Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc điều hành Haravan (trái) và ông Nguyễn Công Chính, giám đốc kinh doanh của Zalo “bắt tay cam kết” hỗ trợ tối đa các chủ shop trên Zalo

“Tại sao chúng tôi chọn công cụ Zalo để trải nghiệm giải pháp mới của mình? Vì đây là mạng xã hội có hơn 80 triệu tài khoản, hiện là một kênh bán hàng trực tuyến lớn tại thị trường Việt Nam”, CEO Haravan, Huỳnh Lâm Hồ nói.

Muốn bán hàng online hiệu quả, phải có cách đi mới. Haravan đang nhắm đến các chủ shop, doanh nghiệp vốn đã bán hàng online thuộc “bậc tiểu học” muốn chuyển sang cấp cao hơn.

Đó là chia sẻ của giám đốc điều hành công ty Haravan Huỳnh Lâm Hồ khi nói chuyện về việc ứng dụng giải pháp mới vào bán hàng online, cụ thể là mạng xã hội… vào sáng ngày 11/10/2018, tại TP.HCM.

Ông Huỳnh Lâm Hồ cho biết, Haravan chọn công cụ Zalo để trải nghiệm giải pháp mới của mình, vì đây là mạng xã hội có hơn 80 triệu tài khoản, hiện là một kênh bán hàng trực tuyến lớn tại thị trường Việt Nam.

Câu chuyện của Biti’s

Ông Lê Huy Hùng, giám đốc phát triển kỹ thuật của Biti’s cho biết: cuối năm 2016, do có sự cố về hạ tầng mạng nên Biti’s không thể bán hàng trên mạng được, mà chỉ bán hàng bằng những cách cũ: trực tiếp tại các cửa hàng, tiếp thị, quảng cáo… Sau đó, nhờ người mai mối, Biti’s đã tìm đến Haravan để giải quyết những tồn tại trong kinh doanh thương mại điện tử.

Đầu năm 2017, Biti’s hoàn chỉnh hệ thống và giải pháp để bán hàng online. Theo ông Hùng, khi nền tảng của Haravan đáp ứng 15.000 khách hàng kết nối cùng một thời điểm, kèm theo những công cụ: nhà vận chuyển, giao dịch tài chính, có báo cáo, kết nối với hệ thống ERP của Biti’s, đặc biệt là giải pháp bán hàng đa kênh…, Biti’s đã chấp nhận Haravan.

Ngoài kênh bán hàng online riêng của mình, Biti’s còn dùng Zaloshop vì 60% khách hàng của Biti’s có sử dụng Zalo với 38% có độ tuổi từ 18 -35 tuổi, tiết kiệm thời gian xử lý, quảng cáo nhanh và rẻ. “Hiện Biti’s có dữ liệu của hơn 500.000 khách hàng đã từng mua sản phẩm của Biti’s.

Khi sử dụng nền tảng của Haravan trên Zaloshop, giờ đây Biti’s chỉ cần 5 nhân viên chăm sóc khách hàng (chủ yếu là nghe điện thoại), những công việc còn lại nhờ những công cụ tự động như nhắn tin, phân loại đối tượng khách hàng…

Từ nguồn phản hồi của khách hàng mà Biti’s đã tổ chức 10 đợt bán hàng có doanh số cao, hơn 20 lần số đơn hàng thành công so với website cũ, mở rộng thêm 5 đối tác (tài chính, giao nhận…), giảm 50% thời gian xử lý đơn hàng, giảm 50% thời gian vận hành…”, ông Hùng nói thêm.

Phải thay đổi cách bán hàng

Ông Nguyễn Công Chính, giám đốc kinh doanh của Zalo cho rằng, giải pháp “Hỗ trợ kinh doanh toàn diện” của Haravan đã hoàn chỉnh về công nghệ để khách hàng kinh doanh thuận lợi hơn.

Bà Vũ Mai Khanh, phụ trách nhóm đối tác của Zaloshop chia sẻ cụ thể hơn: “Hiện nay, muốn kinh doanh trên mạng hiệu quả, chủ tiệm phải hiểu khách hàng muốn gì để từ đó có cách phục vụ. Theo số liệu, bình quân mỗi khách hàng trên Zalo, mỗi ngày dành hơn 1 tiếng đồng hồ để nhắn tin, mua sắm online…

Vì vậy, muốn bán được nhiều hàng, các chủ shop không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn có thông tin về sản phẩm, kèm theo chính sách hậu mãi… Có đến 60% khách hàng muốn nhận được tin nhắn từ các chủ shop trên Zalo khi có sản phẩm mới hoặc chính sách bán hàng mới như giảm giá, khuyến mại…”.

Haravan giúp gì cho các chủ shop online?

Ông Lê Anh Bằng, giám đốc phát triển sản phẩm của Haravan cho biết, hiện có 20.000 khách hàng đã và đang trả tiền để có quyền sử dụng các ứng dụng, giải pháp của Haravan, trong đó có các thương hiệu lớn: Vinamilk, Thiên Long, TheFaceShop, Biti’s, Juno, Aeon, Coffee House, Bông Bạch Tuyết, iBasic…

Theo ông Bằng, khi khách hàng sử dụng giải pháp “Hỗ trợ kinh doanh toàn diện”, Haravan sẽ đồng bộ tự động (tùy theo từng gói) với Zaloshop: sản phẩm mới, lượng hàng có sẵn trong kho, tiếp nhận đơn hàng, tự động gởi tin nhắn chăm sóc và tiếp thị cho khách hàng theo kịch bản cá nhân để giảm chi phí vận hành, bán hàng cho khách hàng cũ mà không mất tiền quảng cáo… Hiện giải pháp này có 4 gói với mức phí khác nhau.

Với gói miễn phí, khách hàng sẽ được: tạo trang bán hàng tự động, tự động trả lời và chia sẻ thông tin theo kịch bản, tự động tư vấn và gởi tin nhắn và tự động thu thập thông tin và phân nhóm khách hàng. 3 gói cước còn lại, tính theo tháng (299.000 – 499.000 đồng, 299.000 – 599.000 đồng và từ 1 triệu đồng trở lên) sẽ có mức độ mở rộng các dịch vụ khác nhau. Gói từ 1 triệu đồng sẽ có hơn 50 ứng dụng, từ tạo trang bán hàng cho đến ứng dụng cao nhất là Google Shopping Ads.

Dù chạy trên hạ tầng của Zalo, nhưng theo ông Lâm Hồ, giải pháp “Hỗ trợ kinh doanh toàn diện” là tài sản riêng Haravan, “Zalo không có độc quyền giải pháp này”. Điều đó có nghĩa, Haravan có quyền bán giải pháp này cho các nền tảng khác. Nếu sản phẩm của Haravan không tốt, Zalo có quyền sử dụng công cụ khác.

Thịnh An