Ảnh minh họa: Internet
Tiêu điểm
Hãng hàng không ANA tăng tần suất bay đến TP.HCM lên 5 chuyến/tuần
All Nippon Airways sẽ tăng số chuyến bay quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hàng không đang hồi phục ở châu Á và Bắc Mỹ.
Theo thông cáo của hãng, các kế hoạch bay của ANA trong giai đoạn từ 31-10 năm nay đến 11-1-2022 sẽ được điều chỉnh. ANA sẽ tăng tuần suất bay từ Narita đi Tân Sơn Nhất sẽ được nâng lên thành 5 chuyến  mỗi tuần từ 2 chuyến hiện nay. Số chuyến bay đến thủ đô Jakarta của Indonesia cũng được nâng từ 3 lên 5 chuyến mỗi tuần trong cùng giai đoạn.
Trong khi đó, các chuyến bay của ANA từ sân bay Haneda đi Seattle sẽ được nối lại từ ngày 4-12 với tần suất 1 chuyến trong tuần, phục vụ cho thị trường nghỉ đông cuối năm. Riêng số chuyến từ Haneda đi New York sẽ tăng từ 5 lên thành 7 chuyến mỗi tuần trong giai đoạn từ cuối tháng 10-2021 đến giữa tháng 1-2022.
Các chuyến bay đến châu Âu cũng tăng, chủ yếu nhờ sự phát triển của mảng vận tải cho các mặt hàng xuất khẩu, trong đó có xe hơi. Các chuyến bay từ Haneda đi London và Paris và từ Narita đi Brussels sẽ tăng thêm mỗi chuyến một tuần. Tuyến Haneda – Frankfurt sẽ tăng thành 3 chuyến mỗi tuần.
Các chuyến bay quốc tế của ANA trong năm nay chỉ ở mức 80% tần suất của kế hoạch năm 2020.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.802,4 USD/ounce, tăng nhẹ 8,9 USD, tương đương 0,5% so với chốt phiên trước. Giá vàng được hỗ trợ khi đồng USD suy yếu, với báo cáo mới công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ tháng 8/2021 tăng thấp nhất trong vòng 7 tháng.
2/ Theo thông tin từ Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thanh long của nước này đạt 368,9 ngàn tấn, trị giá 336,3 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, Trung Quốc nhập khẩu thanh long chủ yếu từ Việt Nam với lượng chiếm 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu, còn lại 0,01% là lượng nhập khẩu từ thị trường Đài Loan. Về phía Việt Nam, theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long đạt 729 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị xuất khẩu này, thanh long tiếp tục là loại trái cây xuất khẩu số 1 của Việt Nam.
3/ Sau cuộc làm việc trực tuyến với Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam, hãng tàu lớn thứ ba thế giới, tuyên bố giữ giá cước đối với tất cả dịch vụ mang thương hiệu CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL từ 9/9 đến hết ngày 1/2/2022. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ áp dụng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu các thủ tục; cho phép khách hàng lẻ đặt hàng online trực tiếp với hãng tàu. Doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ tăng tuyến, bổ sung container rỗng cho thị trường Việt Nam; tăng cỡ tàu đi Mỹ lên 15.000 TUEs (1 TEU tương đương 1 container tiêu chuẩn dài 20 feet). Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu đặt chỗ của khách hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu container rỗng và thiếu chỗ trên tàu.
4/ Ngân hàng HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) đã hỗ trợ General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu vòng gọi vốn Serie B trị giá khoảng 250 triệu USD của VNLIFE, “kỳ lân” công nghệ thứ hai của Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới, công ty mẹ của dịch vụ thanh toán VNPAY. Được biết, khoản đầu tư lần này sẽ được VNLIFE sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng các mảng kinh doanh hiện tại và hỗ trợ phát triển nền tảng cũng như công nghệ mới nhằm phục vụ tốt hơn các đối tác bán hàng và người tiêu dùng Việt Nam. Trong tương lai, HSBC sẽ tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể họ đang ở vòng gọi vốn nào, nhằm tạo ra ngày càng nhiều “kỳ lân” mới cho Việt Nam.
5/ Infographic: Báo cáo “Xu hướng ngành Nhà cửa và Làm vườn” của Alibaba
6/ Hàn Quốc đã phạt Google 177 triệu USD vì cản trở sự phát triển của các đối thủ đối với hệ điều hành Android. Theo đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KTFC) đã cáo buộc Google về việc sử dụng lợi thế thương lượng to lớn của mình để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Được biết, Khoản tiền phạt này là một trong những khoản phạt cao nhất mà nước này từng đưa ra cho các cáo buộc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Trong lịch sử, chỉ có Qualcomm mới từng chịu mức phạt cao hơn. KTFC cho biết các thỏa thuận chống phân mảnh (AFA) của Google với các nhà sản xuất như Samsung và LG Electronics đã ngăn các nhà sản xuất thiết bị khác trong việc phát triển hoặc sử dụng các phiên bản sửa đổi của hệ điều hành Android.
7/ Nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp thu hút những người nước ngoài có ‘tiềm năng cao’ ở lại nước này, với việc đặt mục tiêu có 1 triệu cư dân mới giàu có trong 5 năm tới. Theo đó, kế hoạch này nhằm thu hút 4 nhóm gồm công dân toàn cầu giàu có, người hưu trí từ nước ngoài, những người muốn làm việc ở Thái Lan và các chuyên gia có tay nghề cao. Những người nước ngoài có tiềm năng cao sẽ được cấp thị thực dài hạn và được hưởng những lợi ích và miễn trừ, như không phải khai báo khi thời gian lưu trú liên tục vượt quá 90 ngày. Theo dự kiến, các biện pháp mới này sẽ được thực hiện trong 5 năm tài chính (từ 2022 – 2026) với ngân sách khoảng 1.000 tỷ baht (khoảng 30 tỷ USD).
8/ Lĩnh vực du lịch của Anh hiện đang chuẩn bị cho một làn sóng cắt giảm việc làm mới sau khi ABTA, đại diện cho 4.300 thương hiệu du lịch của Anh, cho biết hơn 2/3 thành viên của họ đã lên kế hoạch giảm lao động trong thời gian tới do các quy định rất hạn chế về hoạt động du lịch của chính phủ. Theo đó, các hãng hàng không và công ty du lịch đã coi các quy định du lịch của Anh là quá đắt đỏ và phức tạp, đồng thời cho đó là nguyên nhân dẫn đến một “mùa Hè mất mát” thứ hai trong kỳ nghỉ lễ của năm 2021. Theo ABTA cho biết, các dự án cắt giảm việc làm mới được ước tính sẽ nâng tổng số việc làm bị mất, vì dịch bệnh trong lĩnh vực du lịch ra nước ngoài, lên gần 100.000 vị trí. Cũng theo ABTA, con số này sẽ tăng lên 226.000 việc làm khi tính tới các tác động của đại dịch đến chuỗi cung ứng.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Từng là gã khổng lồ trong giới kinh doanh khi sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản trải khắp 280 thành phố ở Trung Quốc, Evergrande lúc này đối mặt với khoản nợ khổng lồ lên tới 300 tỷ USD và sự hối thúc đầy giận dữ của các nhà đầu tư.
Theo CNBC, từ hôm 13-9, cảnh sát đã có mặt tại trụ sở của Evergrande tại Thâm Quyến sau khi hàng chục người tập trung tại đây để yêu cầu hoàn trả các khoản thanh toán đối với các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) đã quá hạn. Tại văn phòng ở Thẩm Dương, công ty đã thông báo cho nhân viên làm việc ở nhà. Tại Quảng Châu, một nhóm nhà đầu tư giận dữ cũng kéo đến công ty để yêu cầu Evergrande tiếp tục xây dựng dự án đang bị đình trệ. Trước áp lực của đám đông, đại diện của Evergrande chỉ xuất hiện và bác bỏ tin “công ty phá sản”, nhưng thừa nhận rằng “công ty đang gặp những khó khăn chưa từng có”.
10/ Tối ngày 14/9, Apple chính thức ra mắt iPhone 13 series với 4 phiên bản iPhone 13, 13 mini, 13 Pro và 13 Pro Max. Những chiếc điện thoại mới được Apple cải tiến về hiệu năng, camera và màn hình, nhiều màu sắc mới. Theo công bố của Apple, giá bán khởi điểm cho iPhone 13 mini và iPhone 13 tại Mỹ lần lượt là 729 USD và 829 USD. Ngoài ra, Apple cũng đã tăng gấp đôi dung lượng bộ nhớ cho 2 máy, với phiên bản thấp nhất có bộ nhớ 128 GB, tiếp đến là 256 GB và 512 GB. Được biết, ngay sau sự kiện của Apple, một số nhà bán lẻ ở Việt Nam đã công bố mức giá dự kiến các dòng iPhone 13 dao động từ 21,99 – 49,99 triệu đồng, đồng thời nhận đặt trước các sản phẩm ngay từ ngày 15-9.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA