GS.TS Hồ Tú Bảo chia sẻ tại chương trình

Chuyển đổi số mà chỉ giao cho IT là thất bại. Nó phải bắt đầu từ lãnh đạo, trong đó nên hình thành nhóm năng lực có tầm nhìn xa từ các bộ phận của doanh nghiệp hợp lại.

Tại buổi workshop với chủ đề: “Chuyển đổi số doanh nghiệp như thế nào?” do Hội DN HVNCLC phối hợp cùng Viện John Von Neumann (ĐH Quốc Gia TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua, GS.TS Hồ Tú Bảo – Viện trưởng Viện John Von Neumann cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho số hóa thông tin, số hóa tổ chức…

GS.TS Hồ Tú Bảo giải thích, số hóa thông tin là “biểu diễn số” cho các đối tượng vật lý, như văn bản, con người, các tương tác của con người…

Số hóa tổ chức là thay đổi mô hình vận động tổ chức, cách hoạt động để tạo ra giá trị mới, thay đổi bằng dùng dữ liệu và công nghệ số.

Thêm vào đó là chuyển đổi là từ tư duy, mô hình, lãnh đạo, tổ chức, văn hóa…

Từ đây, chuyên gia Hồ Tú Bảo khẳng định, chuyển đổi số mà chỉ giao cho IT là thất bại. Nó phải bắt đầu từ lãnh đạo. Trong đó nên hình thành nhóm năng lực từ các bộ phận trong doanh nghiệp hợp lại, có tầm nhìn xa.

“Phải thực hiện những dự án nhỏ trong những lộ trình ngắn, không nên làm dài hạn 2 – 3 năm, như thế sẽ rất nản”.

Qúa trình chuyển đổi cần có những bước làm như: Nhận thức và thay đổi tư duy; xác định lộ trình đang ở đâu, đến đâu; xây dựng năng lực số, có thiết bị, con người; xác định công nghệ chính trong mội loại hình kinh doanh; thay đổi mô hình hoạt động; tổ chức thực hiện, đi từ nhỏ đến lớn…

Bên cạnh đó, muốn có chuyển đổi số, doanh nghiệp phải đào tạo về con người. Ở Việt Nam, hiện nay đã có một số trường ĐH đang đi theo hướng này, một số tập đoàn kinh tế tư nhân cũng bắt đầu thành lập các Viện nghiên cứu về chuyển đổi số.

Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, khi có dữ liệu, doanh nghiệp cần giải pháp biến dữ liệu thành công cụ hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như điều chỉnh các định giá trị, xác định giá trị dựa vào như cầu khách hàng. Chuyển đổi số tốn kém chi phí, nhưng doanh nghiệp có thể lựa chọn ứng dụng những công nghệ phù hợp với nhu cầu tài chính và năng lực của công ty.

Khoa học dữ liệu là chìa khoá của sự phát triển trong thời chuyển đổi số, với bản chất là tạo ra và dùng dữ liệu một cách thông minh. doanh nghiệp hãy bắt đầu với một số lĩnh vực chọn lọc. Như vậy, chuyển đổi số giúp DN sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Cuối năm 2018, nhiều quốc gia chọn trí tuệ nhân tạo làm chiến lược phát triển của mình, nó dựa vào học máy, kết hợp cùng thống kê toán học.

Cần những “lao động mềm”

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm VNPT – IT khu vực 2, Chi nhánh Công ty công nghệ thông tin VNPT – cho rằng, các trường học phải thay đổi, đào tạo cho người lao động sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng trên máy tính… để tạo ra những thế hệ người lao động có kiến thức toán học, kiến thức máy tính. Đó là một phần quan trọng của chuyển đổi số cho Việt Nam.

“Hiện nay, VNPT đã chủ động chuyển đổi hạ tầng số và dịch vụ số cho chính doanh nghiệp và đang cung cấp, tư vấn cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Hiện công ty đang tiếp tục triển khai, hợp tác với đối tác trong và ngoài nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số”, ông Phạm Huy Hoàng nói.


Trong cuốn sách “cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số” do tác giả David L Rogers đúc kết rằng: Có 5 chiến lược phát triển thời đại số.

Thứ nhất là khách hàng, đó là nhómngười tạo ra giá trị, nên ý kiến của khách hàng được coi là rất quan trọng.

Thứ hai là yếu tố cạnh tranh, ranh giới đối tác, đối thủ nhiều khi phải cộng tác với nhau.

Thứ ba là dữ liệu, là tài sản vô hình rất quan trọng, và phải biến nó thành thông tin và tri thức để hành động.

Thứ tư là sáng tạo

Và thứ năm là tạo ra giá trị cho người dùng, chuyển đổi số phải xác định được giá trị cung cấp cho người tiêu dùng.

Trần Quỳnh (theo BSA)