Việc tham quan mô hình thực tế giúp người mới khởi nghiệp học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cách trồng trọt, chăm sóc, bảo quản, cách tiếp cận thị trường hay những công nghệ tiến bộ.
Ngày 17/12/2018, gần 30 thanh niên khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ của tỉnh Bến Tre đã tề tựu về trại nuôi cá của HTX Tương Lai, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Họ đến đây để tham quan, tìm hiểu và học hỏi cách nuôi cá từ bà Nguyễn Thị Ánh Lan – một trong những điển hình khởi nghiệp thành công khi thực hiện việc nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho thị trường nhiều loại cá, tôm giống và thương phẩm tại TP.HCM trong hơn 10 năm qua.
Chuyến tham quan, học hỏi mô hình thực tế về khởi nghiệp nông nghiệp lần này do Chương trình Sáng tạo Khởi nghiệp (SKC) của Trung tâm BSA phối hợp với Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Bến Tre tổ chức.
Tại trang trại của HTX Tương lai, những người tham quan được bà Lan – Chủ nhiệm HTX chia sẻ về những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi từng loại cá; cách sử dụng nguồn nước tự nhiên như thế nào để giúp tôm, cá phát triển tốt, tránh dịch bệnh. Ngoài ra, những kỹ thuật về chế biến thức ăn, cách thức cho cá ăn,… cũng được Chủ nhiệm HTX này chia sẻ củ thể trong suốt quá trình tham quan.
Không chỉ học cách nuôi cá tại HTX Tương lai, đoàn thanh niên khởi nghiệp này còn được tham quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp Công nghệ cao tại Trung tâm ươm tạo Công nghệ cao (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) và nông trại rau sạch, hướng hữu cơ của Happy Vegi (quận Tâm Bình), TP.HCM.
Anh Dương Minh Châu (TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre), một trong những người tham gia cho rằng, việc tham quan các mô hình đã giúp những người tham gia học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cách trồng trọt, cách tiếp cận thị trường hay những công nghệ tiến bộ. Qua đây, họ có được định hướng, tìm được những cái mới để về giúp bản thân phát triển mô hình tốt hơn.
“Bản thân tôi thì khi tham quan mô hình ở khu công nghệ cao thì giúp chúng tôi rất nhiều điều, nhất là việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Bây giờ, nông nghiệp đã áp dụng các khoa học kỹ thuật thì mới thành công và chúng tôi rất tâm đặc. Hi vọng rằng sắp tới đây chúng tôi sẽ lên thường xuyên hơn ở khu công nghệ cao để học hỏi thêm nhiều điều. Hi vọng sắp tới đây, chương trình khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre, liên kết với BSA tổ chức nhiều buổi thực tế như thế này nữa để giúp an hem khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận mô hình thực tế”. Anh Dương Minh Châu chia sẻ.
Khi đoàn tham quan đến với mô hình sản xuất rau hướng hữu cơ Happy Vegi, họ đã được nghe chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên, một trong những người khai sinh ra vườn rau này kể về hành trình khởi nghiệp như thế nào, cách phát triển thị trường, chinh phục người tiêu dùng…
Chủ vườn rau này cũng giành nhiều thời gian để chia sẻ, hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, sản xuất rau sạch, phương pháp xây dựng QR Code để truy xuất nguồn gốc, sử dụng vi sinh trong sản xuất nông nghiệp sạch, thời gian thu hái, xậy dựng điểm bán hàng cũng như cách xây dựng niềm tin với người tiêu dùng… Đây là những điều tưởng khó nhưng cực kỳ dễ thực hiện nếu như các chủ dự án khởi nghiệp, bà con nông dân tuân thủ đúng cách.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Ân, một người khởi nghiệp bằng cách sản xuất chuối sấy sạch ở huyện Châu Thành, Bến Tre chia sẻ rằng, đi tham quan như thế này tạo cho bạn sự hứng khởi, niềm tin mãnh liệt. khi khởi nghiệp, Ân muốn tạo ra sản phẩm sạch thì qua những mô hình như thế này, bạn đã cảm thấy tự tin và thấy con đường đi của mình là chính xác. Qua từng mô hình, những người mới khởi nghiệp như Ân có thể biết thêm nhiều công nghệ mới trước giờ chưa từng nghĩ tới và sẽ tìm cách áp dụng. Nhờ đây, những thành viên trong đoàn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm của những người đi trước, cũng có thể kết nối được với những bạn khởi nghiệp với nhau, kết nối với những người chủ của các mô hình này để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thiện Chí – cán bộ của Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư Bến Tre, người dẫn đoàn cho biết: Vài năm trở lại đây, đơn vị thường xuyên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho thanh niên khởi nghiệp của tỉnh nhà. Qua những lớp tập huấn tại chỗ, các bạn khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trang bị được lượng kiến thức đáng kể để xây dựng dự án, kinh doanh. Tuy nhiên, việc được tham quan thực tế như thế này sẽ giúp họ có sự trực quan, tận mắt chứng kiến những cái hay, cái mới từ các dự án thực tế và nhận được chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước. Từ đó các bạn sẽ rút ngắn được thời gian, giúp nung nấu ý chí khởi nghiệp.
Có thể thấy rằng, khởi nghiệp là sự khởi đầu đầy khó khăn của những người muốn tìm cho mình con đường lập thân lập nghiệp. Họ cần được trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm để phát xây dựng và phát triển dự án. Do đó, việc được tham quan thực tế những mô hình thành công, được trực tiếp tìm hiểu về kỹ thuật, các yếu tố về môi trường, sâu dịch bệnh và ngay cả cách thức chinh phục thị trường… đã giúp những người tham dự tích lũy thêm được vốn kiến thức đáng kể, từ đó biết cách vận dụng vào dự án thực tế của mình, mang lại hiệu quả cao hơn.
Một số hình ảnh tham quan thực tế các mô hình khởi nghiệp thành công tại TP.HCM
Tuấn Anh (BSA)