Lạm phát bắt đầu dịu bớt ở hầu hết các nền kinh tế ở châu Á, nhưng các nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng kém hơn. Điểm sáng cho kinh tế châu Á và thế giới là việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Ảnh: Getty Images

Hàn Quốc được xem là quốc gia đầu tiên ở châu Á sẽ giảm lãi suất sau khi chu kỳ chính sách đạt đỉnh. Thái Lan và Ấn Độ dự báo cũng sẽ sớm đạt đỉnh điểm việc siết chặt. Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn duy trì chính sách nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục tăng trưởng.

Các ngân hàng trung ương châu Á đã chật vật suốt năm 2022 để chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Nhưng trong năm 2023, họ sẽ chuyển trọng tâm, thay đổi bức tranh đối với các nhà đầu tư khi giá cả tăng chậm lại và các nền kinh tế cảm nhận được tác động của suy thoái toàn cầu.

Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quí 4-2023

Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực đã “dịu hiền”, không “hung hăng” so với Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) với bảy đợt tăng lãi suất trong năm 2022. Trong khi đó, đồng đô la tăng mạnh đã khiến các nhà đầu tư rút vốn chuyển về Mỹ, gây áp lực với các đồng tiền châu Á. Các cơ quan quản lý tiền tệ đã phản ứng bằng một loạt các đợt tăng lãi suất, giảm giá tiền tệ và can thiệp thị trường. Cán cân tài khoản vãng lai được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài và dự trữ ngoại hối cũng đỡ gặp áp lực.

Lạm phát đã bắt đầu giảm bớt ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, từ Hàn Quốc và Trung Quốc đến Thái Lan và Ấn Độ. Nhưng hiện nay có những dấu hiệu tăng trưởng yếu hơn, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng 11.

Điều may mắn cho châu Á là việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau ba năm dịch. Tuy nhiên, việc mở cửa có thể gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, suy thoái ở Mỹ và châu Âu, như một số dự báo, cũng có nghĩa là nhu cầu đối với hàng hóa yếu hơn và giúp kiềm chế lạm phát.

“Tôi tin rằng phục hồi kinh tế trong giai đoạn đầu ở Trung Quốc sẽ gập ghềnh. Trong khi đó, kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro đang đi vào suy thoái. Cân nhắc tất cả các yếu tố, năm 2023 sẽ là một môi trường mềm (soft environment) – tức là người bán nhiều hơn người mua và giá cả hàng hóa tương đối mềm, ít nhất là trong nửa đầu năm tới”, theo lời  Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của ngân hàng Nomura.

Đồng đô la Mỹ được cho là đã đạt đỉnh sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985 xét theo tỷ giá hối đoái thực hiệu quả – theo tính toán của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhấn mạnh “đồng đô la Mỹ đã đạt đỉnh, sau đó là sự sụt giảm cho đến năm 2023”. Tức là, các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không phải tăng lãi suất quá mạnh chỉ để hỗ trợ đồng tiền của mình trong năm tới.

Nhà chiến lược thị trường Charu Chanana của hãng công nghệ tài chính (fintech) Saxo Markets cho biết: “Câu chuyện lãi suất phần lớn đã được thị trường chấp nhận. Còn ở thị trường ngoại hối, mọi người đã chuyển sang lo ngại về suy thoái kinh tế”.

Fed đã giảm tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ hôm 14-12. Hiện tại, dự kiến ​​sẽ tạm dừng sau khi tăng lãi suất ngắn hạn lên khoảng 5 – 5,25% vào đầu năm tới, tương đương với mức tăng tích lũy 500 điểm cơ bản (5,0%) chỉ trong năm 2022 này.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại lạm phát sẽ kéo dài. Các thị trường suy giảm cuối tuần rồi sau khi các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh, tăng lãi suất và có giọng điệu “diều hâu”.

Các nhà kinh tế tại bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của hãng Moody nói tác động đầy đủ của việc tăng lãi suất của Fed sẽ chỉ xuất hiện vào năm tới do độ trễ từ 6 – 8 tháng trong việc truyền tải chính sách. Nếu lạm phát được kiểm soát, một số nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ lại chuyển sang chế độ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023, với lần giảm lãi suất đầu tiên trong quí 4-2023. Moody dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ 25 – 50 điểm cơ bản, sớm nhất là vào tháng 11.

Lạm phát ở một số nước đã đạt đỉnh và bắt đầu sụt giảm. Nguồn: Nikkei Asia

Chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á sắp đạt điểm đỉnh

Ở châu Á, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao phản ứng sát sườn của các ngân hàng trung ương trước các động thái của Fed. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách các nước hành động với tốc độ khác nhau.

Hàn Quốc có thể là một trong những nước đầu tiên chuyển hướng. Đây là một trong những quốc gia châu Á có nền kinh tế hướng về xuất khẩu, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bất kỳ sự suy thoái nào ở Mỹ. Hàn Quốc cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trước các quốc gia khác, với việc tăng lãi suất vào tháng 8-2021 nhằm ngăn chặn sự mất giá của đồng won so với đồng đô la, và hạ nhiệt thị trường bất động sản đang quá nóng.

Nhưng mức tăng lãi suất 275 điểm cơ bản kể từ tháng 8-2021 – mức tăng lớn thứ hai ở châu Á sau Philippines – là một cú sốc đối với khu vực tư nhân đóng vai trò đòn bẩy chính của đất nước. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), khu vực hộ gia đình của Hàn Quốc đang mắc nợ nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ nợ là 102% GDP. Hơn 80% các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi. Hiện Hàn Quốc đang đau đầu với khủng hoảng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã trở nên cảnh giác với việc tăng lãi suất quá mạnh. Các nhà phân tích tại Fitch Solutions cho biết: “Chúng tôi tin rằng tình trạng thắt chặt liên tục trên thị trường tín dụng và nền kinh tế suy yếu sẽ khiến BoK có lý do để hành động thận trọng. Chu kỳ chính sách gần đạt đến đỉnh điểm”.

Thái Lan là một ví dụ khác về ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt lãi suất. Các nhà kinh tế của Nomura cho biết lạm phát tiêu dùng đã đạt đỉnh vào tháng 8 ở mức 7,9%. Dự kiến lãi suất sẽ quay về ngưỡng 1 – 3% vào tháng 5-2023 như Ngân hàng Thái Lan (BOT) đặt mục tiêu. Nomura dự đoán BOT sẽ thực hiện đợt tăng cuối cùng 25 điểm cơ bản lên 1,5% trong tháng 1 tới.

Giống như Hàn Quốc, theo IIF, Thái Lan có khu vực hộ gia đình có đòn bẩy cao, với nợ hộ gia đình ở mức 87% GDP tính đến cuối tháng 9. Thái Lan cũng là nền kinh tế hướng về xuất khẩu, đặc biệt là xe hơi. Các nhà kinh tế của Nomura cho biết thêm rằng nợ hộ gia đình Thái Lan tập trung nhiều vào thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân, những khoản phải trả lãi suất cao. Du lịch trong nước đang hồi phục nhanh chóng nhưng sẽ không đủ để đảo ngược tốc độ tăng trưởng dự kiến.

Ngay cả Ấn Độ cũng sẽ không tránh khỏi suy thoái toàn cầu, mặc dù nước này được coi là nền kinh tế định hướng nội địa và là người hưởng lợi chính từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Các nhà kinh tế của Nomura dự đoán: “Chúng tôi tin rằng chu kỳ tăng lãi suất của chính sách tiền tệ đang ở giai đoạn cuối”.

Các ngân hàng trung ương ở Indonesia và Philippines có thể sẽ tiếp tục theo dõi lạm phát cho đến năm 2023, vì giá cả dự kiến sẽ không giảm trở lại trong ngưỡng mục tiêu 2 – 4% của hai ngân hàng này cho đến năm 2024. Ngân hàng trung ương ở Philippines (BSP) đã đưa ra “thông điệp ôn hòa” hôm 15-12 với dự báo lạm phát đã đạt đỉnh cao 8% trong 14 năm vào tháng 11 vừa rồi. BSP nói lạm phát sẽ đạt đỉnh tháng 12 này. Các nhà phân tích đang theo dõi cẩn trọng để xem dự báo này có thực sự diễn ra không.

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn “một mình một sân” trong chính sách tiền tệ riêng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản mỗi lần vào tháng 1 và tháng 8 vừa rồi. Ngân hàng này cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hai lần vào tháng 4 và tháng 12 xuống 7,8% từ 8,4%.

“PBOC sẽ duy trì lập trường nới lỏng rộng rãi vào năm tới, trái ngược với những gì các ngân hàng trung ương toàn cầu đang làm, bởi họ tập trung rất nhiều vào việc phục hồi tăng trưởng. Họ không thể thực hiện nới lỏng trên diện rộng vì điều đó sẽ khiến đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Họ sẽ xem xét các biện pháp có mục tiêu hơn”, nhà phân tích chiến lược Chanana của Saxo Markets phát biểu.

Ricky Hồ / BSA

IMF: thị trường bất động sản châu Á “trầm lắng, sắp đối diện suy thoái”