(Cafenews)-Trong thời kỳ đợi giải quyết ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì hải quan lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Trung Nguyên và G7 khổ lây.
Cụ thể là từ cuối năm 2017, khi làm thủ tục xuất khẩu cho các lô hàng sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu “Coffee G7 Instant Coffee” và các nhãn hiệu khác, Hải quan TP.HCM nhận được yêu cầu tạm dừng xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan mang các thương hiệu của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên) do Công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên và các chi nhánh của mình sản xuất.
Lý do được cho là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu của Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, với tư cách đại diện của Trung Nguyên, chủ quyền sở hữu các thương hiệu Trung Nguyên và G7, đã yêu cầu Tổng cục Hải quan ngăn chặn việc xuất khẩu hàng hóa do công chi nhánh Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang sản xuất.
Đây là chi nhánh do bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, quản lý điều hành.
Ngay lập tức, toàn bộ các lô hàng cà phê mang thương hiệu bị tranh chấp đang làm thủ tục xuất khẩu buộc phải tạm dừng lại.
Để giải quyết tình trạng này, Hải quan TP.HCM đã yêu cầu trưng cầu giám định hàng hóa xuất khẩu và xin ý kiến từ Tổng cục Hải quan.
Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong thời gian dài đã không những gây khó cho hải quan mà còn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng của Trung Nguyên thiệt hại.
Thực tế, trong thời kỳ “cơm lành, canh ngọt,” công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã cho phép Công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên do bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm giám đốc được phép sử dụng các nhãn hiệu này.
Sau nhiều lần tranh qua cãi lại, đến đầu tháng 2-2018, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các chi cục hải quan giải phóng các lô hàng đang tạm giữ và không tiếp tục tiến hành tạm giữ các lô hàng xuất khẩu trong thời gian tới trong khi chờ quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình tranh chấp, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiến hành xử lý các hoạt động bán hàng nhãn hiệu cà phê G7 trong thị trường nội địa do bà Lê Hoàng Diệp Thảo sản xuất.
Tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường đã có văn bản khẳng định không xử lý theo yêu cầu trên vì cần chờ quyết định cuối cùng của tòa án trong vụ ly hôn.
Cơ quan quản lý thị trường đã lấy lý do là bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn đang sử dụng con dấu và giấy đăng ký kinh doanh và do chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc bà Thảo có chiếm dụng bất hợp pháp hay không về con dấu.
Do đó, đoàn kiểm tra chưa có đủ căn cứ để xác định đối tượng sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 như yêu cầu.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử vụ kiện về tranh chấp con dấu của Trung Nguyên và tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ thắng kiện.
Như Bình
Theo TTO