Cơ cấu gạo Việt Nam đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Ảnh: Gạo hữu cơ ĐBSCL tham dự hội chợ quốc tế Thaifex 2018. Ảnh: Kim Chi.

Chiều ngày 2/11/2018, tại Cần Thơ, hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Giá trị gạo xuất khẩu tăng

Tại hội nghị này, theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, mười tháng đầu năm 2018, ước khối lượng gạo xuất khẩu đạt 5,15 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 6,62% về lượng và tăng 21,49% về kim ngạch so với cùng kỳ. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được dịch chuyển sang gạo thơm, giảm mạnh gạo trắng chất lượng thấp và trung bình được bắt đầu từ năm 2017.

Tỷ trọng gạo trắng chất lượng thấp xuất khẩu chỉ còn 3,88%; gạo trắng chất lượng trung bình là 8,24%. Trong khi đó, tỷ trọng gạo thơm các loại xuất khẩu chiếm đến 29,22%; gạo trắng chất lượng cao là 24,33%; gạo nếp chiếm 23,53%; gạo Nhật (Japonica) chiếm 4,43%. Đây là cơ sở để sản xuất các loại lúa chất lượng cao và giống lúa thơm, giảm lúa phẩm cấp thấp và trung bình.

Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu (bộ Công thương) cho rằng, năm 2018 là dấu mốc đáng kể với ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, với kim ngạch gia tăng đến 20%. Còn ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng giám đốc Intimex cho rằng, 40% trong số 150 doanh nghiệp xuất khẩu sản lượng lớn là nhờ tính liên kết của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm và chia sẻ nguồn hàng.

Nhưng phải đầu tư thích đáng

Theo thống kê, hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam được đầu tư mỗi năm khoảng 600 tỷ đồng, trong đó 50% dành để trả lương, 50% còn lại chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Khoản chi trên thấp hơn Philippines 7 lần, Thái Lan 10 lần và Hàn Quốc đến 600 lần!

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nói: “Cần xem xét lại khi con số đầu tư quá thấp so với các nước trong khu vực. Nếu chỉ dựa vào trung ương, khoa học cho nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư rất khiêm tốn cả về nguồn nhân lực và tài chính.Tại sao nông dân trồng lúa Việt Nam vẫn nghèo, trong khi họ tạo ra năng suất lúa vào nhóm cao sản và xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu của thế giới?”

Giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam có khả năng đạt 40 tỷ USD năm 2018. “Nhưng năng suất lao động trong nông nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều nước châu Á, chỉ bằng 50% của Thái Lan; 20% của Malaysia và 6 – 7% của Singapore. Nguyên nhân chính là cơ cấu lao động còn lạc hậu: 44% lao động chính phục vụ nông nghiệp, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, cơ giới hoá chưa đồng bộ, giá công lao động ngày càng đắt đỏ, công nghiệp chế biến yếu, thị trường hàm chứa quá nhiều rủi ro về giá cả, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc…”, GS Bửu chỉ rõ.

Còn nhiều khâu cần được Nhà nước quan tâm, như: dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp chưa tương xứng, tín dụng phục vụ nông dân còn nhiều bất cập, nông dân đang phải khắc phục những hậu quả về môi trường do chất thải công nghiệp, nhiều vùng khô ng thể xây dựng mô hình VietG.A.P. và GlobalG.A.P., vì nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt bị nhiễm kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép…

Ngọc Bích