Vụ IPO của Grab trễ hơn dự định do chính phủ Mỹ siết chặt các quy định về SPAC. Ảnh: Business Insider
Grab sẽ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày mai 2-12, đánh dấu bước phát triển mới của kỳ lân công nghệ Đông Nam Á.
Theo thông cáo của công ty Altimeter Growth – công ty vỏ bọc mà Grab sẽ hợp nhất, đa số cổ đông công ty đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, sẽ đưa Grab lên sàn Nasdaq. Chỉ có 0,02% cổ đông bỏ phiếu rút lại vốn đầu tư. Số biểu quyết chính thức sẽ được công khai khi công ty nộp mẫu 8-K cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
Hợp tác kinh doanh với Grab dự kiến ​​sẽ kết thúc vào ngày 1-12 và công ty mới sẽ bắt đầu giao dịch trên Nasdaq vào ngày 2-12 với ký hiệu “GRAB”.
SPAC – công ty hợp nhất với mục đích đặc biệt – huy động vốn thông qua niêm yết trên thị trường sau đó sáp nhập với một công ty tư nhân hiện có. Lộ trình này đã trở nên phổ biến với các công ty khởi nghiệp bởi giúp các startup lên sàn chứng khoán nhanh hơn và thủ tục đơn giản hơn so với quá trình startup phải tự thực hiện IPO (niêm yết lần đầu). Nhưng chính phủ Mỹ đã tăng cường giám sát các giao dịch SPAC trong năm nay.
Cổ phiếu loại A của Grab sẽ giao dịch với tên GRAB. Cổ phiếu loại B sẽ do ban lãnh đạo nắm giữ, giúp họ nắm giữ 60% quyền biểu quyết bởi mỗi cố phiếu được quyền 45 phiếu bầu.
Grab sẽ là startup công nghệ Đông Nam Á thứ hai được niêm yết tại Mỹ. Năm 2017, tập đoàn thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến Sea của Singapore niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York, và được định giá 160 tỷ USD vào cuối tuần rồi.
Việc niêm yết của Grab mang đến cho các nhà đầu tư Mỹ cơ hội mới tại Đông Nam Á – khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng lại có tiếng nói ít trọng lượng trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Grab đã chọn niêm yết cổ phiếu thông qua việc sáp nhập với Altimeter Growth – công ty đã thực hiện IPO vào tháng 10-2020. Thương vụ niêm yết lần này mang lại cho Grab khoảng 4,5 tỷ USD.
Khi thương vụ sáp nhập được công bố vào tháng 4, Altimeter đã định giá Grab sau sáp nhập là gần 40 tỷ USD – một trong những thương vụ SPAC lớn nhất trên toàn cầu.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng trong ngày 1-12 giảm 250.000 đồng mỗi lượng, giao dịch quanh ngưỡng 59,75 – 60,45 triệu đồng/lượng, Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, giá vàng thế giới giảm mạnh 40 USD/oz, từ 1.810 USD/oz rơi xuống còn 1.770 USD/oz và sau đó tăng nhẹ lên 1.775 USD/oz. Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân vàng tụt dốc: Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell đề xuất cần siết chặt hơn chính sách tiền tệ để giữ lạm phát ở mức thấp và giữ cho chuỗi cung ứng phát triển. Chỉ số đô la Mỹ tăng mạnh, khiến vàng giảm giá sau phát biểu của ông Powell.
2/ Vú sữa đầu mùa Việt Nam đang bán lẻ tại Mỹ với giá 80 USD/thùng 4 kg, tương đương 20 USD/kg, khoảng 450.000 đồng/kg. Như vậy, sau 5 năm mở cửa được thị trường Mỹ, quả vú sữa Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường khó tính này. Năm 2018, giá vú sữa đầu mùa cao nhất cũng chỉ 15 USD/kg, giữa mùa 12,5 USD/kg.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T – chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ – cho biết sở dĩ giá bán lẻ vú sữa tại Mỹ cao là do chi phí xuất nhập khẩu tăng, riêng cước vận chuyển đường hàng không đã 8,2 USD/kg (gần 190.000 đồng/kg), gấp hơn 2 lần trước dịch. Ông cũng cho rằng về lâu dài giá bán ra cao sẽ khó đắt hàng và ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu.
3/ Hạt điều nhập khẩu vào Đài Loan sẽ được giảm thuế trong thời gian tới. Tiêu biểu, mặt hàng “hạt điều khô, bỏ vỏ” vào Đài Loan sẽ được giảm xuống còn 10% thay vì thuế suất 26,2 Đài tệ/kg, hoặc 16% như hiện nay. Đây là cơ hội cho hạt điều Việt Nam – nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Đài Loan. Đài Loan cũng cho biết việc giảm thuế cũng là để giảm chi phí giá thành chế biến thực phẩm, tăng tiêu thụ các sản phẩm từ hạt hạch quả và nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của người dân.
Một thị trường xuất khẩu hạt điều Việt Nam đáng lưu ý khác, với mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua là Hà Lan.
4/ Theo Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết, giá vé trên đường bay thẳng TP.HCM – San Francisco của hãng sẽ không đổi so với tính toán cách đây hai năm, khoảng 1.300 – 1.500 USD tùy thời điểm. Trước mắt, tần suất là 2 ngày/chuyến, sau đó tăng lên khai thác bay hàng ngày. Để chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới Mỹ và châu Âu, hãng đang đàm phán thuê thêm các máy bay Boeing 787-9 và Boeing 787-10 khi giá thuê máy bay đã rẻ hơn đáng kể bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với giá vé này, ông Quyết khẳng định hãng vẫn có lãi vì không chỉ đón khách lẻ mà còn đón các đoàn khách du lịch nhờ lợi thế của Tập đoàn FLC, thông qua các gói sản phẩm combo kết hợp vé máy bay và nghỉ dưỡng.
5/ Theo ước tính của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022.
Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, cho thấy lao động trẻ em từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 – 17 tuổi, thấp hơn so với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.
6/ Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết kho dự trữ dầu mỏ chiến lược là một công cụ mà Washington có thể sử dụng để giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu bất thường. Đây là nỗ lực mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn đẩy mạnh và tập trung vào các nguồn năng lượng ít biến động hơn.
Hôm 23-11, Mỹ thông báo sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Theo đó, khoảng 32 triệu thùng dầu trong lượng dầu được giải phóng lần này sẽ được thực hiện dưới dạng một khoản vay mà các công ty dầu mỏ sẽ trả lại kho và số còn lại sẽ là phần tăng lượng bán ra mà Quốc hội đã phê chuẩn.
Đây là đầu tiên Mỹ thực hiện việc xả kho SPR cùng với các nước tiêu thụ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, nhưng với lượng dầu được giải phóng nhỏ hơn.
7/ Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã buộc Trung Quốc phải mua than của Úc lần đầu tiên sau gần một năm Bắc Kinh áp dụng lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với mặt hàng này do căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Khoảng 2,8 triệu tấn than của Úc đã cập cảng Trung Quốc  vào tháng trước, trong đó 72% là loại than nhiệt.
Tuy nhiên, tình hình ngành xuất khẩu rượu của Úc lại không mấy lạc quan, khi giá trị xuất khẩu của mặt hàng này sụt giảm 24% xuống còn 2,27 tỷ AUD (1,5 tỷ USD) và giảm 17% về khối lượng trong năm tài khóa tính đến tháng 9-2021. Chủ yếu do Trung Quốc tăng mạnh thuế nhập khẩu, khiến số lượng rượu vang nhập khẩu từ Úc giảm trong giai đoạn 2018-2020.
Dữ liệu của Cục Thống kê Úc (ABC) hôm 30-11 cho thấy, xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 8% trong quý 3/2021, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 2%, đem lại khoản thặng dư cao kỷ lục là 23,9 tỷ AUD (16,8 tỷ USD)
8/ Sau một năm trước áp lực kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh lên ngành công nghệ nói chung và Alibaba nói riêng, vốn hóa của tập đoàn Alibaba đã ‘bốc hơi’ gần 500 tỷ USD.
Đơn cử, vốn hóa của Alibaba đã giảm hơn một nửa chỉ còn 358 tỷ USD, sau khi Bắc Kinh hoãn IPO của Ant Group vào tháng 11 năm ngoái. Hiện tại, vốn hóa của Alibaba chỉ còn 358 tỷ USD, giảm khoảng 488 tỷ USD so với một năm trước. Theo ước tính của Nikkei Asia, giá trị của Ant Group cũng giảm xuống dưới 200 tỷ USD, so với mức hơn 300 tỷ USD tháng 11 năm ngoái.
Trong một động thái bất ngờ, Maggie Wu, CFO của Alibaba, đã cho biết tăng trưởng doanh thu dự kiến giảm xuống còn 11-16% trong nửa cuối năm tài chính này, giảm mạnh so với mức 41% của năm trước. Lợi nhuận từ mảng thương mại của Alibaba giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái cũng cho thấy sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này. Công ty thương mại điện tử số hai Trung Quốc, JD.com đã báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng 18% cho mảng bán lẻ của mình trong quý trước.
9/ Theo Nikkei Asia, GDP của Ấn Độ đã tăng 8,4% trong quý 3, sau khi đại dịch Covid-19 dần mờ nhạt tại quốc gia này, khi tỷ lệ tiêm chủng cho người dân đã tăng lên đáng kể từ đỉnh điểm của dịch hồi đầu hè năm nay. Ấn Độ có khả năng tự chủ về sản xuất vaccine cũng như các loại dược phẩm có khả năng sử dụng trong điều trị Covid-19. Nhưng việc biến chủng Omicron mới xuất hiện cùng khả năng kháng vaccine cũng như các cách thức trị Covid cũ đang dấy lên mối e ngại sâu sắc khắp nơi trên thế giới. Nếu tình trạng tồi tệ như Delta tái diễn ra, không chỉ nền kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng mà còn là chuỗi cung ứng từ hàng hóa đến y tế, bao gồm vaccine. Tác động này sẽ lan tỏa đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.
10/ Covid-19 khiến tinh thần tự làm chủ lên cao chưa từng có, khi hàng trăm nghìn người Mỹ bỏ việc để làm tự do hoặc mở công ty. Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết số lao động tự do đã tăng 500.000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch, lên 9,44 triệu. Đây là con số cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tổng số lao động tự kinh doanh tăng 6%. Trong khi đó, tổng việc làm nói chung vẫn thấp hơn gần 3% so với trước đại dịch.
Vào thời điểm Covid-19 xuất hiện ở Mỹ, sự ra đời của các ứng dụng, trang web và công ty phục vụ cho các doanh nhân và người làm nghề tự do đã mang đến cho những người từng đi làm công các lựa chọn mới. Sự gia tăng số lượng người tự kinh doanh diễn ra đồng thời với sự gia tăng của số người bỏ việc ở Mỹ. Trong tháng 9, thị trường lao động Mỹ ghi nhận kỷ lục 4,4 triệu người bỏ việc.

Ricky Hồ / BSA

Việt Nam và Thái Lan hình thành “bong bóng du lịch” trong tháng 12