Phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn đang chọn các cửa hàng sang trọng các khách sạn, trung tâm mua sắm trong nước để mua hàng cao cấp, tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi.
Báo cáo của Nielsen về Sự thay đổi mức độ giàu có của người tiêu dùng, một nghiên cứu liên quan đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đối với các mặt hàng cao cấp, vừa công bố ngày 19/3, cho thấy nhà giàu Việt Nam đang dịch chuyển kênh mua sắm hàng cao cấp của mình.
Theo đó, 69% người tiêu dùng Việt Nam chọn các cửa hàng truyền thống trong nước để mua các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, gần một nửa người tiêu dùng (48%) đang chuyển sang các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua các mặt hàng cao cấp, và 27% chọn mua từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài. Trong khi đó, du lịch nước ngoài để mua sắm hàng cao cấp ngay tại cửa hàng là lựa chọn của 23% người tiêu dùng Việt Nam.
5 sản phẩm cao cấp mà người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều nhất là mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử cá nhân, sản phẩm chăm sóc cơ thể và thịt hoặc hải sản.
Các yếu tố quan trọng khách hàng Việt Nam tìm kiếm ở các sản phẩm cao cấp là chất lượng (65%) và công dụng vượt trội (58%).
Báo cáo cũng ghi nhận ý thức của người tiêu dùng Việt về môi trường đã được cải thiện rõ rệt khi có đến hơn một nửa số người được hỏi cho biết sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc có thành phần tự nhiên/hữu cơ.
Khi chọn mua các sản phẩm cao cấp mới, người giàu Việt Nam đánh giá sự giới thiệu của bạn bè, người thân là yếu tố quan trọng nhất, với 50% người được khảo sát nhận định rằng các đề xuất của bạn bè và gia đình ảnh hưởng đến quyết định dùng thử của họ sau đó mới đến các yếu tố tự nghiên cứu về sản phẩm, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo tại cửa hàng.
Trước những sự thay đổi này, đại diện Nielsen cho rằng, ngày càng có nhiều người giàu ở những nước đang phát triển chuyển sang chọn mua mặt hàng cao cấp hay độc quyền. Việc hiểu được cách thức họ mua sắm sẽ giúp nhà bán lẻ tối ưu hoá được kênh tiếp thị của mình.
Báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng ngày càng nhiều người tiêu dùng trên thế giới tìm đến các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua sắm các sản phẩm cao cấp vào năm 2018, tăng 6 điểm phần trăm so với 2016. Gần một phần tư người được hỏi đang mua các sản phẩm cao cấp từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài. Các cửa hàng truyền thống trong nước vẫn là lựa chọn của 60% người tiêu dùng.
Trong khi đó, 15% người tiêu dùng nói rằng họ tìm đến các cửa hàng truyền thống ở nước ngoài để mua các sản phẩm cao cấp, với lý do phổ biến là để trải nghiệm thực tế trong cửa hàng và tự mình cảm nhận trực tiếp mặt hàng.
Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)