Nếu triển khai đề xuất này sẽ gây áp lực lên cân đối ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cho lâu dài.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng một số chính sách về thuế TNDN có quy mô ưu đãi khoảng 9.200 tỷ đồng/năm đối với nhóm doanh nghiệp trên (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam), nhằm tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất.

Đề xuất trên cũng được xem là góp phần khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) theo mục tiêu có 01 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người).

Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ (có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người).

Đặc biệt, Bộ đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với hai trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Trong đó, hộ kinh doanh theo quy định này phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Doanh nghiệp thành lập mới được miễn thuế theo quy định này là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu trong đó, người đại diện hoặc có vốn góp cao nhất cũng đại diện doanh nghiệp khác đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng tính từ thời điểm giải thể doanh nghiệp cũ đến thời điểm thành lập doanh nghiệp mới.

Thời gian miễn thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ tư.

Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 02 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm).

Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.

Theo Bizlive