TỔNG QUAN
Theo số liệu tổng hợp bởi BSA (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp), kim ngạch xuất khẩu của 11 loại trái cây đem lại giá trị cao cho Việt Nam ước đạt 1.795 triệu USD năm 2021, tăng 17% so với năm 2020. Trong đó,
– Thanh long: giá trị xuất khẩu ước đạt 978 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 6% so với năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giống thanh long ruột trắng, tăng cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5. Các nước Trung Quốc, Hongkong và Macao là thị trường chính của loại trái cây này, nhập vào hơn 64% giá trị xuất khẩu trong năm.
– Chuối: giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 225 triệu USD, tăng trưởng 41% so với năm 2020. Thời gian cao điểm xuất khẩu của loại trái cây này vào tháng 3 và tháng 4. Chuối chủ yếu được xuất đến các nước Châu Á như Trung Quốc, Singapore và Hongkong.
– Xoài: giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 220 triệu USD, tăng vượt bậc đến 412% so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu cũng bao gồm ổi và măng cụt, tuy nhiên, hai loại trái cây này chỉ chiếm một phẩn nhỏ, khoảng 4% giá trị xuất khẩu của mã hàng trái cây Xoài. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu chính, thời gian xuất khẩu cao điểm vào tháng 3 và tháng 4. Đáng chú ý, các mặt hàng chế biến như xoài sấy ngày càng được ưa chuộng ở các nước Châu Âu như Nga và Ukraine. Giá trị xuất khẩu mặt hàng sấy khô năm 2021 tạm tính vào khoảng 15 triệu USD, so với 1.8 triệu USD của năm 2020.
– Mít: giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 167 triệu USD, tăng 14% so với năm 2020. Thời gian xuất khẩu cao điểm dao động trong khoảng tháng 11 đến tháng 4. Giá trị xuất khẩu đi Trung Quốc chiếm gần 75% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này.
– Sầu riêng: giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt $97,8 triệu USD, tăng trưởng 37% so với năm 2020. Nước nhập khẩu chính là Hongkong, xuất khẩu tại chỗ và Đài Loan, chiếm lần lượt 28%, 24% và 18% giá trị xuất khẩu. Thời gian cao điểm xuất khẩu được ghi nhận trong khoảng tháng 6 đến tháng 9, chủ yếu là mặt hàng sầu riêng tươi chưa qua chế biến.
– Các loại trái cây dừa, bưởi và dứa: giá trị xuất khẩu đạt lần lượt ước đạt 31 triệu USD, $9.2 triệu và $723 trăm ngàn USD. Ba mặt hàng trái cây này đều ghi nhận tăng trưởng so với năm 2020, tăng lần lượt 37%, 34% và 100%. Đối với dừa, Trung Quốc và Thái Lan là hai nước nhập khẩu chính, chiếm lần lượt 24% và 21/5 kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, 42% giá trị xuất khẩu bưởi được xuất đến Hongkong. Bưởi cũng là loại trái cây được ưa chuộng ở các nước ôn đới, trong đó, Hà Lan chiếm 13% và Canada chiếm 9% kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này.
– Các loại trái cây còn lại, dưa hấu, nhãn và chôm chôm ghi nhận giảm giá trị xuất khẩu so với năm 2021. Theo đó, dưa hấu ước đạt giá trị xuất khẩu $51 triệu USD, giảm 62%; nhãn giá trị xuất khẩu đạt $8.7 triệu USD, giảm 55% và chôm chôm gía trị xuất khẩu ước đạt $5.1 triệu USD, giảm 43% so với năm 2020. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của các loại trái cây này, thời gian xuất khẩu cao điểm rơi vào tháng 1 đến tháng 4. 
THỊ TRƯỜNG
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu của 11 loại trái cây chính ghi nhận sự mở rộng trong năm 2021, xuất khẩu đến 92 quốc gia và vùng lãnh thổ so với 71 quốc gia và vùng lãnh thổ của năm 2020.
Thị trường các nước Trung Quốc, Hongkong và Macao chiếm 64,6% kim ngạch xuất khẩu của 11 loại trái cây chính, tăng nhẹ so với 62,1% giá trị năm 2020. Thị trường các nước Châu Á khác, bao gồm các nước nhập khẩu chính là Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ, ghi nhận sự tăng trưởng về giá trị ước đạt $491 triệu USD so với $483 triệu năm 2020, chiếm 29,2% kim ngạc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 11 loại trái cây chính vào thị trường Châu Mỹ ước đạt $43,6 triệu USD, tăng 34.5% so với năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ ước đạt $37 triễu USD, tăng 41% so với năm 2020. Đối với thị trường Châu Âu, Nga và Hà Lan là hai nước nhập khẩu lớn, chiếm lần lượt 36% và 26% kim ngạch xuất khẩu đến thị trường các nước Châu Âu, các loại trái cây được ưa chuộng ở thị trường này là xoài, thanh long và chuối.
NHẬN ĐỊNH VÀ DỰ BÁO
Trong năm 2021, xuất khẩu 11 loại trái cây chính tăng cao từ tháng 1 đến tháng 4,
trong đó thời gian xuất khẩu cao điểm ghi nhận trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu trái cây có xu hướng giảm dần và liên tục, xuống mức thấp nhất trong năm vào tháng 10 là $78,4 triệu USD. Về cuối năm, sau thời gian tháng 10, khi giai đoạn bình thường mới dần ổn định, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và thông thương vận chuyển giữa các tỉnh và cửa khẩu bắt đầu được phục hồi, kim ngạch xuất khẩu 11 loại trái cây tăng trở lại, đạt lần lượt $117 triệu và $141 triệu USD trong tháng 11 và tháng 12. Theo yếu tố chu kỳ, thời điểm cuối năm cũng ghi nhận nhu cầu nhập khẩu trái cây cao.
Thanh long, chuối và xoài là ba loại trái cây xuất khẩu chính, chiếm đa số trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhu cầu với các sản phẩm trái cây nhiệt đới đã qua chế biến như nước ép và trái cây sấy khô tăng cao, ngày càng được ưa chuộng ở các thị trường Châu Âu như Nga và Hà Lan.
BSA nhận định, dự báo xuất khẩu của các mặt hàng rau quả Việt Nam nói chung
có thể đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2022. Ngoài ra, theo báo cáo Triển vọng Nông nghiệp OECD-FAO 2021-2030, sản lượng của các loại trái cây như chuối, xoài và dứa có thể đạt mức tăng trưởng từ 1-3% mỗi năm. Tuy nhiên, ngoài diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các biến đổi khí hậu dẫn đến việc xảy ra thường xuyên hơn lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy và các loại thiên tai khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng nông nghiệp. Đáng chú ý, các loại trái cây nhiệt đới thường được trồng tại các khu vực tách biệt, liên kết đến các tuyến đường vận chuyển chính và có sự phụ thuộc cao vào lượng nước mưa tự nhiên, khiến sản lượng, giá cả và hoạt động thương mại các loại trái cây nhiệt đới này thường bị tác động mạnh bởi các diễn biến thị trường.

Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm, thị trường, khách hàng, mạng lưới phân phối, người tiêu dùng, xuất nhập khẩu… hãy liên hệ với BSA – qua email:  phuonganh.nguyen@bsa.org.vn – để được thông tin chi tiết!