Dù tỷ suất sinh lời thấp, thậm chí có đơn vị phải phá sản, mức tăng trưởng của ngành chuyển phát nhanh vẫn trên 30%.
Hợp tác với Lazada từ năm 2012, VNPost đặt bút ký “nâng tầm” mối quan hệ lên hàng “chiến lược” với hãng thương mại điện tử này hồi giữa tháng 8/2018.
Mối quan hệ này được đánh giá là có lợi cho cả đôi bên, khi mà Lazada đang hoạt động sôi nổi và VNPost sở hữu được khách hàng lớn.
“Tôi hy vọng trong tương lai, việc hợp tác lâu dài sẽ là bước tiến để công ty vượt qua những rào cản về mặt địa lý và thách thức về niềm tin”, ông Fabian Wandt – Tổng giám đốc LEL Việt Nam thuộc Lazada nói khi ấy.
Với mạng lưới giao nhận phủ 63/63 tỉnh thành phố, năng lực phát hàng đứng đầu về quy mô, đội ngũ bưu tá và nhân viên đến 18.000 người, VNPost hưởng lợi khá nhiều trong mảng chuyển phát nhờ thương mại điện tử tăng tốc. Tuy nhiên, phần còn lại của thị trường không êm đềm như thế. Đầu tháng trước, công ty Chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) phải tạm dừng hoạt động vì “không còn đủ khả năng tài chính”. Công ty nợ khách 5 tỷ đồng tiền thu hộ.
GNN Express là cú “lao đao” mới nhất trong thị trường chuyển phát, vốn tăng trưởng đang khá nóng nhưng cũng quá nhiều anh tài. Theo StoxPlus, 3 năm qua, các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh có mức tăng trưởng trên 30% cùng với sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi nhận hàng (COD).
Tương tự các ngành dịch vụ khác như thương mại điện tử, giao thức ăn hay gọi xe, cuộc chiến giao hàng nhanh cũng đang chứng kiến cảnh đốt tiền giành thị phần. Theo đó, người mới đua nhau giảm giá dịch vụ để giành khách, người cũ đổ tiền để giữ “thế lực”.
Một số công ty đáng chú ý như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Số 1, Giao Hàng Ong Vàng… có xu hướng đẩy mạnh bán hàng bằng cách giảm giá, giá rẻ và phục vụ nhu cầu giao hàng nội thành tại các thành phố lớn.
Trong khi các công ty như DHL, TNT Express, FedEx… tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường thương mại điện tử bằng cách giới thiệu các dịch vụ chuyên biệt hay thành lập công ty con mới tại nhiều tỉnh thành. Các tên tuổi lớn như VNPost và ViettelPost thì đầu tư vào hệ thống xe tải và kho bãi mới.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của nền tảng kỹ thuật số như Grab, Lalamove hay Ahamove, với những lợi thế về linh hoạt cùng với hàng nghìn tài xế đang là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh.
“Phân tích cho thấy bên cạnh trạng thái thanh khoản ổn định và chu kỳ tiền mặt tốt, các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh có tỷ suất sinh lời khá thấp là do quản lý chi phí kém trong giai đoạn khảo sát”, chuyên gia phân tích Linh Trần của StoxPlus nhận xét.
Để tồn tại, một số tên tuổi nhỏ hơn chọn con đường đầu tư vào công nghệ hay sáng tạo các dịch vụ đặc thù để tồn tại. Có công ty tận dụng công nghệ máy học, phân tích dữ liệu để dự báo tình trạng giao thông. Có công ty tung trọn gói dịch vụ làm website, tiếp thị, giao hàng để tiếp cận phân khúc cửa hàng online nhỏ lẻ.
“Về triển vọng lâu dài, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ thúc đẩy nhu cầu cao về việc giao hàng nhanh chóng cho số lượng đơn đặt hàng nhỏ và thường xuyên”, bà Linh Trần nói.
Đến năm 2025, theo nghiên cứu của Google & Temasek, Việt Nam sẽ có thị trường thương mại điện tử trị giá 7,5 tỷ USD. Theo VECOM, sự tăng trưởng doanh số thương mại điện tử đạt 25% trong năm 2017, và tỷ lệ này dự kiến duy trì trong thời gian ngắn (2018 – 2020).
Các nhà bán lẻ thiết bị gia dụng hàng đầu đã cải thiện đáng kể về tỷ trọng doanh số bán hàng trực tuyến. Ví dụ Thế Giới Di Động từ 6,5% năm 2015 lên 12,3% trong nửa đầu năm 2018; FPT Retail từ 6% năm 2014 lên 16% trong nửa đầu năm 2018.
Ngoài ra, dù các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay Tiki đều có đội ngũ giao hàng riêng vẫn phải đối mặt với nhu cầu cao của việc giao hàng tận nơi trong khu vực đô thị. Do vậy, Shopee vẫn liên kết với Giaohangnhanh và Giaohangtietkiem hoăc Sendo hợp tác với Ahamove để đáp ứng nhu cầu.
Theo VnExpress