia vì doanh nghiệp Việt có thể liên kết sức mạnh, cạnh tranh với doanh nghiệp ở châu Âu và các nước khác”, anh nói.

Hiện tỏi Trung Quốc và Ấn Độ gắn mác Lý Sơn bán đầy trong siêu thị. Đặc sản Lý Sơn thua ngay trên sân nhà. Tỏi đen cần đủ thời gian lên men mới giữ lại được hoạt chất mang dược tính tự nhiên. Dori mất đến 45 ngày, trong khi tỏi nhập khẩu chỉ được lên men trong 15 ngày. Tỏi đen kém chất lượng vẫn đang làm mưa gọi gió trên các sàn thương mại điện tử.

Ông chủ Dori chỉ còn biết đối phó bằng cách gặp gỡ khách hàng nhiều hơn, dù là trực tuyến hay trực tiếp để góp tiếng nói bảo vệ tỏi Lý Sơn.

Mỹ Huyền

Gọi vốn cộng đồng crowdfunding và những cái bẫy