Hàn Quốc: dân căng thẳng, doanh nghiệp mòn mỏi chờ lộ trình chung sống với dịch
Cứ 10 nhân viên đang làm việc trực tuyến thì có ba người đang mắc “triệu chứng làm việc tại nhà” khi các biên giới giữa công việc và cuộc sống xóa nhòa. Trong khi đó, số vụ đóng cửa và phá sản của các doanh nghiệp siêu nhỏ do các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt ngày càng gia tăng.
Một cuộc khảo sát 910 nhân viên làm việc từ xa do nền tảng tuyển dụng Job Korea thực hiện từ ngày 3 đến 10-9-2021 cho thấy, 32,1% số người trả lời đã nói rằng họ đang chịu các căng thẳng về tinh thần và thể chất. Khi được phép chọn nhiều câu trả lời, 54,8% đã nói rằng họ có cảm giá là vẫn phải làm việc sau giờ làm chính thức, 46,2% nói rằng họ lo âu và căng thẳng cả ngày. Một số khác trả lời họ cảm thấy căng thẳng khi giao tiếp trực tuyến và không được gặp mặt đồng nghiệp, một tỷ lệ lớn khác nói rằng làm việc một chỗ trong thời gian dài làm họ ù lì và mất thăng bằng cảm xúc.
Trong khi đó, khảo sát công bố cùng thời gian của Viện Kinh tế Hàn Quốc (KERI) cho thấy 40% chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như tiệm ăn nhỏ, quán ven đường, quán billiard… nói sẽ đóng cửa ngay trong năm nay. Có đến 91% doanh chủ nói sẽ đóng cửa trong vòng một năm nữa nếu tình hình không sớm cải thiện.
Chính quyền Seoul đã cho phép một đài tưởng niệm tồn tại trong ba ngày cuối tuần ở gần tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Bàn thắp hương được kết bằng hoa cúc trắng dành để tưởng niệm ít nhất 22 chủ doanh nghiệp nhỏ đã quyên sinh vì đóng cửa hay phá sản do những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt. Khách ghé thắp nhang tưởng niệm được phát dãi ruy băng đen. Nhiều người đã bật khóc.
Hàn Quốc có đến 7 triệu doanh chủ – những người chủ của các doanh nghiệp siêu nhỏ mà vừa là người chủ vừa là người làm công. Những biện pháp hà khắc cấm tụ tập quá hai người, đóng cửa trước 9pm… đã khiến đến 450.000 người phá sản từ đầu dịch đến nay. Dù chính phủ đã có nhiều đợt trợ cấp, làn sóng phá sản, chán chường và quyên sinh của các doanh chủ nhỏ ngày một dâng cao. Trong tuần rồi, ít nhất đã có ba vụ quyên sinh được tường thuật trên báo chí địa phương, trong đó có chủ một quán bar không thể trả nổi tiền thuê nhà trong nhiều tháng qua và chủ một cửa hàng gà rán để lại mảnh giấy ghi rằng đang gặp những khó khăn kinh tế.
Jeong In-seong, giám đốc điều hành Hiệp hội CLB Billiard Hàn Quốc, nói rằng ngành công nghiệp giải trí này đã chịu nhiều tổn thất. “Rất nhiều doanh chủ đã mất tất cả bởi những quy định chống dịch. Chúng tôi ở đây để tưởng nhớ họ và muốn gửi một thông điệp đến chính quyền rằng họ cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chận những kết cuộc bi thảm như thế này”, ông Jeong phát biểu.
Nhưng ngay lúc này, các biện pháp phòng dịch của chính quyền trung ương lẫn địa phương vẫn sẽ không nới lỏng chút nào cho đến đầu tháng 11 khi lộ trình chung sống với dịch được vạch ra. Tỷ lệ tăng trưởng phải đạt 4% trong năm nay có lẽ là một trong những áp lực của nhà lập chính sách. Tờ Korea Times đặt câu hỏi: “Nhưng liệu những con số tỷ lệ phần trăm như thế sẽ còn ý nghĩa khi những giọt nước mắt chảy quá nhiều, và nhiều người đã mất…”
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,15 – 56,8 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu đang ở ngưỡng 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.751,8 USD/ounce, giảm 2 USD, tương đương 0,11% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, việc giá vàng liên tục đi xuống trong những phiên gần đây là kết quả trực tiếp từ mối quan hệ trái chiều giữa vàng và đồng USD.
2/ Theo Tổng cục Hải quan, sắt thép hiện là một trong số nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tỷ USD trong tháng 8. So với tháng 7, xuất khẩu mặt hàng này tăng gần 34% và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, tháng 8 cũng là tháng thứ hai liên tiếp sắt thép cán mốc xuất khẩu tỷ USD khi giá trị tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường gia tăng nhiều tháng qua. Xuất khẩu sang EU tăng 7,5 lần so với cùng kỳ nhờ tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hơn một năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ hiệp định này, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuận lợi hóa thương mại.
3/ Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã tăng đột biến, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020 với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,33 tỷ USD. Trong đó, Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 1,14 tỷ USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2020) và chiếm 34,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Được biết, từ đầu năm đến nay ngành thức ăn chăn nuôi đã có 8 đợt tăng giá, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (tăng khoảng 30-35%). Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhiều loại gia cầm, gia súc như gà, vịt, heo….đều đã giảm mạnh, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá đang vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi.
4/ Theo Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 60,77 tỷ USD, chiếm 15,16% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, tính đến nay, đã có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản với 335 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,79 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đăng ký. Được biết, Miền Trung hiện là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, khu công nghiệp với cơ chế mở, thủ tục đầu tư thông thoáng cùng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động…
5/ Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), tính đến cuối tháng 6/2021, các hộ gia đình nước này hiện nắm giữ khối tài sản cao kỷ lục 1.992.000 tỷ yen (18.000 tỷ USD), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hạn chế hoạt động chi tiêu và giá cổ phiếu tăng. BoJ cho biết lượng tiền mặt và tiền gửi đã tăng 4% lên 1.072.000 tỷ yen, mức cao kỷ lục mới, một phần là do các khoản thanh toán tiền thưởng trong mùa Hè. Được biết, để giúp các công ty đang gặp khó khăn về tài chính đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, BoJ và Chính phủ Nhật Bản hiện đang đảm bảo rằng các công ty này sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn cần thiết. Theo đó, với việc BoJ duy trì chương trình mua tài sản để giữ chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở thấp, lượng trái phiếu chính phủ do BoJ nắm giữ đã tăng 3,7% lên 540.000 tỷ yen.
6/ Ngành công nghiệp thịt của Vương quốc Anh cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí CO2 sắp xảy ra có thể gây gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm lớn trong vòng hai tuần. Theo đó, ngành thực phẩm Anh vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất phân bón, vì CO2 là sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất của họ. Tuy nhiên, hai trong số các nhà sản xuất phân bón lớn nhất là Yara của Na Uy và CF Industries Holdings hiện đã phải hạn chế sản xuất do giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Điều này khiến nguồn cung CO2 cho nước Anh bắt đầu thiếu hụt. Được biết, khí CO2 được sử dụng để làm choáng động vật trước khi giết mổ, phục vụ việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm để kéo dài thời hạn sử dụng, để tạo bọt cho bia, rượu và nước giải khát. Lần gần nhất nước Anh bị thiếu hụt đáng kể nguồn cung CO2 là vào năm 2018.
7/ Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) đã cho thấy mức lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 7 đã tăng lên 3,2%. Theo đó, đây là mức lạm phát cao nhất trong 10 năm qua tại EU. Trong khi đó, tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát giá tiêu dùng đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, đây lần đầu tiên, lạm phát ở EU đã vượt quá mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) một cách đáng kể. ECB đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% mỗi năm. Tại EU, giá cả trong tháng 8 đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở Eurozone, giá cả thậm chí còn giảm 0,2%. Trước những diễn biến hiện tại, các ngân hàng trung ương đã thông báo sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
8/ Google đã tiến hành mở rộng dịch vụ News Showcase sang thị trường Nhật Bản, cho phép độc giả tiếp cận với nguồn tin tức từ hơn 40 tờ báo và hãng tin Nhật Bản. Với dịch vụ mở rộng này, mỗi tờ báo và hãng tin tức Nhật Bản đều sẽ nhận được phí bản quyền từ “gã khổng lồ” công nghệ này. Không giống như nội dung tin tức xuất hiện thông qua các tìm kiếm của Google, dịch vụ này cho phép các tổ chức cung cấp tin tức quản lý và bao quát lượng tin tức được đưa ra trên trang hoặc ứng dụng News Showcase. Trong khi doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm của Google tăng lên, thì các nhà xuất bản báo chí gặp khó khăn do lượng phát hành báo in và doanh thu quảng cáo giảm trong cả dịch vụ in ấn và dịch vụ cung cấp tin tức trực tuyến. Việc thu phí bản quyền này dự kiến sẽ giúp tăng doanh thu và số lượng đăng ký cho các ấn phẩm.